Mua sắm lúc đói
Khi đói, bạn có nhu cầu mua sắm cao hơn bình thường vì lúc này trong mắt bạn, cái gì cũng ngon, cũng hấp dẫn, cũng khiến bạn thòm thèm. Theo nghiên cứu mới nhất, khi đi siêu thị nếu mua 1 miếng kẹo cao su, bạn sẽ ít bị cám dỗ trước hương vị hấp dẫn của món ăn, đặc biệt là những chiêu trò tiếp thị thực phẩm.
Mua sắm thực phẩm sai trật tự
Hầu hết mọi người thường có xu hướng mua nhiều thực phẩm ăn vặt như bánh kẹo, snack,... khi thấy giỏ hàng của mình còn vơi. Nếu bạn không thể cưỡng lại việc giỏ hàng còn "trống trải", hãy thử ghé gian hàng trái cây, rau củ để làm đầy giỏ hàng của mình.
Trái cây, rau củ sẽ chiếm nhiều không gian ở trong giỏ hàng, vì thế sẽ không còn nhiều chỗ trống để bạn tiện tay nhặt ít thực phẩm không thật tốt cho sức khỏe.
Dính bẫy "khuyến mãi"
Thấy một sản phẩm đang giảm giá khuyến mãi, đừng vội mua ngay. Hãy cân nhắc xem sản phẩm đó có phù hợp với thói quen ăn uống của gia đình mình không, có thể tích trữ lâu không.
Nhiều bà nội trợ tiết lộ họ chỉ mua những loại rau quả đang vào mùa mà các siêu thị giảm giá mạnh. Chỉ cần sơ chế qua và cấp đông các loại rau quả đó để dùng dần, như vậy bạn đã có thể tiết kiệm được một khoản đáng kể.
Tuy nhiên một số loại thực phẩm lại chỉ có thể sử dụng trong ngắn hạn, nếu tham rẻ mua nhiều có khả năng chúng bị hỏng trước khi dùng hết.
Không cập nhật giá cả sản phẩm thường xuyên
Với những sản phẩm bạn thường xuyên mua, việc nắm giá cũng rất quan trọng. Bởi chúng sẽ giúp bạn không bị "lừa" bởi những tấm bảng giảm giá, khuyến mãi bị đẩy giá lên cao rồi đem ra giảm kịch liệt.
Chỉ nhìn vào những kệ hàng vừa tầm mắt hoặc ở phía trên
Có một mẹo ít người biết: các mặt hàng rẻ hơn thường được để ở những giá dưới cùng trong khi những mặt hàng đắt tiền thường được bày ở giá vừa tầm mắt người mua. Người tiêu dùng bình thường sẽ không biết mình đang tiêu nhiều tiền hơn do chỉ mua sắm vừa tầm mắt.
Không nhớ trong tủ lạnh đang có những gì
Trước khi đi siêu thị, hãy kiểm tra lại càng chi tiết những thực phẩm trong bếp càng tốt. Nhiều bà nội trợ có thói quen mua đồ tích trữ, nhưng sau đó lại quên những gì đang còn trong tủ lạnh. Chính vì thói quen này một phần ngân sách không nhỏ bị lãng phí vì thực phẩm quá hạn.
Không chú ý đến trọng lượng của sản phẩm mà chỉ nhìn giá tiền
Giả sử có 2 gói sản phẩm có kích thước tương tự trên kệ, một trong số đó có giá rẻ hơn một chút so với gói kia. Bạn đừng vội mua gói có giá trị thấp hơn mà hãy kiểm tra trọng lượng của sản phẩm. Từ đó bạn sẽ biết được món đồ nào đắt hơn.
Tú Lê