Phú Thọ: Để cây chè phát triển an toàn, hiệu quả vượt qua đại dịch

Không nhộn nhịp như trước, từ khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát và diễn biến phức tạp, hoạt động sản xuất, kinh doanh chè tại các địa phương trên địa bàn tỉnh Phú Thọ có phần trầm lắng hơn. Nhưng rồi, “lửa thử vàng, gian nan thử sức”, các địa phương trong tỉnh đang dần thích ứng, chuẩn bị các điều kiện để hồi phục trong bối cảnh dịch bệnh dần được kiểm soát.

Sản xuất nông nghiệp bền vững “vượt bão” Covid-19

Theo thống kê của ngành Nông nghiệp, chè là nông sản chịu ảnh hưởng trực tiếp từ đại dịch Covid-19 khi thị trường bị đứt gãy, giá cước tăng cao, giá chè xuống thấp, tiêu thụ chậm. Thời gian vừa qua, huyện Thanh Sơn (Phú Thọ) đã chủ động thích ứng với dịch bệnh, tìm hướng đi mới, phù hợp, hướng tới nền sản xuất nông nghiệp bền vững để vượt qua khó khăn do dịch Covid-19 gây ra.

Với diện tích trên 2.500ha, cây chè được xác định là cây trồng mũi nhọn của huyện Thanh Sơn, vì vậy huyện đã tích cực tuyên truyền, hướng dẫn quy trình để nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) trên cây chè an toàn, hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng nông sản, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, môi trường sinh thái, từng bước hướng tới nền sản xuất nông nghiệp bền vững. Trước khó khăn từ dịch bệnh Covid-19, người làm chè tại Thanh Sơn đã phát huy được sự hợp tác trách nhiệm, tình đoàn kết để đi qua mùa dịch.

Phú Thọ: Để cây chè phát triển an toàn, hiệu quả vượt qua đại dịch - Ảnh 1

Theo đó, để giảm thiểu mối nguy hại từ sử dụng thuốc BVTV hóa học, tăng hiệu quả sản xuất chè, những năm qua, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật triển khai nhiều mô hình ứng dụng quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) tại huyện Thanh Sơn, trong đó đã triển khai áp dụng mô hình trên cây chè với diện tích 3ha tại xã Sơn Hùng. Việc áp dụng biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp IPM cho thấy cây chè sinh trưởng và phát triển tốt, khả năng chống chịu sâu bệnh cao. So với tập quán canh tác lâu năm của người dân địa phương, mô hình ứng dụng quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) trên cây chè bật búp nhiều hơn, búp chè mập, tỉ lệ sâu bệnh hại thấp hơn, đặc biệt số lần sử dụng thuốc BVTV giảm một nửa so với tập quán canh tác cũ, qua đó góp phần bảo vệ môi trường và sức khỏe người trồng chè. Thông qua mô hình sẽ mở ra hướng đi mới trong phát triển nông nghiệp, góp phần đưa sản xuất nông nghiệp của huyện Thanh Sơn phát triển theo hướng nông nghiệp sạch và bền vững. 

Nhận thấy hiệu quả từ mô hình IPM, hàng năm huyện Thanh Sơn phối hợp với các ngành chuyên môn, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật cho bà con về đảm bảo quy trình phun, sử dụng thuốc BVTV cho cây chè an toàn, hiệu quả. Nông dân sản xuất chè cũng chủ động tìm hiểu và áp dụng biện pháp phòng trừ tổng hợp (IPM), do đó, lượng thuốc hóa học sử dụng đã giảm đáng kể.

Bên cạnh đó, huyện Thanh Sơn cũng khuyến khích bà con thực hiện thâm canh trong sản xuất chè để cải tạo, nâng cao năng suất, sản lượng, chất lượng chè búp tươi đáp ứng nhu cầu cho chế biến trong nước và xuất khẩu. Áp dụng đồng bộ các giải pháp như lựa chọn giống, trồng cây che bóng đúng kỹ thuật, bón phân, tưới nước... Chỉ phun thuốc BVTV khi tỉ lệ bệnh, mật độ sâu đến ngưỡng với các loại thuốc BVTV có trong danh mục thuốc được phép sử dụng ở Việt Nam và sử dụng thuốc BVTV theo nguyên tắc bốn đúng. 

Phú Thọ: Để cây chè phát triển an toàn, hiệu quả vượt qua đại dịch - Ảnh 2

Thực tế hiện nay người trồng chè đã thay đổi căn bản trong nhận thức và ý thức sử dụng thuốc BVTV. Bởi lẽ nếu không sử dụng đúng cách thì người phải chịu hậu quả trước tiên là người làm chè khi hàng ngày phải tiếp xúc với cây chè, đồng thời nếu chè có dư lượng thuốc BVTV vượt ngưỡng cho phép thì các cơ sở chế biến sẽ không thu mua và chè không xuất khẩu được, điều này cũng đồng nghĩa với việc người nông dân sẽ không có thu nhập. 

Gia đình bà Hoàng Thị Thơm ở khu Mật 1, xã Văn Miếu (Thanh Sơn, Phú Thọ) có trên 1ha chè là nguồn thu nhập chính của gia đình. Bà Thơm cho biết: “Trước đây, khi chưa được tập huấn nên đôi khi tôi sử dụng thuốc BVTV không theo nguyên tắc bốn đúng: Đúng thuốc, đúng lúc, đúng nồng độ, liều lượng và đúng cách, nhưng nay thì khác, sau khi đốn cành chè xong tôi mới phun thuốc, đợi đủ thời gian cách ly mới tiến hành thu hoạch, tôi đã có ý thức để đảm bảo quy trình sản xuất và không phun thuốc ngoài danh mục”.

Đối với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, HTX, để đảm bảo an toàn cho sản phẩm xuất khẩu và người lao động, trong quá trình sử dụng thuốc BVTV ghi chép đầy đủ nhật ký, các thông tin khi sử dụng thuốc BVTV trong sản xuất chè; tổ chức thu gom, tiêu hủy vỏ bao bì thuốc BVTV sau sử dụng theo quy định. Đến nay, số hộ nông dân sản xuất hiểu biết và áp dụng IPM đã tăng lên đáng kể; lượng thuốc hóa học trừ sâu bệnh giảm. Với những mô hình chè IPM đều cho năng suất cao hơn trên 7.000 kg/ha, nâng cao hiệu quả kinh tế cho bà con nông dân trên 24 triệu đồng/ha/năm.

Thông tin trước báo chí, ông Kiều Đức Mạnh, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thanh Sơn (Phú Thọ) cho biết: Thời gian tới, huyện tiếp tục phối hợp với các địa phương tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn đến người dân, các hộ trồng chè, các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhận thức đúng, sử dụng các loại thuốc BVTV đúng quy định. Bên cạnh đó, khuyến khích các xã, thị trấn và các công ty thành lập tổ BVTV nhằm kiểm soát tốt hơn việc sử dụng thuốc BVTV trên cây trồng; tổ chức áp dụng các quy trình sản xuất chè an toàn theo hướng VietGAP, đảm bảo khả năng truy suất nguồn gốc, góp phần nâng cao thu nhập, an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng.

Phát triển sản xuất gắn với xây dựng thương hiệu

Trong những năm qua, xã Yên Kỳ, huyện Hạ Hòa (Phú Thọ) đã chú trọng phát triển diện tích cây chè gắn với việc xây dựng thương hiệu chè xanh đặc sản. Cách làm này đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân.

Được biết, trong quá trình trồng và chăm sóc chè, người dân xã Yên Kỳ (Hạ Hòa, Phú Thọ) đã chủ động áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, thay thế diện tích chè đã già cỗi bằng những giống chè cho năng suất cao như LDP1, LDP2. Đây là các giống chè sinh trưởng, phát triển tốt, búp mập, đều và thời gian thu hoạch cũng nhanh hơn so với các giống chè cũ. Xã cũng khuyến khích các hộ dân sử dụng máy hái, cắt chè để giảm sức lao động trong khi thu hoạch.

Đến nay, trên địa bàn toàn xã Yên Kỳ có trên 800 hộ dân trồng chè với diện tích hơn 600ha. Năng suất bình quân đạt 10 tấn/ha. Cây chè trở thành cây trồng mũi nhọn trong xóa đói, giảm nghèo, giúp người dân Yên Kỳ có thu nhập ổn định, nhiều hộ dân vươn lên làm giàu từ cây chè.

Người dân Yên Kỳ thu hái chè.
Người dân Yên Kỳ thu hái chè - Ảnh: Dân tộc & Phát triển.

Trên địa bàn xã Yên Kỳ hiện có 59 cơ sở chế biến nhỏ lẻ. Nhiều hộ gia đình chủ yếu sản xuất, cung cấp chè búp tươi, phục vụ chế biến chè đen, xuất khẩu. Để nâng cao giá trị cho vùng chè, năm 2017, huyện Hạ Hòa triển khai Dự án Hỗ trợ tạo lập, quản lý khai thác nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm chè xanh Yên Kỳ. Qua 2 năm triển khai Dự án, người trồng chè ở Yên Kỳ đã được tập huấn kỹ thuật sản xuất, chế biến chè xanh bảo đảm chất lượng an toàn. Bên cạnh đó, xã cũng thiết kế thành công bộ nhận diện thương hiệu và lập hồ sơ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa.

Năm 2019, UBND huyện Hạ Hòa cũng đã tổ chức Lễ công bố và trao bằng công nhận nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm chè xanh xã Yên Kỳ. Việc sản phẩm chè xanh Yên Kỳ được Cục Sở hữu trí tuệ trao giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể đã góp phần khẳng định giá trị sản phẩm đặc trưng của địa phương; đồng thời giới thiệu, quảng bá sản phẩm đến với thị trường. Qua đó giúp người trồng chè đẩy mạnh việc tiêu thụ sản phẩm, nâng cao thu nhập.

Hiện nay, người dân xã Yên Kỳ đã tạo ra các sản phẩm chè nổi tiếng như chè búp, chè nõn tôm, chè đinh, chè móc câu. 

Cây chè ở xã Yên Kỳ (Hạ Hòa, Phú Thọ) đang được đầu tư để mở rộng diện tích. Việc trồng chè gắn với xây dựng, quảng bá thương hiệu chè xanh đã tạo cơ hội, động lực để người nông dân nơi đây mở rộng diện tích cây chè, đầu tư chăm sóc để tạo ra sản phẩm chè sạch cung cấp ra thị trường, từng bước vượt qua khó khăn do dịch Covid-19 gây ra.

* Bài viết tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.