Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khẳng định: Một trong những vấn đề khó khăn và nan giải nhất phải tập trung giải quyết chính là an ninh lương thực. Với dân số thế giới được dự báo tăng lên 11 tỷ người trong tương lai, vấn đề an ninh lương thực luôn là vấn đề cấp bách của cả nhân loại và từng quốc gia. Việt Nam cũng không ngoại lệ, với dân số 100 triệu dân, diện tích tự nhiên hẹp, trong đó phần đất dành cho nông nghiệp thấp, Việt Nam có thách thức rất lớn về an ninh lương thực. Kể từ giai đoạn đổi mới, đưa chăn nuôi lên làm ngành chính luôn là khẩu hiệu của chúng ta.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhắc đến những bước tiến ngoạn mục trong phát triển chăn nuôi giai đoạn 2018-2020, Việt Nam đã hình thành hệ sinh thái đầy đủ cho ngành chăn nuôi theo hướng hiện đại, đặc biệt là ngành sữa Việt Nam hiện đứng thứ 3 Asean. Nhờ đó, Việt Nam đã đáp ứng cơ bản đủ nhu cầu thực phẩm cho nhân dân, sinh kế từ làm chăn nuôi từng bước được cải thiện.
Tuy nhiên, vẫn phải kể đến những tồn tại của ngành, đó là tốc độ phát triển nhanh nhưng mất cân đối. Ba khâu quan trọng trong chăn nuôi là sản xuất, chế biến và tiêu thụ thì hiện tại mới đạt được mục tiêu sản xuất tăng. Mong muốn đưa chăn nuôi lên làm ngành chính, song tỷ trọng xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi trong tổng giá trị xuất khẩu nông sản 40 tỷ USD mỗi năm còn quá thấp. Chính vì vậy, sau khi kết thúc chiến lược 2018-2020, Bộ NN&PTNT đã báo cáo Chính phủ xây dựng chiến lược mới cho giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2030 để xác định lại vị thế của ngành hàng này, với quyết tâm khắc phục bằng được những tồn tại của quá trình thực hiện chiến lược giai đoạn vừa qua để tổ chức lại, xác định định hướng lớn trong phát triển, lấy kinh tế, môi trường, an sinh là hiệu quả bền vững của ngành chăn nuôi. “Chăn nuôi phải trở thành hiện đại, đồng bộ tất cả các khâu từ sản xuất, chế biến, thị trường, ngành chăn nuôi phải là ngành đi đầu trong kinh tế tuần hoàn áp dụng công nghệ mới nhất cho từng ngành hàng, từng giai đoạn, từng quy mô. Phải hướng đến mục tiêu xuất khẩu, đây là áp lực cần thiết”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.
Hội nghị đã tập trung nghe và góp ý kiến nội dung dự thảo Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2020-2030, tầm nhìn 2040, trước khi được Thủ tướng Chính phủ thông qua, làm cơ sở cho các hoạt động tiếp theo. Theo đó, chiến lược phát triển chăn nuôi dựa trên quan điểm phát triển chăn nuôi toàn diện, hiệu quả, bền vững và thích ứng biến đổi khí hậu theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với chuỗi giá trị, kinh tế tuần hoàn, nâng cao giá trị gia tăng, đảm bảo an toàn sinh học, dịch bệnh và an toàn thực phẩm, đối xử nhân đạo với vật nuôi.
Mục tiêu cụ thể đặt ra là phấn đấu trong giai đoạn 2021-2025, mức tăng trưởng giá trị sản xuất đạt trung bình từ 4 - 5%/năm, giai đoạn 2026-2030 đạt từ 3-4%/năm. Sản lượng thịt xẻ các loại đến năm 2025 đạt từ 5-5,5 triệu tấn, đến năm 2030 đạt từ 6-6,5 triệu tấn, trong đó, xuất khẩu từ 15-20% sản lượng thịt lợn, 20-25% thịt và trứng gia cầm. Sản lượng trứng, sữa đến năm 2025 đạt từ 18-19 tỷ quả trứng và từ 1,7-1,8 triệu tấn sữa, đến năm 2030 đạt khoảng 30 tỷ quả trứng và 2,6 triệu tấn sữa. Tỷ trọng thịt gia súc, gia cầm được chế biến so với tổng sản lượng thịt từ 25-30% vào năm 2025, từ 40-50% vào năm 2030.
Tầm nhìn đến năm 2040, phấn đấu 100% sản phẩm thịt gia súc, gia cầm hàng hóa được cung cấp từ các cơ sở giết mổ tập trung, công nghiệp và trên 70% khối lượng sản phẩm chăn nuôi chính được qua sơ chế, chế biến công nghiệp, trong đó khoảng 30% được chế biến sâu.
Dự thảo chiến lược đưa ra 10 nhóm giải pháp chính để phát triển chăn nuôi trong giai đoạn tới và 5 đề án ưu tiên tập trung vào những nhóm vấn đề quan trọng cần đổi mới và hiện đại hóa để thúc đẩy phát triển bền vững ngành chăn nuôi, gồm: (1) Phát triển công nghiệp sản xuất giống vật nuôi; (2) Phát triển công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi; (3) Phát triển công nghiệp chuồng trại và xử lý chất thải chăn nuôi; (4) Phát triển công nghiệp giết mổ, chế biến và thị trường sản phẩm chăn nuôi; (5) Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đẩy mạnh hoạt động khoa học – công nghệ, khuyến nông trong chăn nuôi và tăng cường năng lực quản lý nhà nước ngành chăn nuôi.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng: Những khó khăn, thách thức đối với ngành chăn nuôi còn rất lớn, song có thể nói thời cơ thuận lợi cũng song hành, với những chủ trương phát triển nông nghiệp toàn diện và hiện đại trong đó ngành chăn nuôi luôn được quan tâm. Luật Chăn nuôi được Quốc hội thông qua, có hiệu lực vào năm 2020 là hành lang pháp lý quan trọng để phát triển bền vững ngành chăn nuôi. Thuận lợi tiếp theo là nhu cầu tiêu dùng sản phẩm chăn nuôi trên thị trường trong nước và quốc tế ngày càng gia tăng. Năng lược sản xuất và chế biến các sản phẩm chăn nuôi của các doanh nghiệp Việt Nam đã và đang được nâng cao, với nhiều doanh nghiệp lớn có bản lĩnh và tâm huyết, trở thành đầu tàu và là động lực quan trọng, là mô hình tốt để triển khai nhân rộng hình thành chuỗi liên kết từ đầu vào đến đầu ra không chỉ trên thị trường trong nước và thế giới.
Các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới cũng là những thời cơ để ngành chăn nuôi Việt Nam phát triển, sản phẩm chăn nuôi không chỉ mở rộng ở các thị trường truyền thống mà còn có cơ hội vươn ra các thị trường khó tính như châu Âu. Phó Thủ tướng đánh giá cao Bộ trong việc xây dựng chiến lược phát triển ngành chăn nuôi giai đoạn mới một cách công phu và khoa học, đã tranh thủ được sự đóng góp của các Bộ, ngành địa phương, các nhà khoa học, chuyên gia, đặc biệt là những người chăn nuôi có kinh nghiệm, có kiến thức.
Theo Phó Thủ tướng, 7 ý kiến đóng góp đưa ra tại Hội nghị tuy chưa nhiều nhưng rất đáng quý và cơ bản đều ủng hộ sự cần thiết phải ban hành sớm chiến lược này. Về các đề án ưu tiên, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng có đưa ra đề xuất bổ sung đề án về kiểm soát dịch bệnh./.
Thy Anh (t/h)