Nông nghiệp hữu cơ, hướng đi bền vững cho ngành nông nghiệp

Nông nghiệp hữu cơ đang là xu thế phát triển tất yếu của ngành nông nghiệp thế giới. Sản xuất hữu cơ vừa giảm chi phí đầu tư, tăng hiệu quả kinh tế và hướng tới nền nông nghiệp bền vững.

Hiểu đúng về nông nghiệp hữu cơ

Nông nghiệp hữu cơ, hướng đi bền vững cho ngành nông nghiệp  - Ảnh 1

Theo quan điểm của Tổ chức Nông nghiệp Hữu cơ Quốc tế (IFOAM): “Nông nghiệp hữu cơ là hệ thống đồng bộ hướng tới thực hiện các quá trình với kết quả bảo đảm hệ sinh thái bền vững, thực phẩm an toàn, dinh dưỡng tốt, nhân đạo với động vật và công bằng xã hội, không sử dụng các hóa chất nông nghiệp tổng hợp và các chất sinh trưởng phi hữu cơ, tạo điều kiện cho sự chuyển hóa khép kín trong hệ canh tác, chỉ được sử dụng các nguồn hiện có trong nông trại và các vật tư theo tiêu chuẩn của quy trình sản xuất.”

Có thể hiểu một cách đơn giản rằng canh tác hữu cơ là một hình thức sản xuất nông nghiệp tránh hoặc loại bỏ hoàn toàn sản phẩm có chứa chất hóa học như: thuốc trừ sâu hóa học, phân bón hóa học, thuốc diệt cỏ hóa học, chất kích thích trong chăn nuôi, chất điều tiết tăng trưởng cây trồng,...  Trong quá trình canh tác theo hình thức nông nghiệp hữu cơ, người nông dân chủ yếu dựa vào việc quay vòng mùa vụ kết hợp với các chế phẩm, tận dụng chất thải nông nghiệp để tái sử dụng.

Nhiều người lầm tưởng giữa nông nghiệp hữu cơ và nông nghiệp sạch, Thực chất sản phẩm sạch có khác với sản phẩm hữu cơ, Cả 2 loại sản phẩm đều giống nhau về bản chất đều là sản phẩm an toàn với sức khỏe, nhưng khác nhau về phương pháp canh tác.

Sản phẩm sạch vẫn có thể sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, thuốc cỏ có nguồn gốc tổng hợp, kể cả các giống cây trồng biến đổi gen. Tuy nhiên, quy trình sản xuất phải được ghi chép cẩn thận, có thể truy nguyên nguồn gốc và khi kiểm tra, sản phẩm được sử dụng liên tục thì dư lượng không ảnh hưởng đến sức khỏe.

Đồng thời, hoạt động sản xuất cũng không gây ô nhiễm môi trường. Người sản xuất phải đạt các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP… và tiêu chuẩn này sẽ liên tục thay đổi theo yêu cầu bảo vệ sức khỏe của cơ quan ban hành.

Xu hướng phát triển nông nghiệp hữu cơ

Sự ra đời của nông nghiệp hữu cơ hiện trở thành một trong những giải pháp tối ưu nhằm hạn chế và kiểm soát ô nhiễm, đảm bảo phát triển một nền nông nghiệp bền vững.

Trên thế giới, nông nghiệp hữu cơ đã góp phần không nhỏ đối với môi trường, trong đó có giảm thiểu phát thải khí nhà kính. Diện tích nông nghiệp hữu cơ của thế giới cũng đang có xu hướng tăng nhanh trong những năm qua: Năm 2016, đạt 57,8 triệu hecta, chiếm 1,2% tổng diện tích đất nông nghiệp với giá trị sản phẩm hữu cơ khoảng 89,7 tỷ USD. Trong vòng 10 năm (2006 - 2016), diện tích đất nông nghiệp hữu cơ của thế giới tăng 150%. Có 178 nước sản xuất nông nghiệp hữu cơ với 2,7 triệu người thực hành sản xuất theo phương pháp hữu cơ, trong đó có 87 nước có quy định pháp luật quản lý sản phẩm hữu cơ.

Thống kê của Viện Nghiên cứu nông nghiệp hữu cơ (FIBL) và IFOAM cho thấy, năm 2021 có hơn 71 triệu hecta canh tác hữu cơ, tương đương khoảng 1,5% tổng diện tích canh tác. Một số quốc gia như: Mỹ, Úc và Liên minh châu Âu (EU) có tốc độ phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ rất nhanh. Và đến nay, trên thế giới có 186 quốc gia phát triển dòng sản phẩm nông nghiệp hữu cơ. Trong đó, 73% diện tích sản xuất nông nghiệp hữu cơ thế giới thuộc về 10 nước dẫn đầu. Úc có diện tích đất nông nghiệp hữu cơ nhiều nhất với 27,1 triệu hecta, trong đó 97% là những đồng cỏ chăn nuôi rộng lớn; kế đến là Argentina (3,0 triệu hecta); Trung Quốc (2,3 triệu hecta); Mỹ (2 triệu hecta).

Tại châu Á, diện tích sản xuất nông nghiệp hữu cơ khoảng 2.900.000 hecta với 130.000 trang trại. Các quốc gia sản xuất hữu cơ lớn nhất trong khu vực: Trung Quốc, Ấn Độ, Bangladesh, Sri Lanka, Hàn Quốc và Thái Lan. Thị trường lớn nhất hiện nay là Nhật Bản và một số thị trường đang nổi lên như Trung Quốc, Malaysia, Singapore và Thái Lan.

Thị trường tiêu thụ sản phẩm hữu cơ lớn nhất là Mỹ (trên 45% giá trị), tiếp đến là Đức và Pháp. Tuy nhiên, nếu tính theo đầu người thì Thụy Sĩ tiêu thụ sản phẩm hữu cơ nhiều nhất (274 Euro/đầu người/năm).

IFOAM cho rằng, phát triển nông nghiệp hữu cơ là xu hướng tất yếu của nông nghiệp thế giới và xác định tầm nhìn chiến lược của nông nghiệp hữu cơ đến năm 2030 sẽ góp phần giải quyết các thách thức trong tương lai của nông nghiệp; trở thành hệ thống sử dụng đất được ưa chuộng và được lựa chọn ở nông thôn; đảm bảo an ninh lương thực và bảo vệ an toàn hệ sinh thái nhờ việc tăng cường chức năng sinh thái; sản xuất thực phẩm lành mạnh và đem lại lợi ích cho tất cả mọi người.

Nông nghiệp hữu cơ tại Việt Nam

Nông nghiệp hữu cơ, hướng đi bền vững cho ngành nông nghiệp  - Ảnh 2

Việt Nam có quỹ đất sản xuất nông nghiệp màu mỡ là điều kiện thuận lợi sản xuất nông sản quy mô hàng hóa, đây là điều kiện tốt để sản xuất nông nghiệp tập trung, nâng cao sức cạnh tranh nông sản Việt Nam trên thị trường thế giới. Trên cơ sở đó, từng địa phương cần chủ động xác định loại cây trồng, vật nuôi có lợi thế so sánh, xác định quy mô nông nghiệp hữu cơ phù hợp, trong quá trình sản xuất cần chú ý yếu tố quyết định là thị trường.

Theo FIBL và IFOAM (2016), năm 2014 diện tích sản xuất nông nghiệp hữu cơ của Việt Nam đạt hơn 43.000 hecta, đứng thứ 56/172 nước trên thế giới, thứ 3 trong ASEAN (sau Indonesia và Philippines). Ngoài ra, Việt Nam còn có 20.030 hecta mặt nước cho thu hoạch sản phẩm hữu cơ, 2.200 hecta cho thu hái tự nhiên, đưa tổng diện tích nông nghiệp hữu cơ của Việt Nam lên hơn 65.000 hecta. Diện tích sản xuất nông nghiệp hữu cơ của Việt Nam tăng nhanh, gấp hơn 3 lần trong giai đoạn 2007 - 2014. Năm 2016, diện tích canh tác hữu cơ đã tăng gấp 3,6 lần so với năm 2010 và đạt khoảng 77.000 hecta. 

Thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, hiện nay, nhiều địa phương đã tham gia sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Mặc dù đi sau so với nhiều quốc gia trên thế giới về các sản phẩm hữu cơ, nhưng sự nỗ lực của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp và người nông dân, đã đưa Việt Nam vào danh sách các quốc gia tham gia sản xuất nông nghiệp hữu cơ. 

Riêng trong lĩnh vực trồng trọt, hiện nay, cả nước có hàng trăm cơ sở sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Bến Tre hiện là tỉnh có diện tích trồng trọt hữu cơ nhiều nhất nước với hơn 3.000 hecta, trong đó chủ yếu là diện tích trồng dừa hữu cơ. Ninh Thuận là tỉnh có diện tích trồng trọt theo hướng hữu cơ nhiều nhất khu vực Nam Trung Bộ với gần 500 hecta cây ăn trái như nho, táo, trong đó riêng diện tích trồng nho theo hướng hữu cơ 285 hecta. Bên cạnh đó, đã có một số địa phương sản xuất nông nghiệp hữu cơ được tổ chức nước ngoài chứng nhận như: Lào Cai, Hà Giang (tổ chức chứng nhận ATC của Thái Lan; tiêu chuẩn EU, USDA của Mỹ); Cà Mau, Lâm Ðồng (tổ chức chứng nhận Control Union của Hà Lan, tiêu chuẩn EU, USDA). Diện tích đã được các tổ chức nước ngoài chứng nhận trong cả nước đến nay là gần 1.000 hecta.

Nhiều mô hình nông nghiệp hữu cơ (như tại Mộc Châu - Sơn La) áp dụng công nghệ cao trong sản xuất, tạo ra các sản phẩm có chất lượng tốt, được tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, nâng cao giá trị kinh tế cho nông dân và doanh nghiệp với khoảng 300 hecta đất nông nghiệp sản xuất theo quy trình VietGAP và GlobalGAP. Các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác và hộ gia đình ứng dụng nông nghiệp hữu cơ, áp dụng công nghệ trong sản xuất đều đạt năng suất cao, chất lượng tốt, môi trường an toàn, bảo đảm sức khỏe cho con người.

Tuy đã có một số thành tựu nhất định, nông sản hữu cơ Việt Nam vẫn chiếm một tỷ trọng rất nhỏ trong tổng sản lượng nông nghiệp và giá trị xuất khẩu nông sản. Dù nhiều địa phương đã chú trọng phát triển nông nghiệp hữu cơ gắn với bảo vệ môi trường, nhưng việc khai thác hiệu quả các điều kiện tự nhiên, xã hội để phát triển loại hình này vẫn còn nhiều vấn đề. Nguyên nhân là do quy trình sản xuất nông nghiệp hữu cơ đòi hỏi khắt khe, chi phí sản xuất cao, trong khi năng suất lại thấp và thị trường tiêu thụ chưa ổn định... Mặt khác, việc kiểm soát về dư lượng hóa chất cũng như sự minh bạch về nguồn gốc, xuất xứ cũng là một vấn đề khiến nhiều sản phẩm hữu cơ mất uy tín trên thị trường. Đó là chưa kể đến những hạn chế trong phát triển hệ thống chuỗi sản phẩm, xây dựng và quảng bá thương hiệu. 

Hương Trà