Tập đoàn đa ngành VIC (-2,7%) là mã lấy đi nhiều điểm giảm nhất trong ngày trong khi công ty con của Vingroup là VHM (-1,1%) và VRE (-2,8%) đều giảm.
GAS (-3,5%) đã giảm 5% trong 2 phiên giao dịch gần nhất. * Nhiều mã ngân hàng giảm điểm, bao gồm BID (-3,6%), VCB (-1,5%), CTG (-3,8%), VPB (-4,0%) và TCB (-3,0%), cùng một số mã khác.
MSN (-3,0%) kết thúc chuỗi tăng 2 phiên liên tiếp.
Ở chiều tích cực, BCM (+6,9%) tăng mạnh trong tuần giao dịch thứ hai trên sàn HOSE. Ngoài ra, mã đầu tư BĐS PDR (+6,9%) đã tăng mạnh 15,2% trong 4 phiên giao dịch gần nhất.
Dựa theo báo cáo phân tích một số cổ phiếu đáng quan tâm trước phiên 26/8 của một số công ty chứng khoán. Chúng tôi xin trích lược lại như sau:
Cổ phiếu TIG: Tín hiệu tích cực
Theo BSC, TIG vẫn đang ở trong trạng thái hồi phục từ đầu tháng 8 đến nay sau khi đã có sự điều chỉnh mạnh vào cuối tháng 7.
Thanh khoản cổ phiếu trong những phiên gần đây duy trì giá trị ổn định. Các chỉ báo kỹ thuật hiện đều đang ở trong trạng thái tích cực.
Trong phiên 7/9, các đường EMA đã tạo Golden Cross nên đây có thể là tín hiệu tích cực cho thấy cổ phiếu có thể duy trì đà tăng trong những phiên tới. Ngưỡng hỗ trợ gần nhất của TIG nằm tại khu vực 6.5-6.7. Mục tiêu chốt lãi của cổ phiếu nằm tại xung quanh giá 7.4, cắt lỗ nếu ngưỡng 6.3 bị xuyên thủng.
KBSV: Khuyến nghị đối với cổ phiếu VJC
Kết thúc phiên giao dịch ngày 7/9, cổ phiếu VJC giảm -0.6% xuống 24,500 VNĐ/cổ phiếu.
VJC thông báo khôi phục các đường bay nội địa đến và đi từ Đà Nẵng trong bối cảnh dịch bệnh được kiểm soát tốt. Cụ thể, từ ngày 8/9/2020, VJC sẽ khai thác trở lại các đường bay Đà Nẵng – Hà Nội và Đà Nẵng – TP HCM với tần suất 1 chuyến khứ hồi/chặng/ngày.
VCSC: Khuyến nghị đối với cổ phiếu PTB
Theo CTCP Phú Tài (PTB), hỏa hoạn bùng phát tại nhà máy sản xuất gỗ nội thất Thắng Lợi tại Bình Định và làm cháy nhà kho cũng như các thành phẩm kèm vào ngày 04/09/2020. Tuy nhiên, các nhà xưởng và kho khác không bị ảnh hưởng. Theo ban lãnh đạo, nhà kho bị thiệt hại có diện tích 6.000 m2 so với diện tích toàn bộ nhà máy là 85.853 m2 và tổng diện tích 307.000 m2 của mảng nội thất gỗ của PTB.
PTB hiện đang đánh giá giá trị hàng tồn kho bị thiệt hại và đang thực hiện hồ sơ bồi thường với các công ty bảo hiểm, ban lãnh đạo công ty cho biết. Trong khi đó, nhà máy Thắng Lợi đã quay trở lại hoạt động từ ngày 06/09. PTB hiện đang phân bổ lại sản xuất và các đơn hàng xuất khẩu nhằm tối thiểu hóa các gián đoạn kinh doanh nếu có.
VCSC hiện đang có khuyến nghị MUA dành cho PTB với giá mục tiêu 66.000 đồng/CP, tương ứng với tổng mức sinh lời dự phóng 39,8%, bao gồm lợi suất cổ tức 5,1%, dựa theo giá đóng cửa 7/9.
MBS: Khuyến nghị đối với cổ phiếu TCM
MBS khuyến nghị NẮM GIỮ đối với cổ phiếu TCM với giá mục tiêu 12 tháng khoảng 24.300 đồng trên cơ sở (i) Là một trong số ít trong số các doanh nghiệp có chuỗi sản xuất hoàn thiện sợi-dệt-nhuộm-may, TCM tự cung cấp nguồn vải cho sản xuất và giảm phụ thuộc nhập nguồn nguyên liệu từ bên ngoài, (ii) Thị trường xuất khẩu đa dạng, phân bố đều ở Hoa Kỳ (22%), Nhật Bản (21%) và Hàn Quốc (27%) giúp hạn chế tác động suy giảm của đơn hàng và khả năng cam kết thực hiện đơn hàng của đối tác, (iii) Ưu đãi về thuế từ hiệp định CPTPP và EVFTA sẽ là động lực tăng trưởng giá trị xuất khẩu may mặc của TCM và mở rộng xuất khẩu sang châu Âu nhất là khi doanh nghiệp đã có lợi thế chuỗi sản xuất sợi-dệt-nhuộm-may hoàn thiện.
Giá mục tiêu tương ứng P/E forward khoảng 9,6 lần (theo EPS 2021E khoảng 2.519 đồng).
TCM cho biết doanh thu tháng 8 đạt 13,7 triệu USD, tương đương khoảng 315 tỷ đồng, giảm 6% so với tháng 8/2019. Tuy nhiên lợi nhuận sau thuế ước đạt 1 triệu USD (23 tỷ đồng), cao hơn 41% cùng kỳ năm trước, nhưng giảm 21,5% so với tháng trước. Đây là tháng thứ 2 liên tiếp TCM ghi nhận lợi nhuận giảm theo tháng do DN không có đơn hàng khẩu trang.
Mặc dù vậy, đại diện DN chia sẻ đơn hàng truyền thống đang ghi nhận phục hồi khá tốt khi giá trị đơn hàng trong Q3 đã cải thiện hơn so với quý trước trong khi DN đã nhận được 80% đơn hàng truyền thống trong Q4 và chưa có đơn hàng khẩu trang.
Lũy kế 8 tháng, doanh thu công ty đạt 102 triệu USD (2.346 tỷ đồng), thực hiện 63% kế hoạch năm và giảm 4% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế đạt 7 triệu USD (161 tỷ đồng), thực hiện 88% kế hoạch năm và tăng 3% so với cùng kỳ năm trước.
Theo chia sẻ từ phía DN, TCM hiện đang ghi nhận khoảng 10% tổng doanh thu may mặc xuất khẩu sang thị trường châu Âu. Các mặt hàng này của DN hiện chịu mức thuế bình quân 12,5%, do đó khi hiệp định EVFTA trở nên có hiệu lực từ 1/8/2020, lợi thế cạnh tranh các sản phẩm của TCM sẽ được cải thiện đáng kể. Với lợi thế quy trình sản xuất khép kín, DN đặt mục tiêu xuất khẩu vào EU sẽ tăng 30-50% trong vài năm tới.
Bên cạnh đó, yêu cầu về quy tắc xuất xứ “2 công đoạn” (từ vải trở đi) sẽ giúp TCM hưởng lợi ở mảng sản xuất vải khi 50% sản lượng vải do DN sản xuất được tiêu thụ tại thị trường nội địa. Theo đó, ngoài để đáp ứng nhu cầu nội bộ, lượng vải còn lại sẽ được các DN trong nước tiêu thụ nhằm hưởng ưu đãi thuế quan khi xuất khẩu vào thị trường châu Âu.
Để hiện thực hóa cơ hội từ EVFTA, TCM đã xây dựng một nhà máy nhuộm vải ở KCN Hòa Phú, Vĩnh Long với hơn 1.500 lao động. Ước tính mỗi năm, nhà máy này cung ứng số lượng vải đủ cho nhu cầu sản xuất của Công ty. Ngoài ra, DN dự kiến cũng sẽ mở thêm một nhà máy nữa tại miền Tây để có thể tăng tính tự chủ nguyên liệu trong sản xuất.
Năm 2020, TCM dự kiến đầu tư thêm nhà máy may số 2 tại Vĩnh Long với tổng mức đầu tư 120 tỷ đồng nhằm mở rộng công suất phục vụ việc mở rộng thị trường tiềm năng khi các Hiệp định mới có hiệu lực (CPTPP và EVFTA). Thời gian khởi công dự kiến trong Q4 2020 với thời gian thi công từ 6-8 tháng.
Nhà đầu tư chỉ nên xem những phân tích của các công ty chứng khoán là nguồn thông tin tham khảo. Các công ty chứng khoán đều có khuyến cáo miễn trách nhiệm đối với những nhận định trên. KTDU và tác giả không chịu trách nhiệm về các thiệt hại phát sinh (nếu có) liên quan đến nội dung được đăng tải.
Tú Thành