Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), xuất khẩu chè của Việt Nam trong tháng 8/2021 đạt 10 tấn, trị giá 17 triệu USD, giảm 24,8% về lượng và giảm 22,2% về trị giá so với tháng 8/2020. Tính chung trong 8 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu chè ước đạt 80 nghìn tấn, trị giá 133 triệu USD, giảm 6% về lượng và giảm 1,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
Tuy nhiên, trong những tháng cuối năm 2021 dự báo xuất khẩu chè của Việt Nam sẽ tăng trưởng khả quan nhờ nhu cầu toàn cầu đang cải thiện, khi các nền kinh tế thế giới bước vào giai đoạn phục hồi nhờ việc triển khai mạnh mẽ tiêm vắc xin Covid-19 và các hiệp định: CPTPP, EVFTA, UKFTA… tiếp tục tạo điều kiện để mặt hàng chè của Việt Nam tham gia vào các thị trường đối tác với thuế quan ưu đãi. Các vùng chè của Việt Nam đang ngày càng đa dạng và phong phú, được đảm bảo sản lượng và chất lượng, phục vụ cho nhu cầu người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Thái Nguyên
Để nâng cao chất lượng, giá trị các sản phẩm từ chè, tỉnh đã sản xuất chè tập trung theo hướng an toàn, áp dụng quy trình VietGAP, sản xuất an toàn hữu cơ đạt chuẩn Organic cho ra các sản phẩm trà chất lượng cao, an toàn cho người sản xuất và người tiêu dùng.
Theo số liệu thống kê từ Sở NN&PTNT tỉnh, cây chè của tỉnh đang có quy mô sản xuất ổn định và gia tăng qua các năm. Ðiều đáng nói là mặc dù bị ảnh hưởng bởi tình hình chung nhưng chất lượng và giá trị sản phẩm chè không ngừng nâng cao. Thống kê hiện nay, thu nhập từ cây chè đạt khoảng 300 đến 500 triệu đồng/ha. Chè Thái Nguyên đang từng bước khẳng định được vị trí tại thị trường trong nước và triển vọng mở rộng ra thị trường thế giới. Hơn nữa, sản xuất chè đã và đang góp phần xóa đói, giảm nghèo, làm giàu, là thu nhập chủ yếu của hàng chục nghìn hộ dân trên địa bàn.
Yên Bái
Những năm gần đây, giá trị và diện tích chè Shan tuyết cổ thụ của huyện Văn Chấn (Yên Bái) ngày một nâng lên. Chè Shan tuyết cổ thụ dần khẳng định vị thế, tiếp cận thị trường khó tính. Thế nhưng, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, chính quyền huyện Văn Chấn đang vận động người dân chia sẻ và đồng hành với doanh nghiệp chè trong giai đoạn khó khăn.
Cùng với đó, địa phương cũng chủ động phối hợp với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chè trên địa bàn để kịp thời giải quyết, tháo gỡ khó khăn; xây dựng các phương án, giải pháp tiêu thụ sản phẩm chè trong giai đoạn hiện nay.
Tuyên Quang
Toàn tỉnh Tuyên Quang có gần 8.500 ha chè, trong đó hơn 7.900 ha chè đã thu hoạch. Trồng chè đã mang lại hiệu quả kinh tế, thu nhập ổn định cho người dân. Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, hoạt động xuất khẩu đang tạm thời đóng băng, các doanh nghiệp xuất khẩu chè trên địa bàn tỉnh đang tồn gần 3.000 tấn. Hiện, người dân, các doanh nghiệp, các ngành chức năng đang phải “căng mình” tìm đầu ra cho sản phẩm.
Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp, hợp tác xã và địa phương đã xây dựng các mô hình liên kết sản xuất - tiêu thụ - chế biến, đầu tư thâm canh tăng năng suất, ứng dụng công nghệ tự động hóa trong sản xuất chè… Nhờ đó, chất lượng chè nguyên liệu được nâng lên ở tất cả các công đoạn chăm sóc, thu hái, chế biến. Giá thu mua chè búp tươi được nâng lên, thu nhập của người trồng chè được cải thiện.
Hy vọng với sự quyết liệt của ngành chủ quản, sự chủ động của các địa phương trong việc thực hiện những giải pháp đồng bộ nêu trên, những bất cập, trở ngại trong phát triển cây chè sẽ nhanh chóng được khắc phục trong những tháng cuối năm 2021, đưa ngành chè nước ta phát triển tương xứng tiềm năng, đưa kim ngạch xuất khẩu chè của Việt Nam tăng cao, mang lại giá trị gia tăng, thu nhập cao và bền vững hơn cho người sản xuất và doanh nghiệp.
Hoài Nam (t/h)