Hợp tác tìm hướng đi mới bền vững cho ngành du lịch

Nhằm khắc phục tính mùa vụ trong hoạt động du lịch, ba tỉnh Ninh Bình, Thanh Hóa và Nghệ An đang hợp tác xây dựng hành trình du lịch xanh, hướng tới phát triển bền vững và nâng cao trải nghiệm của du khách. Sự liên kết này kỳ vọng sẽ giúp kéo dài thời gian lưu trú, đồng thời phát huy tối đa tiềm năng du lịch văn hóa, sinh thái đặc sắc của từng địa phương.

Với lợi thế đều sở hữu nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng cùng hệ thống di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh nổi tiếng. Tuy nhiên, hoạt động du lịch tại đây vẫn mang tính mùa vụ, chưa khai thác hết tiềm năng sẵn có.

Liên kết để phát triển, hướng tới du lịch bền vững

Làm nông nghiệp kết hợp với du lịch
Làm nông nghiệp kết hợp với du lịch

Ngày 10-4, hội nghị xúc tiến, quảng bá du lịch với chủ đề "Nghệ An - Thanh Hóa - Ninh Bình: Hành trình du lịch xanh" đã được tổ chức nhằm giới thiệu thế mạnh của từng địa phương và tìm giải pháp phát triển du lịch xanh một cách hiệu quả, lâu dài.

Phát biểu tại hội nghị, bà Vương Thị Hải Yến – Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa – nhấn mạnh: Ninh Bình, Thanh Hóa và Nghệ An đều có lợi thế lớn để phát triển du lịch xanh. Mỗi tỉnh đều sở hữu các điểm đến tầm cỡ quốc gia và quốc tế như Cố đô Hoa Lư, quần thể Tràng An – Bái Đính (Ninh Bình), Thành nhà Hồ – Lam Kinh (Thanh Hóa), Khu di tích Kim Liên – Nam Đàn (Nghệ An).

"Du lịch bền vững và du lịch xanh đang trở thành xu hướng tất yếu trên toàn cầu. Không chỉ góp phần bảo vệ môi trường, mô hình này còn mang lại giá trị kinh tế - xã hội lâu dài cho địa phương", bà Yến nhấn mạnh.

Du lịch xanh không những góp phần bảo vệ môi trường, còn mang lại giá trị kinh tế - xã hội lâu dài cho địa phương
Du lịch xanh không những góp phần bảo vệ môi trường, còn mang lại giá trị kinh tế - xã hội lâu dài cho địa phương

Ba tỉnh đang cùng nhau xây dựng và quảng bá các chương trình du lịch đặc sắc với các thông điệp ấn tượng: "Nghệ An – Hành trình xanh", "Du lịch Thanh Hóa – Hương sắc bốn mùa", "Ninh Bình – Điểm đến thân thiện hàng đầu thế giới".

Ông Trương Quốc Hùng – Chủ tịch Câu lạc bộ Du lịch lữ hành UNESCO Hà Nội – cho rằng các địa phương cần tăng cường liên kết và kết nối các điểm đến văn hóa, tâm linh, thiên nhiên để hình thành các tour du lịch hấp dẫn, hoạt động quanh năm. Tuy nhiên, để thực hiện hiệu quả điều này, các tỉnh cần có những cơ chế đặc thù nhằm thúc đẩy phát triển du lịch một cách đồng bộ.

Tạo sản phẩm xanh – Giữ chân du khách lâu hơn

Góp ý về việc xây dựng sản phẩm du lịch xanh, bà Tạ Thị Tú Uyên – Giám đốc Ban sản phẩm dịch vụ, Công ty Du lịch Vietravel – đề xuất các địa phương nên phát triển bản đồ du lịch số. Công cụ này giúp du khách dễ dàng khám phá những nét đặc sắc về thiên nhiên, văn hóa, lịch sử của từng vùng.

"Bản đồ du lịch số không chỉ là công cụ quảng bá hình ảnh hiệu quả, mà còn hỗ trợ các doanh nghiệp lữ hành xây dựng tour liên kết giữa các địa phương", bà Uyên chia sẻ.

Ông Hà Văn Siêu – Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam – du lịch xanh đang trở thành xu hướng phát triển tất yếu.
Ông Hà Văn Siêu – Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam – du lịch xanh đang trở thành xu hướng phát triển tất yếu.

Theo ông Hà Văn Siêu – Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam – du lịch xanh đang trở thành xu hướng phát triển tất yếu. Cục đã và đang thúc đẩy nhiều giải pháp để tạo ra sản phẩm du lịch mới, phát huy giá trị văn hóa, sinh thái đặc trưng của từng địa phương.

Ông cũng cho biết, tuy lượng khách đến ba tỉnh là không nhỏ, nhưng tổng doanh thu du lịch vẫn còn khiêm tốn. Điều đó cho thấy các tỉnh cần tập trung phát triển sản phẩm du lịch chất lượng cao, kéo dài thời gian lưu trú của du khách.

"Muốn vậy, cần có các sản phẩm độc đáo, đặc biệt là những hoạt động giải trí về đêm, các trải nghiệm mang tính cảm xúc và chiều sâu", ông Siêu nhấn mạnh.

Diễm Phước