Hướng phát triển nào cho ngành chè sau Covid?

Đại dịch Covid - 19 đã tác động rất lớn đến mọi quốc gia và vùng lãnh thổ. Nền kinh tế cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng và đang có xu hướng tăng trưởng chậm. Từ đầu năm đến nay, ngành nông nghiệp gặp nhiều khó khăn, biến động. Ngành chè bị tác động rất lớn bởi các thị trường xuất khẩu gần như bị đóng băng và giá chè sụt giảm mạnh.

Thách thức bủa vây

Chè là một trong những mặt hàng nông sản bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid - 19. Theo nhận định của Hiệp hội Chè Việt Nam, dịch Covid-19 bùng phát và lan rộng tại nhiều thị trường quan trọng của ngành chè Việt Nam, làm gián đoạn các hoạt động sản xuất và xuất khẩu. Các thị trường lớn như Đài Loan, Trung Quốc và Nga gần như “đóng băng”. Trong khi đó các thị trường khác không ký được các hợp đồng mới; các hợp đồng đã ký trước đây được yêu cầu giảm giá sâu, hoãn thời gian giao nhận hàng hoặc hủy hợp đồng.

Tại thị trường trong nước, trong tháng 3/2020, giá chè cũng có xu hướng biến động giảm. Cụ thể, tại Thái Nguyên, giá chè cành chất lượng cao giảm 10.000 đồng/kg, chè xanh búp khô giảm 5.000 đồng/kg, chè xanh búp khô (đã sơ chế loại 1) giảm 10.000 đồng /kg. Trong khi đó, tại Bảo Lộc (Lâm Đồng), giá chè cành ở mức 9.500 đồng/kg.

Theo số liệu của Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), khối lượng xuất khẩu chè tháng 3/2020 ước đạt 9 nghìn tấn với giá trị đạt 12 triệu USD, đưa khối lượng và giá trị xuất khẩu chè 3 tháng đầu năm 2020 đạt 26 nghìn tấn và 37 triệu USD, giảm 2,5% về khối lượng và giảm 19% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019.

Trong 2 tháng đầu năm 2020, Pakistan, Nga, Đài Loan, Indonesia và Mỹ là 5 thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam, chiếm tỷ trọng 74,5% trong tổng kim ngạch xuất khẩu chè cả nước. Giá chè xuất khẩu bình quân 2 tháng đầu năm 2020 đạt 1.481 USD/tấn, giảm 13,5% so với cùng kỳ năm 2019.

Đáng chú ý, trong 2 tháng đầu năm 2020, tổng xuất khẩu chè của Việt Nam sang thị trường xuất khẩu chè sang Trung Quốc giảm mạnh năm 2020 do hạn chế trong việc thông quan bởi ảnh hưởng của dịch Covid-19 và kỳ nghỉ Tết kéo dài ở nước này. Những tháng đầu năm chỉ đạt 364 tấn, tương đương 427 nghìn USD, giảm 54,1% về lượng và giảm 87,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019. Thị phần của nước này trong tổng kim ngạch xuất khẩu chè của Việt Nam hiện chỉ đạt 1,7% (xếp vị trí thứ 10), giảm từ mức 11,4% (xếp vị trí thứ 3) trong cùng kỳ năm 2019.

Bài toán thị trường nào cho những “thủ phủ chè”

Tại Lâm Đồng - một trong những thủ phủ chè của cả nước, hàng nghìn hộ dân lao đao bởi ảnh hưởng từ dịch bệnh. Phần lớn sản lượng chè ở đây đều chỉ xuất khẩu duy nhất vào thị trường Đài Loan (Trung Quốc). Khi phía đối tác tạm dừng thông quan đã làm điêu đứng cả một ngành sản xuất của tỉnh Lâm Đồng. 

Hướng phát triển nào cho ngành chè sau Covid? - Ảnh 1

Từ đầu năm 2020 đến nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh, sản lượng xuất khẩu chè của Lâm Đồng đã giảm 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Chỉ tính riêng tháng 2/2020, sản lượng chè xuất khẩu của Lâm Đồng chỉ đạt 289 tấn và đạt giá trị 0,7 triệu USD, giảm 7,1% về lượng và 67,4% về giá trị so với cùng kỳ.

Bên cạnh đó, thời điểm bùng dịch lại là thời vụ chính thu hoạch chè xuân, không chỉ giá chè bị sụt giảm mà hàng tồn kho của các Công ty cũng rất lớn.

Ông Vũ Minh Đức - Phó Giám đốc Công ty CP chè Phong Hải cho biết: “Một số nước nhập chè khô của công ty đã đóng cửa khẩu hoặc không có giao dịch trên thị trường, dẫn đến nguồn vốn của công ty không được xoay vòng, gây áp lực về tài chính. Tuy nhiên, để đảm bảo giữ vững nguồn nguyên liệu chè, Công ty vẫn bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho người trồng chè theo hợp đồng đã ký; đồng thời huy động mọi nguồn lực tài chính để duy trì sản xuất kinh doanh”.

Tháo gỡ khó khăn

Hiện nay, tổng diện tích trồng chè của nước ta khoảng 124 nghìn ha, với sản lượng chè khô chế biến đạt 200 nghìn tấn/năm. Ngành sản xuất và chế biến chè tạo việc làm cho hơn 400 nghìn lao động. Nhiều vùng chè cho năng suất cao và chất lượng tốt, nổi tiếng trong nước như Tân Cương (Thái Nguyên), Mộc Châu (Sơn La), Bảo Lộc (Lâm Đồng)…

Bên cạnh đó, chè là loại nông sản nổi tiếng góp phần khẳng định thương hiệu nông sản địa phương. Ngành nông nghiệp cũng đã lường trước những khó khăn của ngành chè và có phương án cụ thể, trong đó chú trọng nâng cao chất lượng và xúc tiến tìm đầu ra. Từ đó, ngành tập trung tuyên truyền, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân xây dựng các dự án đầu tư, sản xuất chè an toàn; trồng thay thế diện tích chè giống cũ, năng suất thấp bằng các giống chè mới có năng suất, chất lượng cao. Đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật về giống, phân bón, các biện pháp canh tác, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn nhằm tăng năng suất, sản lượng, chất lượng sản phẩm chè.

Đồng thời, mở rộng diện tích sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ tại các vùng nguyên liệu. Khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng diện tích áp dụng tiêu chuẩn sản xuất nông nghiệp bền vững, quản lý chất lượng, truy xuất nguồn gốc từ vườn cho tới sản phẩm cuối cùng tại nhà máy. Để ngành chè phát triển bền vững ứng phó sau đại dịch, các công ty xuất khẩu chè nên đặt ra một phương hướng hợp lí.

Có thể thấy, thị trường chè Việt Nam 2020 so với năm 2019 đang dần dần tụt dốc. Nhưng khi đã chủ động được nguồn nguyên liệu ổn định, chất lượng, thị trường được khơi thông, việc sẵn sàng cung ứng sản phẩm từ các doanh nghiệp sẽ được thực hiện nhanh chóng và hiệu quả nhất sau dịch bệnh.

Hương Trà