Hội thảo khoa học “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về thúc đẩy động lực tăng trưởng mới - góc nhìn từ thực tiễn phát triển kinh tế di sản của Quảng Ninh” 

Tại huyện Vân Đồn, Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản, Hội đồng Lý luận Trung ương và Tỉnh ủy Quảng Ninh đồng tổ chức Hội thảo khoa học “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về thúc đẩy động lực tăng trưởng mới - góc nhìn từ thực tiễn phát triển kinh tế di sản của tỉnh Quảng Ninh”. 

Các đồng chí: GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; Vũ Đại Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; PGS.TS Lê Hải Bình, Uỷ viên dự khuyết Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản; PGS. TS. Nguyễn Ngọc Hà, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản; Đặng Xuân Phương, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, chủ trì hội thảo.

Dự hội thảo có các đồng chí trong Thường trực Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Quảng Ninh; lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương; các nhà khoa học, chuyên gia; lãnh đạo các sở, ngành, địa phương trong tỉnh.

Hội thảo khoa học “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về thúc đẩy động lực tăng trưởng mới - góc nhìn từ thực tiễn phát triển kinh tế di sản của tỉnh Quảng Ninh”.
Hội thảo khoa học “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về thúc đẩy động lực tăng trưởng mới - góc nhìn từ thực tiễn phát triển kinh tế di sản của tỉnh Quảng Ninh”.

Phát biểu chào mừng tại hội thảo, đồng chí Vũ Đại Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh nhấn mạnh: Quảng Ninh được ví như “một Việt Nam thu nhỏ”, địa phương có nhiều tiềm năng, thế mạnh, giá trị riêng biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh từ những yếu tố “thiên tạo” và “nhân tạo” như vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long, vùng mỏ, địa chất, địa mạo, di sản Yên Tử gắn với Phật phái Trúc Lâm, mạng lưới 630 di tích lịch sử - văn hóa; yếu tố thuộc về cốt cách, con người Quảng Ninh, nhất là truyền thống “kỷ luật và đồng tâm” của Vùng Mỏ anh hùng... Những yếu tố này không chỉ tạo cơ hội phát triển dịch vụ tổng hợp hiện đại ngày càng giữ vai trò chủ đạo, phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn mà còn tạo nền tảng xây dựng một nền kinh tế di sản bền vững. Không chỉ góp phần bảo tồn giá trị văn hóa, lịch sử mà còn là động lực mạnh mẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, du lịch và xã hội.

Đồng chí Vũ Đại Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, phát biểu chào mừng tại hội thảo.
Đồng chí Vũ Đại Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, phát biểu chào mừng tại hội thảo.

Dù có nhiều thành tựu, nhưng trong quá trình phát triển Quảng Ninh cũng đối mặt với không ít thách thức, nhất là biến đổi khí hậu, áp lực từ du lịch đại chúng và việc quản lý chưa đồng bộ đang ảnh hưởng đến các di sản. Để vượt qua thách thức và tiếp tục phát huy tiềm năng, thế mạnh, tỉnh Quảng Ninh đặt ra các định hướng phát triển bền vững và giải pháp chiến lược. Trong đó, tập trung bảo tồn di sản bền vững; phát triển du lịch thông minh, ứng dụng công nghệ số trong quảng bá và quản lý du lịch, xây dựng các sản phẩm du lịch sáng tạo dựa trên nền tảng văn hóa và lịch sử để nâng cao trải nghiệm của du khách; huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực hợp pháp để phát triển các sản phẩm mới và đổi mới, nâng cao sản phẩm du lịch sẵn có; phát triển các loại hình du lịch sáng tạo; xây dựng hệ sinh thái du lịch xanh; đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; thúc đẩy liên kết vùng và hợp tác quốc tế.

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh mong rằng thông qua hội thảo sẽ bổ sung cho Quảng Ninh những tầm nhìn mới, góc nhìn mới, hiểu biết mới cũng như những kinh nghiệm quý báu về phát triển kinh tế di sản và định hướng phát triển kinh tế di sản ở tỉnh Quảng Ninh trong thời gian tới. Đặc biệt, những ý kiến đóng góp tại hội thảo cũng sẽ là các luận chứng xác đáng, thực tiễn sinh động góp phần làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới của tỉnh để bổ sung, hoàn thiện văn kiện Đại hội XVI của Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh, nhiệm kỳ 2025 - 2030 với mục tiêu xây dựng Quảng Ninh giàu mạnh, văn minh, hiện đại, hạnh phúc, trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trước năm 2030, thiết thực kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng, hướng tới hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2045 là một trong những đầu tàu thúc đẩy kinh tế quốc gia; tạo nền tảng vững chắc cùng cả nước bước vào kỷ nguyên phát triển mới của dân tộc.

PGS.TS Lê Hải Bình, Uỷ viên dự khuyết Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, phát biểu bế mạc hội thảo.
PGS.TS Lê Hải Bình, Uỷ viên dự khuyết Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, phát biểu bế mạc hội thảo.

Phát biểu chỉ đạo và đề dẫn tại hội thảo, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương nhấn mạnh: Thời gian qua, các di sản văn hóa và thiên nhiên đã phát huy vai trò quan trọng đối với sự phát triển đất nước. Với quốc tế, các di sản góp phần lan tỏa sức mạnh mềm Việt Nam với bạn bè quốc tế. Ở trong nước, các di sản đã góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đẩy mạnh công tác đối ngoại và bảo đảm quốc phòng, an ninh. 

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả to lớn, rất đáng tự hào đó, cũng cần thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, bất cập vẫn còn đang tồn tại. Ở một số nơi, vai trò của di sản là nguồn lực và động lực cho phát triển chưa được nhận thức đầy đủ; chưa xử lý hài hoà mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển, nhất là trong liên kết vùng. Việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa về cơ bản vẫn được xem là một nhiệm vụ của ngành văn hóa. Nguồn lực đầu tư cho việc bảo tồn, phát huy giá trị của các di sản văn hóa và thiên nhiên còn hết sức hạn chế. Giá trị kinh tế của di sản chưa được xem xét một cách thỏa đáng. Cách tiếp cận liên ngành kinh tế học di sản đối với các di sản văn hóa và thiên nhiên còn chưa được quan tâm đúng mức.

GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, phát biểu chỉ đạo và đề dẫn tại hội thảo.
GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, phát biểu chỉ đạo và đề dẫn tại hội thảo.

Tỉnh Quảng Ninh thể hiện tư duy đột phá và tầm nhìn chiến lược về một mô hình phát triển bền vững, rõ nét ngay từ các quy hoạch chiến lược của tỉnh, gắn liền với quá trình chuyển đổi từ "kinh tế nâu" sang "kinh tế xanh". Tỉnh tiên phong trong việc huy động nguồn lực và áp dụng hiệu quả các mô hình đối tác công - tư (PPP) để phát triển kinh tế di sản, đặc biệt trong lĩnh vực phát triển hạ tầng giao thông gắn liền với hạ tầng du lịch và bảo tồn di sản. Tỉnh đã đặt cộng đồng địa phương vào vị trí trung tâm trong chiến lược bảo vệ, quản lý và khai thác di sản, tạo ra mối quan hệ gắn kết bền vững giữa người dân và di sản. Tỉnh Quảng Ninhtiên phong ứng dụng công nghệ và đẩy mạnh chuyển đổi số trong phát triển kinh tế di sản, tạo bước đột phá trong quản lý và quảng bá, truyền thông giá trị di sản...

Với tầm quan trọng đó, hội thảo nhận được sự quan tâm và tham dự của đông đảo các chuyên gia, nhà khoa học, nhà lãnh đạo, quản lý ở các lĩnh vực khác nhau, với gần 80 bài tham luận. Các bài viết được đánh giá là có sự đầu tư công phu, có chất lượng tốt, giàu hàm lượng khoa học, kinh nghiệm thực tiễn phong phú, đã kiến giải sâu sắc, nhiều chiều các nội dung của hội thảo.

Thảo luận trực tiếp tại hội thảo, các đại biểu tham gia các ý kiến tâm huyết, chất lượng tập trung làm rõ những vấn đề xung quanh khái niệm, vị trí, vai trò, những yếu tố ảnh hưởng và kinh nghiệm các địa phương và quốc gia trên thế giới trong phát triển kinh tế di sản - động lực tăng trưởng quan trọng trong xu thế phát triển xanh trên thế giới. Đồng thời, phân tích thực trạng phát triển kinh tế di sản tại tỉnh Quảng Ninh thời gian qua, trong đó, đánh giá được thành tựu, hạn chế cùng các nguyên nhân của các thành tựu, hạn chế đó, đồng thời làm rõ những vấn đề đặt ra, phát hiện những điểm nghẽn, các mâu thuẫn, lực cản trong phát triển kinh tế di sản.

Phiên thảo luận bàn tròn tại hội thảo.
Phiên thảo luận bàn tròn tại hội thảo.

Các đại biểu đề xuất các giải pháp, kiến nghị nhằm tháo gỡ những điểm nghẽn, các mâu thuẫn, lực cản về cơ chế, chính sách và trong thực thi các cơ chế, chính sách để tỉnh Quảng Ninh phát huy tối đa hiệu quả nguồn lực kinh tế di sản. Trong đó, cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, di sản thiên nhiên; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về phát huy giá trị di sản văn hóa trong phát triển KT-XH; nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác bảo tồn, phục dựng, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể; hoàn thiện và bổ sung các văn bản luât, quy chế, quy định ở cấp quốc gia và các cấp chính quyền địa phương để bảo vệ đầy đủ cho di sản thế giới; xây dựng các kế hoạch quản lý phù hợp với sự tham gia của các bên liên quan; đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong phát triển kinh tế di sản; đổi mới, phát triển sản phẩm, dịch vụ kế hợp di sản đầu tư nguồn lực con người và nguồn lực tài chính cho bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị di sản; nghiên cứu và giải quyết mối quan hệ liên vùng, liên cấp, liên ngành trong quản trị địa phương…

Phát biểu bế mạc hội thảo, PGS.TS Lê Hải Bình, Uỷ viên dự khuyết Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, bày tỏ ghi nhận các ý kiến phát biểu của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà lãnh đạo, quản lý. Những nội dung của các tham luận và những ý kiến tâm huyết và tinh thần trách nhiệm cao của các đại biểu sẽ được chắt lọc, gửi đến các cơ quan chức năng nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đổi mới cơ chế, chính sách để tỉnh Quảng Ninh nói riêng, cả nước nói chung phát triển hiệu quả kinh tế di sản, góp phần tạo động lực tăng trưởng mới, cùng cả nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.  

Ngô Quảng  

Từ khóa: