Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 7 tháng năm 2024, kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản ước đạt 5,29 tỷ USD. So với cùng kỳ năm ngoái, xuất khẩu nhóm hàng này tăng 7,3%, đứng top 2 về kim ngạch xuất khẩu trong lĩnh vực nông nghiệp.
Trong đó, riêng xuất khẩu tôm thu về 2 tỷ USD, tăng 7,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Kim ngạch xuất khẩu tôm tiếp tục duy trì vị trí số 1 trong ngành thủy sản. Hiện Việt Nam nằm trong top 3 quốc gia xuất khẩu tôm nhiều nhất thế giới, chiếm 13-14% tổng giá trị xuất khẩu tôm toàn cầu. Con tôm của Việt Nam đã xuất khẩu đến khoảng 100 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Trong nửa đầu năm 2024, các quốc gia như Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, EU… tiếp tục chi lượng tiền lớn mua tôm Việt Nam, góp phần đẩy kim ngạch xuất khẩu mặt hàng duy trì mức tăng trưởng dương.
Cụ thể, xuất khẩu tôm sang thị trường Trung Quốc (bao gồm Hồng Kông) đạt 328 triệu USD, tăng mạnh 17% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong top 5 thị trường xuất khẩu tôm lớn nhất của nước ta, Trung Quốc là thị trường ghi nhận tốc độ tăng trưởng cao nhất. Đặc biệt, trong nửa đầu năm nay, Trung Quốc - khách hàng lớn nhất của con tôm hùm Việt Nam – đã tăng mua mạnh, góp phần đẩy kim ngạch xuất khẩu loại "hải sản nhà giàu" này tăng đột biến 57 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Tiếp đến là thị trường Mỹ với kim ngạch xuất khẩu đạt 303 triệu USD, tăng nhẹ 1%; xuất khẩu sang Nhật Bản đạt 229 triệu USD giảm 3%; sang EU đạt 217 triệu USD, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2023.
Đáng chú ý, giá tôm chân trắng (sản phẩm tôm chiếm tỷ trọng cao nhất của nước ta) sang một số thị trường đang có xu hướng tăng trở lại. Theo đó, giá xuất khẩu trung bình tôm chân trắng sang Trung Quốc tăng 3,1% so với tháng trước, lên 6,5 USD/kg; sang Mỹ tăng 2%, ở mức 10,2 USD/kg; sang Nhật Bản tăng 3,4% lên 8,8 USD/kg…
Xuất khẩu tôm dù đã phục hồi nhưng vẫn phải đối diện với nhiều thách thức. Ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta chia sẻ con tôm Việt Nam đang đối mặt với nhiều cạnh tranh từ các quốc gia khác như Ecuador, Ấn Độ, Indonesia trên thị trường Mỹ, như nguồn cung tôm quốc tế dư thừa từ Ấn Độ, Ecuador đẩy mạnh sản xuất khiến giá tôm liên tục giảm sâu.
Đó là chưa kể đến những tác động khác từ các quy định của quốc gia sở tại. Đồng thời, nhu cầu tiêu dùng ảm đạm do suy thoái kinh tế toàn cầu khiến thị trường xuất khẩu tôm gặp nhiều bất lợi.
Ông Hồ Quốc Lực đánh giá những khó khăn, thách thức đối với hoạt động xuất khẩu tôm sẽ còn tiếp tục kéo dài. Căng thẳng tại Biển Đỏ đang là bài toán nan giải đối với chuỗi cung ứng toàn cầu, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động xuất khẩu tôm Việt Nam sang các thị trường trọng điểm như Mỹ và châu Âu.
Chi phí vận tải tăng cao và rủi ro trong việc đảm bảo tiến độ giao hàng buộc các doanh nghiệp xuất khẩu phải tìm kiếm giải pháp thay thế phức tạp hơn, hoặc tập trung vào các thị trường gần hơn.
Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam dự báo những tháng cuối năm nay xuất khẩu tôm sang thị trường Mỹ, EU… sẽ tăng trưởng tốt. Bởi, theo quy luật của thị trường, các nhà nhập khẩu thường tăng cường mua lượng lớn hàng để phục vụ cho mùa lễ hội cuối năm.
Ngoài ra, các vấn đề tồn kho và khó khăn vận tải sẽ giảm bớt, nhu cầu phục hồi và giá sẽ tăng trở lại. Theo chiều hướng này, xuất khẩu tôm Việt Nam sẽ hoàn thành mục tiêu 4 tỷ USD trong năm nay.