Hương sắc trên đỉnh Phia Trang
Theo sự hướng dẫn của người dân, chúng tôi tìm đến thôn Phia Trang, xã Sơn Phú (huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang) vào những ngày cuối tháng 6 dưới cái nắng như đổ lửa. Nằm cách Trung tâm xã Sơn Phú chừng 14km, con đường dốc dựng đứng được trải bê tông đi thẳng lên tới Hợp tác xã Sơn Trang. Ấn tượng đầu tiên của chúng tôi khi tới đây không chỉ bởi không gian trong lành, thư thái, khác hẳn với không khí oi nồng chốn đô thị mà còn bởi hương chè ngào ngạt xâm lấn mọi không gian.
Pha ấm trà nóng mời khách, anh Đặng Văn Dấu, Giám đốc Hợp tác xã Sơn Trang chia sẻ: Phia Chang chẳng có gì ngoài chè. Bởi cuộc sống của đồng bào Dao còn khó khăn lắm. Con đường bê tông vào thôn vừa mới hoàn thành năm ngoái thôi chứ trước kia, nhắc đến thôn Phia Chang thì ai cũng lắc đầu ngao ngán.
Nâng chén chè nóng hổi lên, ngay lập tức tôi bị cuốn hút bởi hương thơm nồng nàn mà chỉ hít hà thôi cũng thấy “đã”. Nhấp ngụm trà đầu tiên, cái dư vị ngòn ngọt, chát nhẹ từ đầu lưỡi lan dần xuống cổ… khiến mọi giác quan của tôi dường như bị đánh thức.
Anh Dấu cho biết, HTX Sơn Trang có khoảng hơn 40 ha chè Shan tuyết với 3 máy sao chè công suất 2- 3 tạ/máy nên toàn bộ chè của bà con thu hái đều được thu mua, sao sấy luôn. Với giá thu mua từ 20 - 50 nghìn đồng/kg chè búp tươi (tùy loại) thời điểm giá cao có thể lên đến 60 nghìn đồng/kg.
Chè Shan tuyết ở Phia Chang lâu nay đã được HTX Sơn Trà thu mua, bao tiêu toàn bộ sản phẩm cùng với chè Shan tuyết ở Hồng Thái. Từ đầu năm đến nay, HTX Sơn Trang đã xuất được khoảng 6 – 7 tạ cho HTX Sơn Trà. Tuy nhiên, từ tháng 4/2021 đến nay, dịch bệnh Covid-19 bùng phát nên việc tiêu thụ chè của hợp tác xã gặp nhiều khó khăn.
Anh phân tích, chè Shan tuyết có 3 loại. Loại 1 là ngon nhất vì hái đúng tiêu chuẩn 1 tôm 1 lá. Loại chè khô thượng đẳng này có giá từ 800 - 1 triệu đồng/kg. Còn chè loại 2 thì giá mềm hơn, từ 500 - 600 trăm nghìn đồng/kg và bình dân hơn cả là loại 200 - 300 nghìn đồng/kg. Nhưng để có chè cao cấp loại 1 thì không thể cứ muốn là được. Bởi nó còn phụ thuộc vào điều kiện thu hái. Ví như, đúng kỳ thu hoạch, chỉ cần gặp 2 - 3 ngày mưa là chè đã già, không đủ tiêu chuẩn 1 tôm 1 lá, chỉ còn chè loại 2, loại 3. Thậm chí nếu mưa kéo dài cả tuần, chè quá lứa phải đốn bỏ và thiệt hại là người nông dân.
Theo anh Dấu, chè ngon nhất là hái vào buổi sáng sớm, khi trên những búp chè còn đọng những hạt sương mai. Chè hái về rồi vẫn phải chọn kỹ lại những búp chè không bị sâu, sau đó mới sơ chế. Sản phẩm chè đạt chuẩn là những búp chè săn lại bằng hạt đỗ, phủ phấn tuyết trắng, cuộn hương tinh khiết thanh cao của mây núi gió ngàn. Bí quyết sao sấy chè của người Dao ở đây vì thế mà chẳng dễ gì học được.
Từ khi HTX Sơn Trang được thành lập đến nay, bà con nơi đây có thêm thu nhập từ việc hái chè. Thế nhưng vùng nguyên liệu ở đây chưa đáp ứng được hết, cứ đến thời điểm tháng 10, 11 là hết chè. Do vậy, anh Đặng Văn Dấu, vận động bà con trồng chè ở gần nhà, vừa để mở rộng diện tích, vừa để tiện chăm sóc, thu hoạch. Nhận thấy thu nhập từ cây chè nên bà con nơi đây cũng trồng thêm và mở rộng diện tích.
Cứ vậy, từng nút thắt dần được gỡ, đến nay anh Dấu và các thành viên của HTX Sơn Trang cùng với những người trồng chè đang xây dựng thương hiệu chè Shan tuyết Na Hang ngày một phát triển.
Rời Phia Chang, chúng tôi tiếp tục tìm đến Hợp tác xã Sơn Trà khi còn vương vấn mãi vị ngọt chén trà và câu chuyện khởi nghiệp từ cây chè của Giám đốc HTX Sơn Trang Đặng Văn Dấu.
Nâng tầm giá trị chè Shan tuyết Na Hang
Tiếp tục hành trình với con đường đèo dốc, cả xe và người như… mệt lả, phải đến tận xế chiều chúng tôi mới đến được Hợp tác xã Sơn Trà ở thôn Hồng Ba, xã Hồng Thái (huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang). Vừa đến nơi, chúng tôi đã được mọi người trong HTX Sơn Trà khoe ngay về hương vị của loại chè này. Chè Shan tuyết mới sao pha với nước suối rất ngon, vị đượm, thơm tựa như hương vị đất trời vùng cao vậy.
Được biết, giá trị của cây chè Hồng Thái bắt đầu được phục dựng từ lúc Hợp tác xã Sơn Trà tìm được đầu ra cho sản phẩm. Khoảng năm 2013, ông Đặng Ngọc Phố, Chủ nhiệm Hợp tác xã Sơn Trà về bản, sau khi đọc được thông tin một người Mông ở xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn, Yên Bái làm chè Shan tuyết bán hàng triệu đồng mỗi cân. Điều đó khiến ông giật mình, bởi ở Hồng Thái chè Shan tuyết mọc như rừng.
Sau 5 năm tìm hướng phát triển, từ khi đầu tư nhiều máy móc hiện đại và thực sự nắm rõ bí quyết sản xuất chè Shan tuyết, chất lượng chè của Hợp tác xã Sơn Trà mới bứt lên. Về đầu vào, ông Phố tuyển chọn những cây cổ thụ ở độ cao trung bình hơn 1.000 m so với mực nước biển, để khi uống không bị đắng, thay vào đó là vị mát ngọt, có hậu. Về chế biến, chè được hái hoàn toàn thủ công, đúng kỹ thuật "một tôm một lá".
Để đảm bảo sản phẩm chinh phục được nhiều người tiêu dùng, ông Đặng Ngọc Phố, Chủ nhiệm Hợp tác xã đã không ngại tìm đến các cơ sở chè lâu năm tại Thái Nguyên, Phú Thọ để học hỏi những kinh nghiệm kỹ thuật, cách trồng, chăm sóc cây chè, thu hoạch chè sao cho đúng để cây chè luôn đạt sản lượng cao nhất.
Đến nay, HTX Sơn Trà có khoảng 64 ha chè Shan tuyết, nhưng chè của HTX Sơn Trà nhiều lúc thu mua không đủ bán, bởi chè nơi đây được sản xuất quảng canh. Ưu điểm, là cây không có bất cứ phân bón hóa học nào.
Điều khiến ông Đặng Ngọc Phố vui mừng nhất là HTX Sơn Trà do ông đứng đầu trong suốt quá trình hoạt động, ngoài việc phủ xanh đất trống đồi trọc, bảo tồn cây chè Shan Tuyết quê hương còn đem lại nguồn thu nhập ổn định cho bà con dân tộc miền núi nơi đây. Bởi ngày nào ông Phố còn làm chè, bà con nhân dân nơi đây còn công ăn việc làm, có thu nhập trang trải cuộc sống.
Tùy từng loại lá chè, khi người dân hái và đem bán lại, ông Phố sẽ mua với các mức giá khác nhau theo quy định. Thông thường, nếu làm cả ngày, người dân có thể kiếm được tới 300.000 đồng. Có người còn kiếm được tới 600.000 đồng/ngày.
HTX Sơn Trà có khoảng 21,4 ha rừng trồng chè. Chính quyền địa phương hướng tới nông nghiệp sạch, nên người dân ở đây không dùng thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ hay chất hóa học. Lá chè hái trực tiếp tại cây có thể ăn được luôn mà không sợ ảnh hưởng tới sức khỏe.
Nhờ Hợp tác xã Sơn Trà góp phần xóa đói giảm nghèo cho bà con nông dân, xã Hồng Thái về đích nông thôn mới vào cuối tháng 7/2020. Một tháng sau đó, sản phẩm chè Shan tuyết Hồng Thái được Hiệp hội Nông nghiệp Hữu cơ Việt Nam cấp Giấy chứng nhận đạt chuẩn sản xuất nông nghiệp hữu cơ.
Đặc biệt là chè Shan tuyết đã được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chọn làm quà biếu Thủ tướng Malaysia trong chuyến thăm chính thức Việt Nam tháng 8-2019. Đến nay, sản phẩm chè Shan tuyết Na Hang hiện đã được cấp chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu hàng hóa, tem truy xuất nguồn gốc, xuất xứ, được thị trường trong và ngoài tỉnh ưa chuộng. Loại cây trồng này đã và đang khẳng định được thương hiệu trên thị trường, trở thành một trong những cây trồng xóa đói, giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân nơi đây.
Chia sẻ với báo chí, ông Vi Ngọc Quý, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang cho biết: Trên địa bàn huyện Na Hang hiện có 1.146 ha diện tích chè Shan tuyết, tập trung ở các xã Sinh Long, Hồng Thái, Khau Tinh, Thượng Nông, Thượng Giáp, Sơn Phú. Toàn bộ diện tích chè Shan được trồng theo Chương trình 327 và Dự án 661 của huyện đều đã cho thu hoạch. Do đó, ngoài việc khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư trồng chè đặc sản, huyện tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân đầu tư xưởng chế biến, thu mua chè búp tươi cho người dân. Huyện đã triển khai, sử dụng các nguồn vốn từ các chương trình, dự án để phát triển, khuyến khích nâng cao hiệu quả từ sản xuất, chế biến và nâng cao chất lượng sản phẩm chè.
Toàn huyện hiện có công ty TNHH Việt Dũng, Công ty cổ phần Chè núi Kia Tăng, 3 Hợp tác xã, 2 tổ hợp tác và 15 hộ dân đầu tư vào chế biến, sản xuất chè. Vùng nguyên liệu chè phục vụ cho các cơ sở chế biến đạt trên 300 ha. Các công ty, HTX, tổ hợp tác vẫn đang hoạt động có hiệu quả, giá nguyên liệu chè búp tươi bình quân trên địa bàn huyện là 20 - 30 nghìn đồng/kg, góp phần tăng thu nhập cho nhiều hộ gia đình trồng chè. Hiện nay chính sách phát triển cây chè đặc sản trên địa bàn huyện đã được quan tâm nhiều hơn, khuyến khích nhân dân tham gia trồng, chế biến sản phẩm chè theo đúng quy trình kỹ thuật, nâng cao hiệu quả, thu nhập cho hộ gia đình.
* Bài viết tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.
Tạ Thành