Ông Nguyễn Hữu Việt Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Đào Xá cho biết, xã có 19 khu dân cư, thì có 08 khu dân cư người dân có nghề phụ là nuôi con tằm ăn lá sắn, với 637 hộ gia đình. Việc nuôi tằm ăn lá sắn để bán làm thực phẩm đã có từ năm 2007, song được phát triển mạnh trong vòng 7-10 năm gần đây. Các khu dân cư nuôi tằm gồm có khu 8, 9,10,11, 12 và khu 17,18,19. Sản lượng tằm thương phẩm bình quân hàng năm khoảng 300 tấn, với giá thành bình quân 70 ngàn đồng /1kg, đã đem lại nguồn thu cho người dân địa phương mỗi năm là 21 tỷ đồng.
Nhận thấy việc chăn nuôi tằm có giá trị kinh tế cao, tận dụng được đất trống, đồi trọc để trồng cây sắn lấy lá, tranh thủ được lao động nhàn rỗi, nên Đảng ủy, UBND xã Đào Xá đã hướng dẫn bà con nông dân thành lập 02 tổ hợp tác sản xuất ở khu 11 và khu 17, mỗi tổ có 18- 20 hộ gia đình nhằm đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau phát triển sản xuất con tằm với quy mô tập trung và tìm cách nhân rộng mô hình này. Xã Đào Xá đã vận động người dân cải tạo vườn tạp, bỏ những cây trồng kém hiệu quả lấy đất trồng cây sắn nuôi tằm, mỗi năm phấn đấu tăng thêm diện tích cây sắn lên 10-15 ha. Hiện tại toàn xã đã có khoảng 100 ha/900 ha đất đồi rừng được sử dụng trồng cây sắn nuôi tằm, mặt khác xã đã đề nghị ngân hàng cho người dân vay vốn để làm lán trại chăn nuôi, mua phân bón trồng cây sắn, cải tạo đất...Hiện tại mới được ngân hàng CSXH giải ngân cho vay 650 triệu đồng.
Chúng tôi đến khu dân cư 11 xã Đào Xá, gặp lúc ông Trần Quang Đạo, Chi ủy viên,Trưởng ban công tác mặt trận đang trao đổi công việc với ông Nguyễn Văn Lập, cựu Chủ tịch xã Đào Xá, hiện là Bí thư Chi bộ khu 11, ông Lập đánh giá cao hiệu quả kinh tế của việc nuôi tằm ăn lá sắn và mong muốn ngân hàng huyện hỗ trợ cho người dân được vay vốn ưu đãi nhiều hơn nữa để phát triển sản xuất, đồng thời ông cũng đề nghị cơ quan khuyến nông, phòng nông nghiệp huyện Thanh Thủy quan tâm giúp đỡ người dân xử lý tình trạng trạng cây sắn nuôi tằm, năm nào cũng bị héo, chết rũ hàng loạt mà chưa rõ nguyên nhân, khi nhổ lên thì thấy cây bị ủng thối từ gốc, gây thiệt hại lớn cho người lao động.
Ông Đạo và ông Nguyễn Sơn Hải, Trưởng khu dân cư số 11 cùng tôi đến hộ gia đình ông Nguyễn Văn Hùng, là hộ chăn nuôi tằm lâu năm, ông Hùng cho biết, gia đình ông nuôi tằm từ lâu, nhưng từ năm 2014 bắt đầu nuôi nhiều, mỗi năm thu trên 2,5 tấn tằm thương phẩm, trừ chi phí cũng còn thu được từ 150 -200 triệu đồng.Trong xóm gia đình ông Hùng ở hiện tại có 39/40 hộ gia đình chăn nuôi tằm, con tằm đã trở thành vật nuôi chủ lực của người dân trong xóm, nhiều nhà có của ăn, của để nhờ nuôi tằm. Gia đình ông Hùng cũng nhờ nuôi con tằm lá sắn mà mua được ô tô tải và máy xúc trị giá trên 800 triệu đồng làm phương tiện cho con trai lao động, phục vụ người dân địa phương, ổn định cuộc sống.
Đến thăm hộ gia đình ông Nguyễn Bình Sơn, cũng ở khu 11, gặp lúc bà Bùi Thị Mai vợ ông Sơn và con trai đang thu hoạch tằm để chuẩn bị xuất bán cho thương lái, gia đình ông bà Sơn, Mai đã gắn bó với con tằm từ hơn chục năm nay, mỗi năm gia đình nuôi gối nhau được tới 25 -30 lứa tằm và xuất bán được chừng 2,5 -3,0 tấn tằm thương phẩm, trừ chi phí cũng thu được 2-3 trăm triệu đồng. Căn nhà gia đình ông bà Sơn, Mai mới làm năm 2022, trị giá 1,5 tỷ đồng phần lớn cũng là nhờ nuôi tằm mà có được.
Ông Lập, ông Đạo và ông Hải, những cán bộ cốt cán ở khu dân cư, hiện nay mức lương và phụ cấp rất thấp, cũng nhờ có kết hợp nuôi con tằm mà họ có thêm thu nhập để yên tâm công tác phục vụ nhân dân.
Người dân địa phương mong muốn thời gian tới lãnh đạo xã Đào Xá tập trung chỉ đạo người dân địa phương đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi, nhân rộng mô hình HTX chăn nuôi tằm ăn lá sắn trên phạm vi toàn xã, hỗ trợ nguồn vốn, duy trì đảm bảo đầu ra ổn định để người dân yên tâm, phấn khởi sản xuất, cải thiện đời sống, góp phần xây dựng xã Đào Xá không ngừng đổi mới và phát triển.
Trường Sơn - Minh Đông/ VPTB