Tìm hiểu về chè vằng
Chè vằng là sản phẩm chè được chế biến từ lá và cành của cây vằng. Cây vằng có tên khoa học là Jasminum subtriplinerve, cây thuộc họ Oliu mọc thành từng bụi. Chè vằng có rất nhiều tác dụng cho con người đặc biệt là phụ nữ sau sinh.
Vằng còn có các tên gọi khác như: chè vằng, chè cước man, cẩm văn, cẩm vân, dây vắng, mổ se, lài ba gân. Cây chè vằng mọc hoang ở khắp nơi trên đất nước Việt Nam. Đặc điểm cây chè vằng: Lá chè vằng có 3 gân sọc, 2 gân uốn cong theo mép lá, 1 gân ở chính giữa. Hoa chè vằng có 10 cánh, màu trắng. Quả chè vằng chín có màu vàng, cỡ bằng hạt ngô, có một hạt rắn chắc.
Cây mọc rải rác ở hầu hết các tỉnh thuộc vùng núi thấp, trung du và đồng bằng, thường lẫn với cây bụi ở ven đồi, bờ nương rẫy, quanh làng bản. Cây còn được trồng phân tán ở các gia đình để làm hàng rào và làm cảnh.
Bộ phận dùng làm thuốc của chè vằng là cành lá, thu hái quanh năm, dùng tươi hoặc phơi khô, sấy khô. Dược liệu có vị hơi đắng, chát, tính ấm, không độc, tác dụng thanh nhiệt, lợi thấp, khu phong, hoạt huyết, điều kinh, tiêu viêm.
Chè vằng có 2 loại chính đó là chè vằng sẻ và vằng trâu. Điểm khác biệt lớn nhất của 2 loại này là về kích thước cũng như độ già của lá. Để phân biệt rõ hơn nữa chúng ta cùng điểm qua một vài chi tiết bên dưới.
Chè vằng sẻ: Hay còn gọi là chè vằng lá nhỏ. Chè vằng sẻ có lá nhỏ, mỏng, phơi khô có màu xanh nhạt, khi pha sẽ nước có màu xanh nhạt, có hương thơm hơn so với chè vằng trâu. Loại này thường được dùng làm nguyên liệu làm thuốc vì có lượng chất trong lá nhiều hơn.
Chè vằng lá to: Hay còn gọi là vằng trâu. Chè vằng trâu có hàm lượng chất dinh dưỡng thấp, không được sử dụng trong chữa bệnh và làm thuốc. Chè vằng trâu có lá, thân to hơn, lá phơi khô có màu nâu, nước đun lên có màu nâu sẫm, không có mùi thơm như vằng sẻ.
Ngoài ra, còn một số loại khác như cao chè vằng và chè vằng túi lọc. Hai loại này được người tiêu dùng biết đến nhiều hơn vì những sản phẩm hiện tại trên thị trường đa số là 2 loại này đặc biệt là sản phẩm cao chè vằng.
Công dụng cho sức khỏe của chè vằng
Giúp mát gan: Chè vằng rất mát gan, nếu bạn nóng trong người, mụn nhọt, hay dùng bia rượu và thức ăn nóng thì nên dùng chè vằng.
Ngủ ngon, nhẹ bụng: Người mất ngủ ăn không ngon, người bị chứng nặng bụng, bụng hay cương cứng dùng chè vằng sẽ giảm đáng kể có thể nhận biết trong khoảng 1 tuần sử dụng thường xuyên. Tác dụng ngủ ngon chỉ tác dụng trên 80% đối tượng và không tác dụng ngay lần đầu sử dụng, cần sử dụng thường xuyên sau 3 ngày mới cải thiện từ từ.
Hỗ trợ điều trị cao huyết áp, tiểu đường, gan nhiễm mỡ: Cao huyết áp, gan nhiễm mỡ, máu nhiễm mỡ, bệnh nhân tiểu đường: Chè vằng hay Cao Chè vằng không phải là thuốc nên không thay cho thuốc, nhưng Cao Chè vằng hỗ trợ điều trị cho các bệnh nhân bị 1 trong số các bệnh trên rất tốt, đặc biết đối với người Cao huyết áp.
Chè vằng lợi sữa: Một trong những tác dụng tốt nhất và được quan tâm của Chè vằng là lợi sữa, kháng viêm rất cao đối với phụ nữ sau khi sinh. Phụ nữ sau khi sinh nên dùng Chè vằng ngay trong những giờ đầu nhằm giúp kháng viêm, làm sạch cơ thể và tính chất tác dụng lợi sữa tốt nhất. Chè vằng lợi sữa hiện được nhiều bác sỹ sản khoa khuyên các sản phụ nên uống.
Những lưu ý khi uống chè vằng
Nhiều nghiên cứu dinh dưỡng đều nhận thấy rằng chè vằng không chứa độc tính gây nguy hiểm tới sức khỏe. Phần lớn tỉ lệ mắc những tác hại của chè vằng sẽ tăng cao do sử dụng sai cách với liều lượng quá lớn.
Theo khuyến cáo, mỗi ngày chỉ nên sử dụng tối đa 30g lá chè vằng là tốt nhất, nhằm chủ động phòng tránh một số rủi ro sức khỏe dưới đây:
Hạ huyết áp quá mức: Chè vằng vốn được đánh giá là thực phẩm khá lành mạnh dành cho các đối tượng đang điều trị bệnh lý cao huyết áp. Tuy nhiên không vì vậy mà lạm dụng quá nhiều, bởi dùng chè vằng kết hợp cùng thuốc hạ huyết áp có thể gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe, làm huyết áp hạ thấp dưới mức an toàn, khiến bạn thường bị hoa mắt chóng mặt.
Gây quá tải cho thận: Trong Đông y, chè vằng thuộc nhóm dược liệu có tính mát, giúp thanh nhiệt và lợi tiểu. Thế nhưng uống nước chè vằng liên tục với lượng lớn thường không được khuyến khích, bởi khi đó tần suất đi tiểu trong ngày của bạn sẽ tăng lên (nhiều hơn 8 lần một ngày), vô tình gây quá tải cho thận và làm nhu mô thận sưng phồng.
Hao hụt dưỡng chất cần thiết: Tiếp nạp lượng lớn nước chè vằng trong thời gian ngắn có thể là yếu tố khiến cơ thể bạn thiếu hụt đi các dưỡng chất thiết yếu. Theo đó, lúc này hoạt động bài tiết nước tiểu diễn ra liên tục sẽ đào thải lượng lớn khoáng chất, gây mất cân bằng nồng độ chất điện giải và giảm thể tích dịch trong cơ thể.
Rối loạn nhu động ruột: Một trong những tác hại của chè vằng khi sử dụng sai cách mà bạn cần cẩn trọng đó là tiềm ẩn nguy cơ làm rối loạn nhu động ruột, ảnh hưởng tới hoạt động của hệ tiêu hóa, dễ gây táo bón.
Hương Trà (t/h)