Phú Vang (Thừa Thiên-Huế): Nâng cao hiệu quả trong nuôi trồng thủy sản

Vừa qua, lãnh đạo huyện Phú Vang cùng Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT); các ngành chức năng đã đến thăm cũng như kiểm tra, quan trắc nguồn nước của các hộ nuôi trồng thủy sản tại các xã Phú Thuận, Phú Diên và Vinh Thanh.

Theo báo cáo của các chính quyền địa phương và phản ánh của người dân các xã Phú Thuận, Phú Diên, Vinh Thanh, trong thời gian qua, một số hộ nuôi trồng thủy sản trên đầm phá xảy ra tình trạng cá, tôm chết do nguồn nước nuôi không đảm bảo, gây thiệt hại lớn cho người dân. Để tìm hiểu nguyên nhân và có các giải pháp bảo vệ môi trường trong nuôi trồng thủy sản ở vùng đầm phá có hiệu quả. Bí thư Huyện ủy Trần Gia Công cùng lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường đã đến thăm các hộ nuôi trồng thủy sản ở khu vực thôn Xuân An, Tân An của xã Phú Thuận; khu vực Kế Sung xã Phú Diên; khu vực Đông Am xã Vinh Thanh.

Bí thư Huyện ủy Trần Gia Công cùng lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường đã đến thăm các hộ nuôi trồng thủy sản...
Bí thư Huyện ủy Trần Gia Công cùng lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường đã đến thăm các hộ nuôi trồng thủy sản...
Phú Vang (Thừa Thiên-Huế): Nâng cao hiệu quả trong nuôi trồng thủy sản - Ảnh 1

Tại buổi làm việc, Trung tâm quan trắc Tài nguyên và môi trường (Sở TN&MT) cũng đã lấy mẫu nước để quan trắc môi trường tại các hồ nuôi của người dân bị thiệt hại trong thời gian gần đây và các khu vực lân cận. Trước mắt, để các loại thủy sản nuôi đạt hiệu quả, cơ quan chức năng khuyến cáo người dân cần sử dụng các biện pháp quạt khí, sục khí nhằm tăng cường hàm lượng oxy hòa tan khi có hiện tượng oxy thấp dưới ngưỡng cho phép. Đối với các lồng nuôi đã đạt kích cỡ thương phẩm nên tiến hành thu hoạch sớm nhằm tránh thiệt hại.

Bí thư Huyện ủy yêu cầu Phòng Nông nghiệp và PTNT, các địa phương phối hợp với các ngành chức năng của tỉnh tiến hành kiểm tra, nắm bắt tình hình để hướng dẫn bà con chủ động vệ sinh làm thoáng mặt lồng nuôi; chú ý đến khoảng cách và mật độ nuôi; hướng dẫn người dân sử dụng các biện pháp làm sạch nguồn nước nuôi và thực hiện các biện pháp phòng trị bệnh theo sự hướng dẫn của cơ quan chuyên môn; xác định nguyên nhân gây bệnh từ đó đề xuất các biện pháp xử lý phù hợp; khuyến cáo người dân tiến hành nuôi tại những khu vực nằm trong quy hoạch đã được cấp trên phê duyệt; rà soát lại tất cả các điểm nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện, tiến hành quan trắc, kịp thời có biện pháp, giải pháp để người nuôi yên tâm trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, các địa phương cần tiếp tục theo dõi, báo cáo kịp thời với cơ quan chức năng để có giải pháp hiệu quả nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại cho các hộ nuôi trên đầm phá, đồng thời tham mưu cho huyện các biện pháp bảo vệ môi trường bền vững, quản lý và xử lý vấn đề xả thải ra môi trường của các hộ nuôi, đặc biệt tại các vùng nuôi tập trung cần có giải pháp quản lý đối với vấn đề ngăn chặn các hành vi xả chất thải, nước thải nhiễm bệnh trong các ao nuôi có dịch bệnh ra môi trường nước làm lây lan nguồn bệnh cho các hộ nuôi trồng thủy sản trong khu vực lân cận.

Bí thư Huyện ủy cũng đề nghị Sở TN&MT thường xuyên quan tâm đến việc quan trắc môi trường trên địa bàn huyện nói chung và tại các khu vực mà người dân phản ánh nói riêng để giúp phát hiện những yếu tố có nguy cơ tác động xấu đến môi trường nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện để từ đó cảnh báo, hướng dẫn người nuôi thực hiện các biện pháp xử lý và khắc phục cần thiết; giúp người nuôi nâng cao hiệu quả sản xuất, từng bước giúp địa phương chủ động trong công tác quản lý, chỉ đạo sản xuất nuôi trồng thủy sản, phòng chống dịch bệnh và giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong nuôi trồng thủy sản.

Ngoài ra, các ngành chức năng của huyện phối hợp chặt chẽ với các địa phương nhằm tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến lịch thời vụ, hướng dẫn kỹ thuật, cảnh báo môi trường; tổ chức các lớp tập huấn ứng dụng khoa học kỹ thuật, nâng cao trình độ nuôi trồng thủy sản; quản lý môi trường ao nuôi theo hướng an toàn sinh học./.

Bùi Quốc Dũng