Phát triển kinh tế gắn liền với bảo tồn văn hóa nơi miền Tây xứ Nghệ

Những năm gần đây, mô hình du lịch cộng đồng tại Miền Tây Nghệ An được chú trọng phát triển, mang lại những chuyển biến tích cực không chỉ về kinh tế mà còn trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống.

Khôi phục và phát huy văn hóa bản địa

Miền Tây Nghệ An, với cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ, ẩm thực đặc sắc và nền văn hóa đậm đà bản sắc, đang ngày càng khẳng định vị thế là điểm đến lý tưởng cho du khách trong và ngoài nước.

Những giá trị văn hóa truyền thống dần được tái hiện lại trong đời sống hàng ngày của người dân
Những giá trị văn hóa truyền thống dần được tái hiện lại trong đời sống hàng ngày của người dân

Một minh chứng rõ nét cho sự thành công của mô hình này là bản Hoa Tiến (xã Châu Tiến, huyện Quỳ Châu). Là một cộng đồng người Thái cổ, Hoa Tiến từng đứng trước nguy cơ mai một các giá trị văn hóa truyền thống do ảnh hưởng của lối sống hiện đại. Tuy nhiên, từ năm 2014, khi địa phương chọn nơi đây làm điểm phát triển du lịch cộng đồng, những giá trị văn hóa đặc sắc của người Thái đã được hồi sinh mạnh mẽ.

Nghề dệt thổ cẩm được khôi phục nhằm giúp du khách hiểu thêm về những giá trị văn hóa thể hiện trên những sản phẩm thủ công
Nghề dệt thổ cẩm được khôi phục nhằm giúp du khách hiểu thêm về những giá trị văn hóa thể hiện trên những sản phẩm thủ công

Nhằm bảo tồn bản sắc, các ngôi nhà sàn truyền thống được gìn giữ, nghề dệt thổ cẩm được khôi phục, cùng với những làn điệu dân ca, điệu múa truyền thống tiếp tục được duy trì. Người dân bản Hoa Tiến không chỉ gìn giữ văn hóa mà còn trở thành những hướng dẫn viên nhiệt huyết – những "đại sứ văn hóa" góp phần quảng bá hình ảnh dân tộc mình đến với bạn bè gần xa.

Tạo dựng giá trị kinh tế bền vững

Chị Lương Thị Nga một du khách lần đầu được trải nghiệm ngồi bên khung cửi để dệt ra những sản phẩm thổ cẩm tinh xảo
Chị Lương Thị Nga một du khách lần đầu được trải nghiệm ngồi bên khung cửi để dệt ra những sản phẩm thổ cẩm tinh xảo

Bà Lô Thị Nga, người dân bản Hoa Tiến, chia sẻ: 100% cư dân nơi đây là người Thái. Nhờ phát triển du lịch cộng đồng, đời sống người dân ngày càng khấm khá, đồng thời các giá trị văn hóa cũng được bảo tồn, phát triển. Nghề dệt thổ cẩm truyền thống – vốn từng mai một – nay đã hồi sinh mạnh mẽ, trở thành nguồn thu ổn định cho nhiều hộ dân. Những sản phẩm thổ cẩm thủ công tinh xảo không chỉ phục vụ sinh hoạt mà còn là món quà lưu niệm ý nghĩa, thu hút sự yêu thích từ du khách.

Du khách đến Hoa Tiến được tận mắt chứng kiến quy trình dệt thổ cẩm ngay tại nhà, chiêm ngưỡng đôi bàn tay khéo léo của những cô gái Thái bên khung cửi – hình ảnh dung dị nhưng đầy cuốn hút, để lại ấn tượng khó quên.

Nhiều hoạt động văn hóa khác nhau được tái hiện lại tại bản Hoa Tiến
Nhiều hoạt động văn hóa khác nhau được tái hiện lại tại bản Hoa Tiến

Chị Lô Thị Luân, một người dân trong bản, cho biết: “Du lịch cộng đồng không chỉ giúp gìn giữ nghề dệt thổ cẩm mà còn khiến thế hệ trẻ hiểu và trân trọng di sản văn hóa của dân tộc. Giờ đây, nghề dệt không chỉ phục vụ nhu cầu sinh hoạt mà còn trở thành sản phẩm du lịch đặc sắc, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.”

Không chỉ dừng lại ở đó, bản Hoa Tiến còn thành lập Câu lạc bộ Bảo tồn văn hóa Thái với 38 thành viên, chuyên tổ chức các hoạt động gìn giữ và phát huy làn điệu dân ca Thái như hát Nhuôn, hát Suối, hát Lăm... Những hoạt động này không chỉ bảo tồn văn hóa, mà còn trở thành sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.

Những dụng cụ của người Thái cổ sử dựng được tái hiện và lưu giữ nơi đây
Những dụng cụ của người Thái cổ sử dựng được tái hiện và lưu giữ nơi đây

Du khách Lương Thị Nga, trong chuyến tham quan bản, xúc động chia sẻ: “Người dân ở đây rất thân thiện, mến khách. Đến đây, chúng tôi không chỉ được tìm hiểu những nét văn hóa độc đáo của đồng bào Thái, mà còn hiểu thêm về sự đa dạng, phong phú trong bản sắc văn hóa của 54 dân tộc anh em trên đất nước Việt Nam. Các hoạt động như múa sạp, hát Lăm mang lại trải nghiệm thú vị, khó quên.”

Hướng tới phát triển du lịch bền vững

Đến đây du khách có những trải nghiệm thú vị
Đến đây du khách có những trải nghiệm thú vị

Phát triển du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn văn hóa dân tộc được xác định là một trong ba khâu đột phá trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của huyện Quỳ Châu nhiệm kỳ 2020–2025. Dù còn nhiều khó khăn về nguồn lực, huyện đang tích cực đầu tư vào các điểm du lịch trọng điểm như khu Chiêng Lam, di tích Chiêng Bua… nhằm nâng cao trải nghiệm cho du khách.

Đặc biệt, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Nghệ An đang triển khai xây dựng Trung tâm bảo tồn văn hóa Thái tại bản Hoa Tiến với tổng vốn đầu tư 15 tỷ đồng. Dự án này kỳ vọng sẽ mở ra hướng đi mới cho du lịch cộng đồng khu vực miền Tây Nghệ An, tạo đà phát triển bền vững trong tương lai.

Tại các địa phương như Con Cuông, Quỳ Châu, việc đầu tư cho du lịch cộng đồng không chỉ đơn thuần là phát triển kinh tế mà còn là hành trình gìn giữ và lan tỏa văn hóa truyền thống. Dù mô hình vẫn đang trong giai đoạn sơ khai và chưa được đầu tư bài bản, nhưng những thành quả bước đầu đã cho thấy tiềm năng to lớn, mở ra nhiều triển vọng trong những năm tới.

Diễm Phước