Mộc Miên, Hồng Miên, Pơ Lang là những tên gọi khác của hoa gạo theo từng vùng miền khác nhau. Tuy nhiên, ở hầu hết đồng bằng Bắc Bộ, nó được gọi với cái tên đơn giản là hoa Gạo.
Ở Hà Nội, hoa gạo không được trồng nhiều như các vùng quê. Song vào mùa hoa nở, cảnh sắc vẫn rất tuyệt vời khi nghìn bông hoa thắp lửa một khoảng trời. Trên các con phố Trần Quan g Khải, Phạm Ngũ Lão, hay ngã ba Giải Phóng - Phương Mai... những cây gạo đứng đơn lẻ nhưng bắt mắt và rặc rỡ lạ thường. Những bông hoa gạo tháng ba đỏ rực kiêu sa níu lòng người khi vô tình bắt gặp.
Cây Gạo rụng lá vào mùa đông và cho đến cuối xuân mới ra lá trở lại. Tuy nhiên, có một điều đặc biệt là những bông hoa của nó lại xuất hiện trước cả khi ra lá, và hoa lại nở từ trái. Trên nền trời xám xịt, những bông hoa gạo dọc trên các con phố như rực cháy lên. Đứng dưới gốc cây đắm đuối nhìn lên, xòe tay hứng một bông hoa đang rơi. Hoa gạo ít khi rơi rã từng cánh lẻ loi mà giữ nguyên một bông tròn vẹn. Năm cánh hoa còn nguyên trong đài hoa xoay xoay theo chiều thẳng đứng trước gió như một con bọ cam nhẹ nhàng đậu xuống vệ cỏ đẫm mưa phùn. Nhụy hoa là những vòi nhỏ và dài như cọng tăm nuột nà, phía đầu trên cùng uốn cuộn lại như những cái móc nhỏ xíu, hệt như được đính một hạt gạo còn vương một lớp phấn mỏng tang.
Hoa gạo, một thứ hoa dân dã mà đẹp lạ kỳ và đầy kiêu hãnh. Ít có loài hoa nào nở được trong tiết trời phong sương, dầm trong gió bấc mưa phùn. Dọc các con phố ở Hà Nội, những đốm lửa thắp lên từ cây gạo vẫn bập bùng, bập bùng. Hoa gạo làm ấm lên bầu trời buồn bã và trống trải cuối xuân.
Trong đời thường, ở hầu hết những miền quê Việt Nam, từ đồng bằng, trung du lên miền núi, cây Gạo luôn mang đến cho đời sống con người, thiên nhiên những góc nhìn tươi đẹp, rực rỡ mỗi độ tháng 3. Màu đỏ hoa gạo giữa lòng thủ đô khiến lại càng ai đó khi vô tình chạm mắt bỗng xao xuyến nhớ về làng quê thanh bình, nơi có gốc gạo già đỏ rực.
"Bao giờ đom đóm bay ra
Hoa gạo rụng xuống thì tra hạt vừng”
H.An