Kỷ niệm 75 năm ngày thành lập Hội Nhà báo Việt Nam (21/4/1950 – 21/4/2025): Ngôi nhà để chúng ta trở về

Nhắc đến nghề báo, không thể quên được những cuộc đàm đạo về nghề. Dù đời sống truyền thông luôn vận động, thay đổi không ngừng, trong đó có công nghệ làm báo, tác nghiệp báo chí và phương thức thụ hưởng thông tin thì bạn đọc vẫn bảo nhà báo là người cầm bút, đã từng “ dùng ngòi bút làm đòn xoay chế độ”, là chiến sĩ xung kích trên mặt trận tư tưởng văn hóa, bút là cây súng…mãi là niềm tự hào, nguồn động viên cho chúng ta.

Người làm báo luôn tự răn mình phải biết trân trọng, kiên trì theo đuổi cái “nghiệp” của mình, dù mình chọn nghề hay nghề chọn mình. Được tiếp xúc, làm việc với những nhà báo lão thành, trải qua những thăng trầm của dân tộc trong hàng thế kỷ, mới cảm nhận được đủ đầy sự vĩ đại của nghề báo.

Hội Nhà báo luôn là nơi tập hợp, gieo mầm, ươm trồng, vun xới những tài năng trong lĩnh vực báo chí cho tương lai. Vốn quen gọi Hội Nhà báo các cấp là “ngôi nhà chung” của những người cầm bút, trọn đời làm thợ chữ. Là bởi, được ngồi với nhau, cùng làm nghề, đồng nghiệp mãi là niềm hạnh phúc của cánh báo chí. Đủ chuyện đông, tây, kim, cổ những rồi lại quay về chủ đề bài vở, thông tin báo chí. Nghề báo không chỉ đóng khung trong hai chữ “báo chí”. Đã từng không ít nhà văn, nhà thơ, nhà toán học, nhạc sĩ, họa sĩ…tham gia làm báo và không ít trong số họ trở thành nhà báo chuyên nghiệp. Chính sự hiểu biết sâu rộng đa lĩnh vực, tri thức uyên thâm mà họ trở thành nhà báo có uy tín, tên tuổi trong làng báo. Không thể kể hết những thành tựu mà Hội Nhà báo Việt Nam từ trung ương đến địa phương đã đạt được trong hơn bảy thập kỷ qua.

Kỷ niệm 75 năm ngày thành lập Hội Nhà báo Việt Nam (21/4/1950 – 21/4/2025): Ngôi nhà để chúng ta trở về  - Ảnh 1

Lịch sử Hội Nhà báo đã ghi chép và lưu giữ trọn vẹn. Cánh nhà báo có thể tụ hội ở ngôi nhà của mình bất cứ khi nào. Nào là, chia sẻ niềm vui thành tựu, giãi bày khó khăn, vướng mắc hay được nghe lời khuyên, lời tư vấn từ đồng nghiệp. Trân quý biết bao. Các hoạt động bề nổi và chiều sâu của Hội Nhà báo đã thúc đẩy mạnh mẽ báo chí phát triển. Bảo vệ quyền lợi chính đáng và hợp pháp của người làm báo, hoạt động tác nghiệp của báo chí luôn là mục tiêu cao cả mà Hội Nhà báo hướng đến. Hội đã làm được nhiều và luôn kiên định. Mới đây, Hội cũng tham gia kiến nghị Quốc hội thông qua việc thực hiện 10% thuế suất cho toàn bộ cơ quan báo chí, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh với các nền tảng xuyên biên giới, góp phần bảo vệ báo chí chính thống.

Khoảng gần một thập niên qua, nhất là từ khi xảy ra đại dịch covid-19, kinh tế đất nước gặp nhiều khó khăn, không ít doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động, giải thể, thu hẹp phạm vi hoạt động. Theo đó, báo chí cũng gặp khó. Những lúc này, sự sẻ chia của Hội càng ý nghĩa. Mỗi thành viên của HNB đều là người bạn tâm giao của cánh nhà báo, phóng viên. Hướng về ngày kỷ niệm 100 năm Báo chí cách mạng Việt Nam, Hội triển khai tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, như Hội Báo toàn quốc với nội dung phong phú, diễn đàn báo chí chuyên sâu về nghề báo; tổ chức chuyến đi về nguồn ( Thái Nguyên) thăm trường dạy báo chí đầu tiên Huỳnh Thúc Kháng; đoàn cán bộ báo chí đi thăm Trường Sa; Đoàn báo chí thăm Quảng Châu nơi ra đời tờ báo đầu tiên. Đó là sự cố gắng không nhỏ, đáng trân trọng của Hội.

Báo chí đang tích cực triển khai chuyển đổi số mạnh mẽ trong hoạt động của mình. Tinh gọn bộ máy, thu hẹp đầu mối các cơ quan báo chí cũng được xem là cuộc cách mạng, còn hơn cả quy hoạch báo chí. Cùng với thuận lợi, thời cơ kèm theo là thách thức lớn, nhỏ. Chuyển đổi trạng thái trong thời gian cực ngắn ít nhiều cũng nảy sinh lúng túng, xao động tâm tư người làm báo. Cần có thời gian để báo chí từng bước ổn định, dần thích ứng với chuyện tách nhập, chuyển đổi cơ quan chủ quản, tư duy quản trị tòa soạn, quản lý mô hình báo chí đa phương tiện, thay đổi lãnh đạo mới, thay đổi tên tờ báo, tạp chí, tôn chỉ mục đích ấn phẩm…trong thời đại số, cạnh tranh khốc liệt với các nền tảng MXH, tự chủ tài chính trong cơ chế thị trường.

Báo chí trực tuyến đang trở thành phương thức chủ đạo, báo in ngày càng giảm sút, nhiều tòa soạn đã cắt giảm hoặc gần như ngừng xuất bản báo giấy để tập trung phát triển báo điện tử. Trong thời đại số, nhiều cơ quan báo chí điện tử cũng gặp khó khăn để duy trì hoạt động do ảnh hưởng nguồn thu từ quảng cáo sụt giảm mà vẫn phải chịu thuế suất cao hơn báo in. Nhà nước đã có chính sách chuyển đổi số báo chí nhưng chính sách thuế chưa theo kịp thực tế, là rào cản tài chính cho các cơ quan báo chí điện tử. Hiện các nền tảng của Google, facebook chiếm phần lớn doanh thu quảng cáo nhưng chịu thuế gián tiếp tại Việt Nam, mà báo chí trong nước vừa phải chịu thuế cao vừa phải cạnh tranh khốc liệt với các nền tảng này.

Kỷ niệm 75 năm ngày thành lập Hội Nhà báo Việt Nam (21/4/1950 – 21/4/2025): Ngôi nhà để chúng ta trở về  - Ảnh 2

Còn nhớ một thời, không ít tờ báo, tạp chí có số lượng bạn đọc không nhỏ bởi các bài viết hay, thông tin bổ ích, hấp dẫn của tác giả chắc tay nghề - những cây đa, cây đề trong làng báo. Các nhà báo vẫn hy vọng Hội Nhà báo sẽ tiếp tục tạo thêm nhiều diễn đàn trao đổi những bài học thực tế sống động cho họ. Như giới thiệu những tác phẩm báo chí có sức lan tỏa, ảnh hưởng xã hội từ trước đến nay; kịp thời chỉ ra những hạn chế trong hoạt động tác nghiệp, trong cách thức đưa thông tin từ báo chí; bài học cụ thể về đạo đức nghề nghiệp; hun đúc tinh thần học tập suốt đời để có kiến thức sâu rộng phục vụ sự nghiệp báo chí nước nhà.

Các ấn phẩm báo chí của Hội xây dựng thêm chuyên mục mới như lựa chọn và giới thiệu những chân dung các nhà báo tiêu biểu, những tư liệu lịch sử báo chí; bài học kinh nghiệm làm nghề; kể những chuyện trong làng báo hôm qua đan xen với chuyện báo chí hôm nay. Mọi người rất ưng cái tên: báo Nhà báo và Công luận, tạp chí Người Làm báo. Tự nó đã nói lên tôn chỉ, mục tiêu mà nội dung tờ báo, tạp chí hướng đến. Xã hội hiểu sâu hơn, toàn diện hơn về nhà báo, nghề báo cũng là nhờ ấn phẩm này. Mong muốn là vậy nhưng để thực hiện không dễ?

Phải giữ gìn và không ngừng nâng cao vị thế của Hội. Với tư cách là cơ quan hướng dẫn, định hướng nghề báo, người làm báo là vũ khí tư tưởng- văn hóa của Đảng. Làm thế nào để người làm báo luôn mài dũa bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp và năng lực chuyên môn. Tâm, tài, đức được cụ thể hóa trong Luật Báo chí, quy định đạo đức hành nghề. Trách nhiệm một phần không nhỏ thuộc về Hội. Vị thế Hội Nhà báo nằm ở chỗ huy động được trí tuệ, tiếng nói của báo chí trong xã hội như thế nào? Sức mạnh báo chí có phần đóng góp không nhỏ, không thể thiếu của Hội. Nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của hội nhà báo các cấp luôn là đòi hỏi không ngừng để báo chí tăng thêm sức mạnh.

Đáp ứng yêu cầu thời cuộc, Hội Nhà báo cũng không ngừng đổi mới tư duy quản trị hoạt động nghề nghiệp của Hội; giám sát, dõi theo và luôn đồng hành với người làm báo. Chuyển đổi số, tinh gọn bộ máy các cấp hội để thích ứng với tự chủ tài chính. Hội Nhà báo Việt Nam đồng hành cùng những người làm báo bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

VĂN HÙNG