Kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11): Gìn giữ dành hiệu người giáo viên nhân dân 

Kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam là dịp để các thế hệ thầy, cô gặp gỡ, chia sẻ, ôn lại kỷ niệm làm nghề, hưởng trọn niềm vui tinh thần, tình cảm từ các thế hệ học trò của mình.

Trong thế kỷ 20, dân tộc Việt Nam đã từng trải qua giai đoạn vô cùng cam go, cùng một lúc đương đầu với ba thứ giặc: giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm. Dưới sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, dân tộc ta đã vượt qua muôn vàn khó khăn để từng bước đẩy lui, tiến tới đánh đổ hoàn toàn các loại giặc ấy. Lịch sử dân tộc còn ghi đậm những chiến công này. Nói về chống giặc dốt là nói về sự nghiệp “ trồng người”, về các thầy cô giáo, từ nhà giáo chuyên nghiệp đến người dạy học nghiệp dư, thiện nguyện bằng tâm huyết từ trái tim, tấm lòng nhân ái. Từ lâu, ước mong của Bác Hồ là làm sao cho dân ta, ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành đã là hiện thực.  

Không tự nhiên mà cụm từ Nhân dân luôn gắn với các danh từ khác để khẳng định đối tượng phụng sự, giá trị vĩnh viễn của tập thể, cá nhân hay tổ chức. Có lẽ, đây cũng là đặc trưng riêng có của Việt Nam: công an nhân dân, quân đội nhân dân, báo nhân dân, báo quân đội nhân dân, chiến tranh nhân dân, hiệu sách nhân dân, giáo viên nhân dân…là những cụm từ thân quen. Mỗi tên gọi ấy đều có nguồn gốc lịch sử cụ thể, hấp dẫn. Trải qua thăng trầm, vinh quang và khó nhọc, có hay, còn yếu kém, khuyết điểm song ở nước ta, sự nghiệp giáo dục, nghề giáo luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm đặc biệt. Thầy, cô luôn được xã hội trân trọng, tôn vinh trong bất cứ giai đoạn lịch sử. 

Kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11): Gìn giữ dành hiệu người giáo viên nhân dân  - Ảnh 1

Mỗi ngày, xã hội tiếp nhận những thông tin về nghề giáo, ngành giáo dục. Thông tin tích cực, chủ đạo, chi phối là những nội dung phản ánh gương người tốt, việc tốt của các thầy, cô, những hành động đẹp của tình thầy, cô trò thông qua câu chuyện cụ thể diễn ra trong cuộc sống đời thường để mọi người noi theo. Những yếu kém, bất cập, hạn chế của ngành, của một bộ phận thầy, cô ở mức độ khác nhau cũng được thẳng thắn phản ảnh. Cuộc đời mỗi người, nếu không được tạo điều kiện học hành đến nơi đến chốn, nhận được sự dõi theo, quản lý dạy dỗ, giúp đỡ của thày, cô, gia đình và xã hội thì họ không nên người, không thể đạt được thành tựu trong cuộc sống, sự nghiệp. Cha ông ta luôn nhắc nhở mọi người phải biết ơn thầy cô. Cảm ơn nhà thơ, nhà văn, nhạc sĩ đã làm nên nhiều tác phẩm ngợi ca cô, thầy. Những tác phẩm ấy có sức lan tỏa mạnh mẽ. Cảm ơn nhạc sĩ Hoàng Vân đã để lại cho đời, cho ngành giáo dục “Bài ca người giáo viên nhân dân” với những ca từ tuyệt mỹ:…” Có những loài hoa thơm đậm đà sắc hương. Có những bài ca nghe rạo rực lòng người. Bài ca ấy, loài hoa ấy đẹp như em người giáo viên nhân dân. Tâm hồn em tươi mát xanh như bóng lá bàng. Trái tim em đỏ nhiệt tình như hoa phượng vĩ…” 

Nói về nghề giáo, thầy cô giáo là nói về sự nghiệp giáo dục, sự nghiệp trồng người. Đối tượng mà nghề hướng đến là phục vụ xã hội, giáo dục con người, nhân dân. Hình ảnh thầy cô giáo, bộ đội biên phòng, công an nhân dân…đang vượt mọi khó khăn “gùi, cõng” con chữ lên vùng cao, đến tận bản làng xa xôi gieo con chữ nơi rừng sâu núi thẳm, nơi có đồng bào dân tộc hiện thực hóa mục tiêu giáo dục. Những câu chuyện về họ khiến chúng ta xúc động, ngưỡng mộ và tự hào. Nói về nghề giáo, Bác Hồ đã căn dặn “Giáo viên phải chú ý cả tài, cả đức. Tài là văn hóa, chuyên môn, đức là chính trị. Muốn cho học sinh có đức thì giáo viên phải có đức cho nên thầy giáo, cô giáo phải gương mẫu, nhất là đối với trẻ em. Người thầy giáo tốt - thầy giáo xứng đáng là thầy giáo- là người vẻ vang nhất…những người thầy giáo tốt là những anh hùng vô danh…Nếu không có thầy giáo dạy dỗ cho con em nhân dân, thì làm sao mà xây dựng XHCN được. Vì vậy nghề thầy giáo rất là quan trọng, rất là vẻ vang”. Thủ tướng Phạm Văn Đồng cũng khẳng định: “Nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý, nghề sáng tạo nhất trong những nghề sáng tạo”

Ngành giáo dục đang phải tiếp tục đối mặt với những thách thức không nhỏ trong công tác đào tạo thầy cô, dạy người, dạy nghề. Còn đó tình trạng thừa thiếu, mất cân đối giáo viên ở một số cấp học, bởi bất cập trong chế độ đãi ngộ, lương cơ bản đối với nhà giáo công tác ở những địa bàn điều kiện kinh tế còn khó khăn; vấn đề liêm chính trong nghiên cứu và giáo dục, trong đào tạo nhà giáo có học hàm học vị, đạo đức nghề…

Câu chuyện về Luật Nhà giáo, giáo viên có thể sống được bằng thu nhập nghề, thu phí trước năm học mới, sách giáo khoa, chương trình giáo dục, nội dung giảng dạy, đạo đức thầy cô…luôn nhận được sự quan tâm của xã hội với những thông tin cập nhật hàng ngày, hàng giờ. Chuyện hay, dở, tốt, xấu đều được nhận xét, bình luận của xã hội. Đôi khi có vụ việc trong hoạt động giáo dục làm dậy sóng mạng xã hội. Các thầy cô luôn có đủ thông tin để để tự, tự sửa. Xã hội càng coi trọng, tôn vinh, đề cao cũng là áp lực cho các thầy, cô. Không ngừng rèn luyện, tự soi, tự sửa để bản thân hoàn thiện, tiến bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ giáo dục. Bất cứ ai theo đuổi nghề sư phạm suốt đời cũng phải xác định tư tưởng dám dấn thân, hy sinh lợi ích riêng trong nền kinh tế thị trường, giáo dục được coi là “hàng hóa đặc biệt”.

Kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam là dịp để các thế hệ thầy, cô gặp gỡ, chia sẻ, ôn lại kỷ niệm làm nghề, hưởng trọn niềm vui tinh thần, tình cảm từ các thế hệ học trò của mình. Những bó hoa tươi thắm, lời chúc mừng nồng nhiệt, các hoạt động ghi nhớ tôn vinh thầy cô ngày càng đa dạng hình thức, phong phú nội dung. Nhận được món quà vô cùng quý giá ấy, các thầy cô luôn coi đó là động lực để họ hoàn thành sứ mệnh cao cả của mình cho dù phải vượt qua thách thức, khó khăn. Mỗi khi nghĩ về thầy cô tôi chợt thấy văng vẳng bên tai lời ca “Khi thầy viết bảng bụi phấn rơi rơi. Có hạt bụi nào rơi trên bục giảng. Có hạt bụi nào rơi trên tóc thầy. Em yêu phút giây này…Làm sao có thể nào quên . Ngày xưa thầy, cô dạy dỗ…”. Hình ảnh ấy đẹp biết bao, nói lên sự vĩ đại của sự nghiệp trồng người, vì mục tiêu lấy con người làm trung tâm, không ai bị bỏ lại phía sau, vì nhân dân, cho nhân dân.

VĂN HÙNG 



Từ khóa:
#h