Huyện Lâm Bình có phong cảnh đẹp, con người hiền lành mến khách. Những giá trị văn hóa truyền thống đang được bảo tồn và phát huy như: giữ nguyên hiện trạng cảnh quan, kiến trúc nhà truyền thống, cũng như chỉnh trang nhà cửa… Đây chính là điểm mạnh của huyện vùng cao Lâm Bình níu chân du khách.
Là một huyện miền núi của tỉnh Tuyên Quang, lại chịu ảnh hưởng từ dịch bệnh Covid-19 làm cho ngành du lịch gặp nhiều khó khăn, nhiều thời điểm "tê liệt” hoàn toàn. Trước những khó khăn đó, Lâm Bình đã có nhiều giải pháp kích cầu du lịch phát triển rất cụ thể, bài bản, chiến lược.
Kể từ sau khi du lịch được mở cửa hoạt động trở lại, không gian trưng bày, bày bán sản phẩm thổ cẩm, sản phẩm đặc sản địa phương của các bạn học sinh nhóm khởi nghiệp Dự án thành lập Hợp tác xã Thổ cẩm Lâm Bình mở, với sự giúp đỡ của Ban Giám đốc Trung tâm GDNN - GDTX huyện hỗ trợ, đã thường xuyên đòn nhiều đoàn khách du lịch trong nước và quốc tế đến tham quan, tìm hiểu. Mới đây, tại Cuộc thi Thiết kế sản phẩm lưu niệm, quà tặng du lịch tỉnh Tuyên Quang năm 2022, sản phẩm thổ cẩm của Hợp tác xã Thổ cẩm Lâm Bình đã đạt giải Nhì. Đây chính là những thành quả quan trọng của cô và trò Trung tâm GDNN - GDTX huyện đóng góp thúc đẩy kinh tế du lịch phát triển.
Hiện nay, trên địa bàn huyện Lâm Bình có hơn 40 cơ sở Homestay làm dịch vụ du lịch. Với mục tiêu phấn đấu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của huyện, ngay sau Đại hội lần thứ II của Đảng bộ huyện, nhất là từ khi du lịch được mở cửa hoạt động trở lại sau một thời gian gian dài do ảnh hưởng vởi dịch Covid-19, huyện Lâm Bình đã tập trung tổ chức các hoạt động kích cầu du lịch đảm bảo hiệu quả, có hiệu ứng tốt như: Phối hợp tổ chức thành công Khai mạc Năm du lịch tỉnh Tuyên Quang 2022, Lễ hội khinh khí cầu Quốc tế lần thứ I, giải bóng đã nữ tại xã Thượng Lâm; tham gia các hoạt động trong khuôn khổ Liên hoan văn hóa các dân tộc tỉnh Tuyên Quang năm 2022 tổ chức tại huyện Na Hang; tham gia các hoạt động tại Lễ hội Thành Tuyên năm 2022.
Bên cạnh đó, huyện còn tăng cường tuyên truyền, quảng bá, củng cố, nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch theo hướng tập trung đẩy mạnh khai thác tiềm năng về sinh thái cảnh quan thiên nhiên độc đáo và bản sắc văn hóa dân tộc. Hoàn thiện các thủ tục để Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang công nhận Bản Biến, xã Phúc Sơn là điểm du lịch cộng đồng; tổ chức 02 lớp sơ cấp nghề hướng dẫn du lịch tại xã Phúc Sơn và xã Hồng Quang với 57 học viên. Thực hiện tốt công tác chỉnh trang không gian, cảnh quan các cơ sở lưu trú, các điểm du lịch, dịch vụ.
Tiếp tục kêu gọi các nhà đầu tư, doanh nghiệp lập các dự án đầu tư, khai thác các khu, điểm du lịch và các loại hình du lịch có tiềm năng, lợi thế; ban hành Quy chế quản lý tạm thời các hoạt động du lịch cộng đồng, kế hoạch sắp xếp các hoạt động du lịch cộng đồng tại thôn Nà Tông, xã Thượng Lâm. Triển khai, quán triệt, tổ chức thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển du lịch của Hội đồng nhân dân tỉnh Tuyên Quang.
Vượt qua những khó khăn thách thức, năm 2022, huyện Lâm Bình đã thu hút trên 146 nghìn lượt khách, đạt 107% kế hoạch giao, tổng doanh thu xã hội về du lịch trên 131 tỷ đồng. Những con số “biết nói” này chính là minh chứng cho sự khởi sắc của du lịch Lâm Bình.
Để du lịch để trở thành ngành kinh tế quan trọng, bền vững của huyện, bước sang năm 2023, huyện Lâm Bình tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, đồng thời, tập trung bảo tồn, phục dựng và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025. Thực hiện tốt việc tuyên truyền, quảng bá, đổi mới công tác xúc tiến và nâng cao chất lượng các dịch vụ du lịch; phát triển sản phẩm du lịch của địa phương đa dạng, độc đáo. Bằng nhiều giải pháp nhằm đa dạng hóa các loại hình du lịch, du khách sẽ có cơ hội lựa chọn cho mình những tuyến du lịch phù hợp nhất trong hành trình tới với huyện vùng cao Lâm Bình.