Nhắc đến thương binh, liệt sĩ là nghĩ và nói về chiến tranh, hậu quả vô cùng dai dẳng của nó. Dân tộc Việt Nam đã trải qua 2 cuộc kháng chiến và chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở thế kỷ 20. Để đất nước có hòa bình, độc lập, tự do phải đổi bằng máu xương của hơn 1.146.250 liệt sĩ.
Kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, chúng ta phải tiếp tục cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc và bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Trong các cuộc chiến đấu ấy lại có 105.627 liệt sĩ. Con số liệt sĩ không dừng ở đó cho dù đất nước đã hòa bình. Chiến tranh đã lùi xa nhưng hệ lụy của nó còn mãi. Hàng triệu thương, bệnh binh đang sống, được nhà nước chăm sóc, điều trị ở các trung tâm hoặc gia đình vẫn còn không ít khó khăn.
Hơn 200.000 hài cốt liệt sĩ chưa tìm thấy, chưa được quy tập ở trong nước, các nước bạn: Lào, Campuchia và biển đông; hơn 300.000 hài cốt liệt sĩ quy tập ở nghĩa trang nhưng chưa xác định được danh tính, đơn vị, quê quán. Hơn 4 triệu dân thường đã chết và bị thương tật suốt đời; 9 triệu người có công trên cả nước, 127.000 bà mẹ VNAH. 4,8 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm, hơn 3 triệu người bị di chứng, khổ đau kéo dài nhiều thế hệ, nay đã có nạn nhân thuộc thế hệ thứ 4.
Riêng tỉnh Sóc Trăng, hiện có hơn 50.000 người có công; 2.325 bà mẹ VNAH, 49 AHLLVTND, hơn 15.000 liệt sĩ, hơn 6.000 thương binh, 88 bệnh binh, 8.750 người có công giúp đỡ cách mạng; 2.287 người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học; 12.000 trường hợp thuộc diện hưởng chế độ trợ cấp thường xuyên. Nhắc lại con số cụ thể của một địa phương cấp tỉnh để thấy gánh nặng chiến tranh, chính sách hậu phương quân đội, công an, thương, bệnh binh, gia đình liệt sĩ… vô cùng lớn, nặng nề, nếu không quyết tâm và thực lòng đâu dễ hoàn thành.
Trả ơn bằng động viên tinh thần, chia sẻ gánh nặng với thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công với đất nước. Đảng, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản pháp luật, triển khai thực tế nhiều hoạt động cụ thể. Tuy nhiên, việc làm ấy chỉ đáp ứng phần nào khó khăn của các đối tượng trên.
Thực tế, chúng ta cũng chưa có phương án tối ưu nào giúp thương, bệnh binh, người có công với cách mạng như: nhà ở, việc làm phù hợp với sức khỏe, thương tật có thu nhập ổn định… Nhiệm vụ này cần lượng kinh phí không nhỏ, nhà nước còn khó khăn nên hoạt động cũng phải theo hướng kết hợp “xã hội hóa”.
Thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công cần được xã hội ghi nhớ, tôn vinh, biết ơn và ứng xử văn hóa. Bên cạnh động viên tinh thần là sự chia sẻ thiết thực, cụ thể để “có thực mới vực được đạo”.
Các địa phương, từng địa bàn dân cư nơi có những cá nhân, gia đình trong diện chính sách ấy phải được chính quyền quan tâm “đặc biệt”. Người có của ăn, của để hưởng phúc lộc hòa bình hãy nhắc mình tri ân họ bằng góp công, góp của để hỗ trợ thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công.
Đã xuất hiện không ít tấm gương, tấm lòng “thương người như thể thương thân; lá lành đùm lá rách, ăn quả nhớ người trồng cây” nhưng vì chưa phải chủ yếu là giúp “cần câu” nên khó hóa giải được những khó khăn căn cốt của nhiều thương binh, gia đình liệt sĩ.
Chúng ta không nên chỉ chú tâm vào việc xây dựng tượng đài, bia tưởng niệm ghi công… Việc làm này rất tốn kém, không thiết thực, hình thức, thậm chí đã từng gây thất thoát, lãng phí, phản cảm. Trong khi kinh phí có hạn, Nhà nước hãy dành nguồn lực ấy thứ tự ưu tiên giải quyết dứt điểm cho các đối tượng chính sách ở từng địa phương, địa bàn. Hàng năm công tác kiểm tra, giám sát thông kê người khó khăn, hộ khó khăn được công khai để địa phương và trung ương cùng chung tay khắc phục. Tỉnh thành nào khó khăn nhiều thì cả nước chung tay giúp nhiều. Chỉ có như vậy thì sự tri ân mới mang lại hiệu quả thực tế, thiết yếu.
Nhờ có truyền thông và mạng xã hội, có đối tượng thuộc diện được nhà nước đãi ngộ giúp đỡ còn gặp khó khăn, bởi nhiều lí do bị lãng quên, bỏ sót đã kịp thời khắc phục khiếm khuyết. Uy tín của Đảng, nhà nước được bồi đắp, khẳng định và hơn thế, công tác tri ân, chăm sóc đối tượng trên càng chu đáo sẽ là bài giáo dục giàu sức thuyết phục về chân lý “ Không có gì quý hơn độc lập, tự do”.
Xây dựng và vun trồng lý tưởng cách mạng cho thế hệ sau là việc làm căn cốt thông qua tuyên truyền và nhất là hành động tri ân cụ thể để ai cũng tận thấy hiệu quả. Thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công cảm thấy ấm lòng, không bao giờ cảm thấy cô đơn, khó khăn sau những gì họ tận hiến cho đất nước, dân tộc sẽ trở thành động lực tinh thần và vật chất to lớn cho công cuộc đổi mới và bảo vệ Tổ quốc hôm nay.
Chứng kiến một thế giới còn xung đột vũ trang, tiến hành chiến tranh xâm lược theo đó là những hy sinh, mất mát, thương tích của nhiều cá nhân, gia đình, dân tộc, đất nước chúng ta lại khát khao hòa bình hơn bao giờ. Là dân tộc đã trải qua hàng nhiều năm chiến tranh, chúng ta luôn thấu hiểu nỗi đau và hệ lụy của nó. Yêu chuộng hòa bình nên chúng ta đang gắng sức cùng nhân dân và các dân tộc trên thế giới góp sức lực và trí tuệ để ngăn ngừa chiến tranh, loại trừ chiến tranh ra khỏi đời sống con người.