Kỷ niệm 73 năm ngày Thương binh liệt sỹ ( 27/7/1947 - 27/7/2020): Về nơi phát tích ngày Thương binh liệt sỹ 27/7

Ít người biết rằng, nơi phát tích của ngày 27-7 chính tại cây đa xóm Bàn Cờ, xã Hùng Sơn (Đại Từ - Thái Nguyên). Từ ngày đó đến nay, đã 73 năm trôi qua nhưng nơi đây vẫn in đậm những kỷ niệm thiêng liêng của tình đồng chí, đồng đội.

Nằm trong quần thể ATK, huyện Đại Từ (Thái Nguyên) vinh dự được Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng và Chính phủ chọn làm An toàn khu tuyệt mật trong kháng chiến chống thực dân Pháp, cách đây 73 năm - ngày 27/7/1947, tại xóm Bàn Cờ, xã Hùng Sơn, hơn 300 cán bộ và nhân dân đã tổ chức mít tinh, nghe công bố Bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh ghi nhận sự ra đời Ngày Thương binh liệt sỹ ở nước ta.

Khu Di tích lịch sử quốc gia 27/7, xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ - nơi công bố Ngày Thương binh, liệt sĩ toàn quốc 27/7/1947.
Khu Di tích lịch sử quốc gia 27/7, xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ - nơi công bố Ngày Thương binh, liệt sĩ toàn quốc 27/7/1947.

Sau thành công của Cách mạng tháng Tám năm 1945, nền độc lập còn non trẻ, chính quyền còn yếu ớt do hậu quả của chiến tranh và chính sách hà khắc của thực dân phong kiến để lại. Đúng như dự đoán của Hồ Chủ tịch, đầu năm 1946, thực dân Pháp lại trở lại xâm lược đất nước ta. Hưởng ứng Lời kêu gọi của Người, nhân dân cả nước nhất tề đứng dậy kháng chiến với tinh thần “thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ”.

Kháng chiến bùng nổ ngày càng ác liệt, quân và dân ta đã anh dũng chiến đấu, tiêu diệt quân thù, nhiều đồng bào, chiến sĩ đã ngã xuống không tiếc máu xương. Số người bị thương và hy sinh trong chiến đấu ngày càng tăng lên; thương binh, liệt sỹ trở thành vấn đề đặc biệt quan tâm.

Trước tình hình đó, cùng với việc kêu gọi giúp đỡ thương binh, gia đình liệt sỹ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 20/SL ngày 16/2/1947 chính thức đặt chế độ “lương hưu thương tật” và “tiền tuất cho thân nhân tử sĩ”. Để chỉ đạo công tác này trong cả nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ thị chọn một ngày trong năm làm “Ngày Thương binh” để nhân dân ta có dịp tỏ lòng biết ơn, yêu mến thương binh.

Thực hiện Chỉ thị của Người, một hội nghị trù bị gồm đại biểu các cơ quan Trung ương và một số địa phương đã họp tại xóm Bàn Cờ, xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên nhất trí chọn ngày 27/7 hàng năm là Ngày Thương binh toàn quốc. 18 giờ, ngày 27/7/1947, một cuộc mít tinh với khoảng 300 người gồm đại diện Tổng bộ Việt Minh, Hội Phụ nữ cứu quốc, Đoàn thanh niên, Nha thông tin, Cục Chính trị Quân đội quốc gia Việt Nam và chính quyền địa phương đã dự cuộc mít tinh này. Tại cuộc mít tinh, các đại biểu đã nghe ông Lê Tất Đắc đại diện Cục Chính trị Quân đội quốc gia Việt Nam công bố Bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Ban Thường trực tổ chức Ngày Thương binh, liệt sỹ toàn quốc.

Trải qua 73 năm “Ngày Thương binh liệt sỹ” được tổ chức trong hoàn cảnh khác nhau nhưng ngày 27/7 hàng năm có ý nghĩa hết sức quan trọng, là dịp để toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta tri ân những công lao và đóng góp to lớn của các liệt sỹ, thương binh, gia đình có công với cách mạng, với Tổ quốc. Việc Chủ tịch Hồ Chí Minh chọn địa điểm xóm Bàn Cờ, xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ là nơi để tuyên bố sự ra đời Ngày Thương binh, liệt sỹ bởi cùng với Định Hóa, Võ Nhai, Phú Bình, Phú Lương, Đại Từ nằm trong vùng ATK giàu truyền thống cách mạng, nhân dân vùng ATK một lòng theo Đảng, Bác Hồ làm cách mạng kháng chiến, truyền thống đùm bọc chở che, ủng hộ thương binh được các dân tộc giác ngộ và thực hiện có hiệu quả từ sớm.

Kỷ niệm 73 năm ngày Thương binh liệt sỹ ( 27/7/1947 - 27/7/2020): Về nơi phát tích ngày Thương binh liệt sỹ 27/7 - Ảnh 1
Kỷ niệm 73 năm ngày Thương binh liệt sỹ ( 27/7/1947 - 27/7/2020): Về nơi phát tích ngày Thương binh liệt sỹ 27/7 - Ảnh 2
Trung tướng Phạm Xuân Thệ và Thiếu tướng Lê Mã Lương tại buổi lễ rước bát hương thờ vong linh các anh hùng liệt sĩ tại nghĩa trang Vị Xuyên cùng bát hương anh hùng liệt sĩ tại quần đảo Trường Sa và khu vực đảo Gạc Ma về hội tụ với bát hương anh hùng liệt sĩ toàn quốc ngày 27/7/2017.
Trung tướng Phạm Xuân Thệ và Thiếu tướng Lê Mã Lương tại buổi lễ rước bát hương thờ vong linh các anh hùng liệt sĩ tại nghĩa trang Vị Xuyên cùng bát hương anh hùng liệt sĩ tại quần đảo Trường Sa và khu vực đảo Gạc Ma về hội tụ với bát hương anh hùng liệt sĩ toàn quốc ngày 27/7/2017.

Nhân dịp kỉ niệm 50 năm Ngày Thương binh liệt sĩ, ngày 27/7/1997, tại xóm Bàn Cờ, xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, nơi chứng kiến sự ra đời của Ngày Thương binh toàn quốc, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cùng UBND tỉnh Thái Nguyên đã khánh thành Khu di tích 27/7 và dựng bia kỉ niệm với nội dung được khắc trên bia: "Nơi đây, ngày 27/7/1947, 300 cán bộ, bộ đội và nhân dân địa phương họp mặt nghe công bố bức thư của Bác Hồ, ghi nhận sự ra đời của Ngày thương binh, liệt sĩ". Đặc biệt, năm 2017 - năm kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh liệt sỹ có rất nhiều hoạt động của Trung ương và của tỉnh được tổ chức trên mảnh đất lịch sử Hùng Sơn.

Khu Di tích lịch sử quốc gia 27/7 là công trình văn hoá lịch sử có ý nghĩa to lớn, đáp ứng nhu cầu du khách trong và ngoài tỉnh đến thăm quan và tưởng nhớ công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các anh hùng liệt sỹ, thưởng ngoạn cảnh quan một vùng đất địa linh, sơn thuỷ hữu tình. Đây cũng là điểm nối với tuyến thăm quan Khu du lịch Hồ Núi Cốc và đi thăm các khu di tích trong huyện Đại Từ nối với các điểm di tích lịch sử cách mạng ATK Định Hoá và Tân Trào - Tuyên Quang.

Sơn Thủy - Nguyễn Hà