Khám phá văn hóa trà thế giới

Trà không chỉ là một thức uống mà còn là biểu tượng văn hóa của nhiều quốc gia. Từ Trung Quốc, Nhật Bản, Việt Nam đến Anh, Ấn Độ và Sri Lanka mỗi chén trà đều kể câu chuyện độc đáo về truyền thống, lịch sử và nghệ thuật sống.

Nhắc đến việc uống trà, người ta thường hình dung về một nét văn hóa tinh tế đã tồn tại hàng nghìn năm, trở thành biểu tượng độc đáo của nhiều quốc gia. Từ Trung Quốc, Nhật Bản, Việt Nam, đến Anh Quốc, Sri Lanka hay Ấn Độ, văn hóa uống trà không chỉ đơn thuần là một thói quen mà còn là sự kết tinh của truyền thống, lịch sử và nghệ thuật.

Trà Việt phản ánh sự sáng tạo và tinh thần hiếu khách. Ảnh minh họa
Trà Việt phản ánh sự sáng tạo và tinh thần hiếu khách. Ảnh minh họa

Trung Quốc được xem như cái nôi của văn hóa uống trà. Theo truyền thuyết, Đạt Ma, một nhà sư nổi tiếng, vì buồn ngủ khi tu luyện đã nhổ hai lông mi vứt xuống đất, từ đó mọc lên cây chè. Tương truyền, những người uống lá chè này đều cảm thấy tỉnh táo và minh mẫn. Thánh trà Lư Đồng và thần trà Lục Vũ cũng góp phần ghi dấu ấn đậm nét trong lịch sử trà Trung Quốc, với những kiến thức đồ sộ và giá trị về cây chè cũng như nghệ thuật thưởng trà. Những đóng góp này không chỉ ảnh hưởng sâu sắc đến Trung Quốc mà còn lan tỏa khắp thế giới.

Tại Nhật Bản, trà được nâng tầm thành một nghệ thuật sống. Nhà sư Eisai (1141-1215) là người đầu tiên mang hạt giống trà từ Trung Quốc về Nhật và sáng tác cuốn “Khiết Trà Dưỡng Sinh Ký”, khởi nguồn cho trà đạo (Cha no yu). Đến thế kỷ 14, nhà sư Murata Juko đã kết hợp sự giản dị của trà với triết lý Thiền trong Phật giáo, tạo nên văn hóa Trà đạo độc đáo. Ban đầu, trà đạo chỉ phổ biến trong giới quý tộc, nhưng đến thế kỷ 17, Trà sư Furuta Oribe đã đưa nghệ thuật này gần gũi hơn với đời sống người dân. Ngày nay, trà đạo không chỉ là một nghi thức mà còn là biểu tượng của tinh thần thanh tịnh, hòa hợp và sâu lắng.

Ở Việt Nam, trà gắn liền với đời sống văn hóa từ làng quê đến cung đình. Từ những ấm chè xanh nơi góc sân nhà, nơi người dân quây quần sau buổi làm đồng, đến những chén trà sen trang nhã dành cho khách quý, trà Việt phản ánh sự sáng tạo và tinh thần hiếu khách. Truyền thống ướp trà với hoa sen, hoa nhài, hoa sói tạo nên hương vị đặc trưng mà không nơi nào có được. Trong lịch sử, nghi thức pha trà ở cung đình nhà Nguyễn là minh chứng cho sự cầu kỳ và tinh tế của văn hóa trà Việt, từ khâu chọn trà, chọn nước đến cách pha và thưởng thức.

Người Anh nổi tiếng với truyền thống "Trà Chiều" (Afternoon Tea). Truyền thống này bắt nguồn từ công chúa Catherine vùng Braganza, người mang thùng trà đến Anh như một phần hồi môn khi kết hôn với vua Charles II. Vào thế kỷ XIX, Nữ công tước Anna ở Bedford đã khởi xướng thói quen tiệc trà chiều, bắt đầu từ những bánh ngọt nhỏ và một bình trà để lấp đầy cơn đói giữa buổi. Ngày nay, văn hóa trà chiều đã trở thành một nghi thức thanh lịch, với câu nói quen thuộc: "At half past three, everything stops for tea."

Là một trong những quốc gia sản xuất và tiêu thụ trà lớn nhất thế giới, Ấn Độ nổi tiếng với những loại trà như Assam, Darjeeling và Nilgiri. Trà chai (trà sữa Ấn Độ) đặc trưng với cách pha chế đun trà cùng sữa, đường, gừng và thảo quả. Hương vị nóng âm này không chỉ kích thích vị giác mà còn là câu nối giữa con người trong những cuộc trò chuyện thường nhật.

Sri Lanka được biết đến với nhãn hiệu trà Ceylon – biểu tượng của sự tính tế và thanh khiết. Những đồi trà xanh mướt và khí hậu độc đáo đã tạo điều kiện tuyệt vời cho việc trồng trà. Ngành công nghiệp trà tại Sri Lanka bắt đầu phát triển từ thế kỷ XIX dưới ảnh hưởng của người Anh, đẩy Sri Lanka trở thành một trong những quốc gia xuất khẩu trà lớn nhất thế giới.

Trên khắp thế giới, văn hóa uống trà phản ánh sự đa dạng và độc đáo của từng quốc gia. Từ những nghi thức cầu kỳ đến sự giản dị đời thường, mỗi câu chuyện về trà đều là một lát cắt sinh động của lịch sử và tâm hồn con người. Hành trình của trà không chỉ là hành trình của một loại thức uống, mà còn là hành trình của văn hóa, của tình yêu và sự sẻ chia.