Thị trường bất động sản Việt Nam những năm gần đây chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của phân khúc trung và cao cấp, nhưng phân khúc nhà ở giá rẻ lại bị bỏ ngỏ. Theo số liệu từ Bộ Xây dựng, trong giai đoạn 2020-2024, số lượng dự án nhà ở xã hội và nhà ở giá rẻ chỉ chiếm khoảng 10-15% tổng số dự án bất động sản được phê duyệt trên toàn quốc. Tại hai đô thị lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, tỷ lệ này còn thấp hơn, chỉ đạt khoảng 5-7%.
Thực tế đáng báo động là giá nhà đất tại các đô thị lớn đã tăng gấp nhiều lần so với thu nhập bình quân của người dân. Tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, một căn hộ có giá khoảng 2 tỷ đồng trở lên đã trở thành mức chuẩn phổ biến, trong khi thu nhập bình quân đầu người tại các thành phố này chỉ đạt khoảng 7-10 triệu đồng/tháng. Điều này khiến việc sở hữu nhà ở trở thành giấc mơ xa vời đối với nhiều gia đình trẻ và người lao động có thu nhập thấp và trung bình.
Nhà ở giá rẻ tại Việt Nam: Nhu cầu lớn, nguồn cung vẫn thiếu hụt
Tình trạng khan hiếm nhà ở giá rẻ còn được phản ánh qua sự gia tăng của các khu nhà trọ, nhà ở tạm bợ tại các khu vực ngoại thành và vùng ven các đô thị lớn. Nhiều công nhân và người lao động phải chấp nhận sống trong những căn phòng chật hẹp, thiếu tiện nghi với mức giá thuê ngày càng cao. Đây không chỉ là vấn đề về nhà ở mà còn ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và phát triển bền vững của đô thị.
Theo các chuyên gia, thị trường BĐS Việt Nam hiện nay không thiếu nhà ở, mà chủ yếu thiếu các dự án phát triển nhà ở giá rẻ hoặc nhà ở xã hội. Mặc dù có rất nhiều dự án nhà ở đang được triển khai, phần lớn lại tập trung vào phân khúc cao cấp và trung cấp, với giá bán cao, vượt quá khả năng chi trả của đông đảo người dân, đặc biệt là những người có thu nhập thấp và trung bình.
Các chuyên gia cho rằng. có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu hụt nhà ở giá rẻ tại Việt Nam. Trước hết phải kể đến sự thiếu hấp dẫn về mặt lợi nhuận đối với các chủ đầu tư. Trong bối cảnh giá đất và chi phí xây dựng tăng cao, việc phát triển các dự án nhà ở giá rẻ mang lại tỷ suất lợi nhuận thấp hơn nhiều so với các dự án cao cấp. Nhiều doanh nghiệp bất động sản đã chuyển hướng đầu tư sang phân khúc trung và cao cấp để tối đa hóa lợi nhuận.
Bên cạnh đó, chi phí đất đai chiếm tỷ trọng lớn trong giá thành bất động sản cũng là một thách thức lớn. Tại các đô thị lớn, giá đất đã tăng gấp nhiều lần trong thập kỷ qua, khiến việc phát triển nhà ở giá rẻ trở nên khó khăn hơn. Mặc dù chính phủ có chính sách miễn, giảm tiền sử dụng đất cho các dự án nhà ở xã hội, nhưng quỹ đất dành cho các dự án này còn hạn chế.
Cuối cùng, sự thiếu vắng các cơ chế tài chính hỗ trợ hiệu quả cũng góp phần làm trầm trọng thêm vấn đề. Cả người mua nhà và chủ đầu tư đều gặp khó khăn trong việc tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi. Các gói tín dụng hỗ trợ nhà ở thường có quy mô nhỏ và thời gian triển khai ngắn, không đủ để tạo ra tác động lâu dài đến thị trường.
Nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề nhà ở giá rẻ, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách để thúc đẩy phát triển phân khúc này. Luật Nhà ở 2023 đã đưa ra nhiều quy định ưu đãi cho các dự án nhà ở xã hội, bao gồm miễn, giảm tiền sử dụng đất, ưu đãi thuế và tiếp cận vốn vay ưu đãi.
Chính phủ cũng đã phê duyệt Đề án phát triển nhà ở xã hội giai đoạn 2021-2025 với mục tiêu xây dựng 1,2 triệu căn nhà ở xã hội. Một số địa phương như Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đã ban hành các chương trình phát triển nhà ở riêng, trong đó dành một phần đáng kể cho phân khúc nhà ở giá rẻ và nhà ở xã hội.
Ngoài ra, gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi phát triển nhà ở xã hội đã được triển khai, tạo điều kiện cho cả người mua nhà và chủ đầu tư tiếp cận nguồn vốn với lãi suất thấp hơn. Tuy nhiên, việc giải ngân gói tín dụng này còn gặp nhiều khó khăn do các quy định chặt chẽ về điều kiện vay và thủ tục hành chính.
Một số doanh nghiệp bất động sản lớn cũng đã bắt đầu quan tâm đến phân khúc nhà ở giá rẻ thông qua việc phát triển các dự án nhà ở xã hội hoặc căn hộ giá rẻ. Các mô hình nhà ở mới như căn hộ mini, căn hộ thông minh với diện tích nhỏ nhưng được tối ưu hóa công năng sử dụng đang dần xuất hiện trên thị trường, nhằm đáp ứng nhu cầu của người có thu nhập thấp và trung bình.
Mặc dù đã có những nỗ lực đáng kể, việc giải quyết bài toán nhà ở giá rẻ tại Việt Nam vẫn còn nhiều thách thức. Chuyên gia bất động sản cho rằng, trước hết, cần có cơ chế đặc thù để giải quyết vấn đề về quỹ đất, đơn giản hóa thủ tục hành chính và tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án nhà ở giá rẻ được triển khai nhanh chóng.
Chính phủ cần xem xét áp dụng các biện pháp mạnh mẽ hơn để khuyến khích các doanh nghiệp tham gia vào phân khúc này, như tăng ưu đãi thuế, hỗ trợ giải phóng mặt bằng và đầu tư hạ tầng. Bên cạnh đó, việc yêu cầu các dự án bất động sản thương mại phải dành một tỷ lệ nhất định cho nhà ở giá rẻ cũng là một giải pháp đáng cân nhắc.
Về phía người dân, cần có sự thay đổi trong tư duy về nhà ở, từ "sở hữu" sang "sử dụng". Mô hình nhà ở cho thuê dài hạn với giá cả hợp lý, được quản lý chuyên nghiệp có thể là một giải pháp hiệu quả để giải quyết nhu cầu nhà ở cho người có thu nhập thấp và trung bình. Đây là mô hình đã được áp dụng thành công tại nhiều quốc gia phát triển.
Tiến Hoàng