Nói đến sách là nói về tri thức, về những thông tin được con người chiêm nghiệm, suy ngẫm, chắt lọc để viết thành sách. Nói về sách là nghĩ ngay đến ngành xuất bản. Một lĩnh vực đã và đang gặp muôn vàn khó khăn bủa vây từ nhiều phía. Nhiều bài báo, bài thơ qua chọn lựa mới có thể tập hợp thành cuốn sách. Không ít cuốn sách được đánh giá có nội dung tốt, cuốn hút bạn đọc, sau khi xuất bản bán ra thị trường chưa chắc đã có lãi (thậm chí lỗ), nhất là với những ai tự bỏ tiền tìm nhà xuất bản để được duyệt in và xuất bản. Thực tế nghiệt ngã ấy cho thấy nghề làm sách cũng có cái khó, đôi khi khó hơn nhiều làm báo.
Dẫu biết mọi sự so sánh đều khập khiễng nhưng muốn sẻ chia với mọi người hãy luôn biết trân trọng Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam để góp phần hình thành thói quen đọc sách để năng cao tri thức, thúc đẩy xã hội phát triển. Sách và bạn đọc gắn với nhau như hình với bóng. Không bạn đọc sách in ra để dành cho ai? Muốn tìm hiểu tri thức, muốn có kiến thức, nhưng không có ai viết sách thì cũng bó tay! Vậy nên, sách luôn được coi là kho tri thức của nhân loại; là thước phim được ghi bằng chữ ( thay cho hình ảnh) về nghĩ suy, hoạt động, về cuộc sống con người trên khắp hành tinh; về sự thành công và thất bại, buồn vui hay khổ đau, về chân thiện, mỹ và cả những cái xấu cái ác trong đời sống. Sách làm nên con người, nhân cách và tài năng trong mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn chương, nghệ thuật…
Vì đọc sách mà con người mới biết chữ, trang bị kiến thức từ dễ đến khó, đơn giản đến phức tạp để tận hiểu tri thức nhân loại; để trưởng thành, thành đạt. Tôi vừa đọc bài viết dưới tựa đề Nhà văn đọc sách như thế nào? Với những dẫn chứng cụ thể, sâu sắc, tác giả ( là nhà văn) đưa ra nhận xét: phải chịu khó đọc một cách nghiêm túc, cầu thị, có chủ đích, sáng tạo… mới trở thành nhà văn đích thực, có danh tiếng, có thành tựu trong nghề văn. Mỗi người một cách đọc sách. Đọc có ghi chép, đọc mà nhớ được không cần ghi chép. Có khi đọc cả cuốn sách hàng trăm trang chỉ để ghi nhớ, sử dụng một vài dòng tư liệu, thông tin hữu ích cho mình…
Nay văn hóa đọc có phần đổi khác. Đã có lúc văn hóa đọc sách ở ta đi xuống. Nhà xuất bản teo tóp, khó khăn vô cùng vì sách in ra không bán được. Bạn đọc (nhất là bạn trẻ) không mặn mà với sách. Nay, khi văn hóa đọc khởi sắc một chút bởi biến ứng linh hoạt, sáng tạo của nhà quản lý, cho tư nhân làm xuất bản; vận hành theo cơ chế thị trường. Tư duy đổi mới, mở cửa hội nhập, thông thoáng trong quy trình cấp phép, kiểm duyệt đã tháo gỡ “ điểm nghẽn” cho ngành. Nhưng xuất bản lại gặp chuyện khó mới. Ấy là văn hóa đọc, nghe nhìn thay đổi. Sách điện tử, báo điện tử, sách in lậu đang cạnh tranh khốc liệt với báo in, sách in thông thường, truyền thống.
Nhưng mừng thay, vẫn có một bộ phận lớn bạn đọc trung thành với sách in, sách chính thống. Lựa chọn, biên tập, tổ chức xuất bản sách với nội dung có chất lượng, đáp ứng thị hiếu nhu cầu bạn đọc; trực quan sinh động trên sách in vẫn hấp dẫn và cuốn hút bạn đọc. Trong mỗi gia đình vẫn còn kệ sách, giá sách không chỉ dành cho việc học mà các loại sách cho mọi lứa tuổi, nghề nghiệp, sở thích. Đời sống sách ngày một phong phú, đa dạng “ri rỉ gì gi cái gì cũng có”. Mừng lắm chứ, bằng nhiều cách, các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước bắt tay nhau “dẫn dụ” bạn đọc ở mọi lứa tuổi đến với sách, ham yêu thích đọc sách.
Xây dựng và thúc đẩy văn hóa đọc bắt đầu từ nhà trường, gia đình ra phố sách, đường sách, tủ sách, thư viện sách cả tư nhân và nhà nước cùng giới thiệu, tổ chức giao lưu tác giả, nhà phê bình, dịch giả sách với bạn đọc. Đời sống văn hóa đọc sôi nổi nơi các thành phố lớn Hồ Chí Minh, Hà Nội lan tỏa đến nhiều địa phương trong cả nước. Các nhà xuất bản luôn là bạn đồng hành của nhiều dự án mang sách đến vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, điểm trường dân tộc nội trú. Nhờ các mạnh thường quân, những “trái tim không ngủ yên” mà các em nhỏ nơi vùng cao, nơi biên cương có sách giáo khoa mới, đồ dùng học tập, sách truyện…cùng trường lớp học mới khang trang.
Giờ đây, chỉ cần chiếc điện thoại thông minh, người ta có thể có được mọi thông tin mình cần, chuyện trên trời dưới biển, trong nước và cả thế giới. Nhưng SÁCH của các NXB chính thống (cũng như báo chí) luôn hiện hữu trong đời sống con người với tư cách hoàn toàn khác. Con người không thể thiếu SÁCH và văn hóa đọc truyền thống, như dòng máu không ngừng chảy nuôi sống con người. Một dân tộc nhỏ bé,phải đương đầu với chiến tranh hàng thế kỷ, giành được tự do, độc lập và đã bứt phá mạnh mẽ trên con đường đổi mới hội nhập toàn diện, sâu rộng với thế giới.
Nhờ đâu? Một phần nhờ vào chăm chỉ học, ham đọc sách để tìm kiếm tri thức, học bạn, học người, học đời (cuộc sống hàng ngày). Hơn thế, vận dụng sáng tạo tri thức nhân loại tìm lối đi riêng cho mình. Câu chuyện người Việt Nam luôn tự hào là đã thành công phong trào mà Bác Hồ phát động, chiến thắng cả ba thứ giặc: giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm . Mọi người thường kể với nhau rằng, ra nước ngoài mới thấy họ có thói quen đọc sách ở mọi nơi, mọi lúc, nhất là trên tàu xe điện, xe bus, tàu hỏa, tàu biển…Tàu du lịch biển đã cải biến thành thư viện sách phục vụ không chỉ du khách trên tàu mà cả bạn đọc ở nhiều nước trên thế giới nơi cảng mà tàu cập bến. Mang tri thức đến cho mọi người- mục đích ấy thật đáng trân trọng.
Chuyện có những người già tự sưu tầm và xây dựng tủ sách, thư viện tại gia ở xã, huyện phục vụ bạn đọc miễn phí cũng không còn là cá biệt nữa. Mỗi lần về quê, tôi thường đóng góp những sách, báo, tạp chí “thập cẩm” mình đã đọc cho thư viện xã. Bác thủ thư thích lắm, vì thư viện không có kinh phí mua sách, xa thành phố. Các con, cháu mình lại hiếu học, ham đọc sách. Cũng không khó để bắt gặp nhiều bạn trẻ đọc sách ở nhiều không gian, hoàn cảnh khác nhau không uổng phí thời gian rỗi mỗi khi đi xa, đi làm, đi thư giãn…
Mong sao hình ảnh ấy sẽ được lưu giữ và lan tỏa đến mọi người. Mới đây, Tổng Bí thư Tô Lâm cũng gửi đi thông điệp “Học tập suốt đời”, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát động phong trào “Bình dân học vụ số” trong toàn xã hội. Tôi chợt nhận ra, khi người đứng đầu Đảng, Chính phủ đã quyết tâm định hướng và chỉ đạo quyết liệt như thế, nhất định SÁCH mãi là bạn tri kỷ, văn hóa đọc mãi là thói quen tốt đẹp của mọi người Việt Nam, góp phần đưa đất nước vươn mình mạnh mẽ trong kỷ nguyên mới.
VĂN HÙNG