Sở Xây dựng TP.HCM cho biết, đối với tình hình thị trường bất động sản quý II trên địa bàn thành phố hiện nay vẫn có hoạt động và phát triển nhưng chậm lại và sẽ có điều chỉnh giải quyết sự lệch pha cung - cầu, hiện đang có xu thế lệch về phía phân khúc bất động sản bình dân.
Theo thống kê, tổng quan tình hình thị trường bất động sản trong quý II năm 2021 phát triển chậm hơn so với cùng kỳ và chậm hơn so với Quý I năm 2021. Lý do bởi hiện nay, TP.HCM đã bị ảnh hưởng lớn bởi đại dịch Covid – 19, nên không có biến động lớn về lượng và giá nhà ở trên diện rộng, nguồn cung nhà ở tại các dự án hạn chế, trong đó có phân khúc căn hộ bình dân không có giao dịch trên thị trường.
Các yếu tố ảnh hưởng đến thị trường bất động sản như tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế, chính sách tín dụng, sự phát triển lệch pha cung - cầu, sự gia tăng lớn của các nhà đầu tư thứ cấp và chính sách thuế đang được kiểm soát một cách hiệu quả và sự ảnh hưởng nặng nề, suy giảm phát triển kinh tế do dịch bệnh Covid – 19, nên thị trường khó có thể xảy ra tình trạng “bong bóng” bất động sản trong năm 2021.
Dòng vốn đầu tư từ các doanh nghiệp nước ngoài vẫn sẽ tiếp tục tìm kiếm cơ hội và đầu tư vào thị trường bất động sản Việt Nam, đặt biệt là thành phố Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, trong thời gian tới (sau đại dịch) thị trường có thể tiếp sẽ tục xảy ra tình trạng “sốt, nóng” đất nền cục bộ tại các khu vực có quy hoạch trở thành các khu đô thị mới được đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, tại một số dự án nhà ở trong khu vực trung tâm đô thị có tiến độ thi công nhanh, hạ tầng đồng bộ, chủ đầu tư có uy tín, giá cả phù hợp,... có thể xảy ra.
Trong Quý II/2021, Sở Xây dựng đã xác nhận đủ điều kiện huy động vốn bán sản phẩm nhà ở hình thành trong tương lai của 07 dự án, với tổng số 3.000 căn nhà, giảm 40% so với Quý I/2021 và giảm 14,3% so với cùng kỳ Quý II/2020 về số dự án. Theo đó, thị trường phát triển chưa thực sự ổn định; nguồn cung giảm, đặc biệt là phân khúc bình dân, chưa đáp ứng nhu cầu thực của thị trường.
Sở Xây dựng nhận định thành phố Hồ Chí Minh là đô thị đặc biệt, trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa. Trong đó, bất động sản là một thị trường rộng lớn, nhiều doanh nghiệp hoạt động với các dự án được đầu tư, triển khai thi công xây dựng. Đối với lĩnh vực bất động sản, sản phẩm đã hoàn thiện tồn kho mới đáng lo ngại. Bởi lẽ, nếu một căn hộ hay dự án nếu không sử dụng mà để lâu sẽ xuống cấp, doanh nghiệp lại phải tốn chi phí quản lý, bảo dưỡng… Còn tồn kho bất động sản trong quá trình đầu tư xây dựng là việc không đáng lo.