Từ một quốc gia phải nhập khẩu lương thực, Việt Nam đã vươn lên trở thành nước xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới. Trong quá trình đó, năm 2024 được xem là năm bứt phá của toàn ngành và kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 62 tỷ USD, mức kỷ lục, cao hơn nhiều so với mục tiêu đã đề ra.
Ước tính, ngành nông lâm ngư nghiệp có 11 mặt hàng tiếp tục duy trì giá trị kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, trong đó có 7 mặt hàng đạt trên 3 tỷ USD, gồm: gỗ và sản phẩm gỗ ước 16,1 tỷ USD, rau quả ước 7,1 tỷ USD, gạo ước 5,7 tỷ USD, cà phê ước 5,4 tỷ USD, hạt điều 4,3 tỷ USD, tôm 3,8 tỷ USD, cao su ước 3,2 tỷ USD.
Đặc biệt, xuất khẩu rau quả, gạo, cà phê, hạt điều và hạt tiêu đều tăng trưởng hai con số. Cụ thể: cà phê tăng 56,9%, hồ tiêu tăng 53,3%, cao su tăng 24,6%, gạo tăng 10,6%.
Về thị trường, Hoa Kỳ đã vượt qua Trung Quốc trở thành thị trường xuất khẩu nông, lâm, thủy sản lớn nhất của Việt Nam, Trung Quốc đứng thứ hai, tiếp đến EU, Nhật Bản, Hàn Quốc… Các hiệp định thương mại tự do như EVFTA, CPTPP và RCEP tiếp tục mở ra cơ hội lớn cho nông sản Việt Nam tiếp cận các thị trường khó tính như châu Âu, Mỹ và Nhật Bản.
Các sản phẩm chủ lực như gạo, cà phê, thủy sản và trái cây không chỉ tăng trưởng về sản lượng mà còn gia tăng giá trị nhờ đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế về chất lượng và bền vững.
Dù có nhiều tiềm năng, ngành nông sản vẫn phải đối mặt với không ít thách thức. Các yêu cầu khắt khe về kiểm dịch thực vật, quản lý vùng trồng và phát triển xanh đang đặt ra áp lực lớn cho doanh nghiệp.
Trong bối cảnh đó, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng xuất khẩu nông sản Việt Nam đang đối diện với 5 thách thức lớn. Đó là giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, chi phí vận tải, logistics chưa có dấu hiệu giảm, chính sách nhập khẩu của các nước liên tục thay đổi và lãi suất ngân hàng có biến động.
"Không những vừa phải đối diện với các tiêu chí sản xuất, người sản xuất nông nghiệp còn phải đáp ứng yêu cầu về tiêu chuẩn chất lượng nông sản ngày càng tăng. Người tiêu dùng nước ngoài có xu hướng thắt chặt chi tiêu do áp lực lạm phát", Thứ trưởng Tiến nhận định.
Phát biểu tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và triển khai kế hoạch năm 2025 của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn. thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính trân trọng cảm ơn, đánh giá cao nỗ lực, kết quả, thành tựu ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đã đạt được, đóng góp quan trọng vào thành tựu, kết quả chung của cả nước trong năm 2024.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ trong năm 2024, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sáng suốt, kịp thời, quyết liệt của Đảng, mà trực tiếp, thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư, sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ của người dân, doanh nghiệp, sự giúp đỡ bạn bè quốc tế, đất nước ta đã vượt qua nhiều thách thức, tháo gỡ được nhiều khó khăn, đạt được rất nhiều thành tựu trên tất cả các lĩnh vực; đạt và vượt toàn bộ 15/15 chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội; đời sống người dân ngày càng ấm no và hạnh phúc; uy tín và vị thế của đất nước được nâng lên.
Cơ bản đồng tình với những kết quả mà các báo cáo, ý kiến đã chỉ ra, Thủ tướng nhấn mạnh thêm 3 thành tựu, kết quả nổi bật của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn.
Thứ nhất, việc phòng, chống và khắc phục hậu quả bão số 3, đặc biệt là việc tham mưu, tổ chức, thực hiện điều tiết, vận hành, bảo đảm an toàn hồ đập như hồ thủy điện Thác Bà, Hòa Bình; nhanh chóng ổn định tình hình nhân dân, không để ai bị đói rét, thiếu nhà ở, học sinh thiếu trường lớp; nhanh chóng khôi phục sản xuất sau bão.
Thứ hai, ngành đã khẳng định tinh thần "biến không thành có, biến khó thành dễ, biến không thể thành có thể", trước những khó khăn do đứt gãy thị trường, thiên tai, bão lụt...
Thứ ba, ngành đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số để ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ...
Cũng theo Thủ tướng, ngành nông nghiệp đã bảo đảm lương thực thực phẩm, góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội.