Thực hiện Nghị quyết 132/NQ - CP ngày 27 tháng 3 năm 2013 của Chính phủ về việc điều chỉnh địa giới hành chính huyện Từ Liêm thành 02 quận và 23 phường trong đó xã Cổ Nhuế chia thành phường Cổ Nhuế 1 và phường Cổ Nhuế 2.
Phường Cổ Nhuế 1 nằm ở phía đông quận Bắc Từ Liêm, có vị trí phía đông giáp phường Xuân Tảo và quận Cầu Giấy; phía tây giáp phường Phú Diễn; phía nam giáp quận Cầu Giấy; phía bắc giáp phường Cổ Nhuế 2 và Xuân Đỉnh.
Phường Cổ Nhuế 1 có các tuyến đường chính: đường Phạm Văn Đồng, đường Hoàng Quốc Việt, đường Trần Cung, đường Đặng Thùy Trâm, đường Phạm Tuấn Tài để đi vào nội thành.
Các tuyến đường quan trọng sẽ mở mới tại Phường Cổ Nhuế 1 theo quy hoạch trong thời gian tới
1. Đường nối Phạm Văn Đồng với Khu đô thị Tây Hồ Tây
Theo quy hoạch, tuyến đường nối Phạm Văn Đồng với Khu đô thị Tây Hồ Tây thuộc địa bàn phường Cổ Nhuế 1 có chiều dài khoảng 800m.
Trên thực tế, đây là tuyến đường nối đường số 23 của Khu đô thị TP Giao lưu qua đường Phạm Văn Đồng, Trần Cung và hướng về Khu đô thị Tây Hồ Tây.
Đây là tuyến đường được kì vọng kết nối các khu đô thị hai bên đường Phạm Văn Đồng cũng như thêm tuyến đường vào Khu đô thị Tây Hồ Tây thay vì Võ Chí Công hay Nguyễn Văn Huyên kéo dài... như hiện tại.
Theo ghi nhận thực tế, hiện tại, tuyến đường này đã làm được một đoạn từ Khu đô thị Tây Hồ Tây đến ngõ 354 Trần Cung, gần sông Cầu Đá.
Người dân trong sinh sống gần khu vực nhận thấy tuyến đường chưa tiếp tục thi công nên đã “tận dụng” bề rộng của dải phân cách không được sử dụng để làm thành những vườn rau nhỏ. Có nhiều gia đình cũng tự ý “khai hoang” khoảng đất vỉa hè chưa được sử dụng để làm thành nhiều mảnh vườn.
Theo tìm hiểu của PV, do chưa thu hồi được đất, chưa giải phóng được mặt bằng nên tuyến đường vẫn chưa thể tiếp tục thi công.
Một hộ dân nằm trong diện giải tỏa cho biết, do giá đền bù được chủ đầu tư đưa ra thấp hơn rất nhiều so với giá thị trường nên gia đình bà cùng nhiều hộ dân tại đây chưa đồng ý. Cụ thể, giá thu hồi đất được đưa ra là 27 triệu/m2, trong đó giá thị trường cao hơn gấp đôi nên người dân chưa thể đồng ý cho giải phóng mặt bằng.
2. Đường nối Khu đô thị Tây Hồ Tây với Bệnh viện E
Theo quy hoạch, tuyến đường nối Khu đô thị Tây Hồ Tây với bệnh viện E (Trần Cung) thuộc địa bàn phường Cổ Nhuế 1 chỉ dài khoảng 150m, nhưng đây được xem là tuyến đường kết nối quan trọng vào khu đô thị này cũng như ngược lại với đường Trần Cung và bệnh viện E.
Trên thực tế, tuyến đường này bắt đầu từ ngõ 198 Trần Cung (đối diện bệnh viện E), cắt qua ngõ 208 đến Khu đô thị Tây Hồ Tây. Tuy nhiên, hiện nay tuyến đường này vẫn chưa được thi công.
Tuyến đường này tuy ngắn nhưng giúp kết nối dễ dàng với Khu đô thị trên địa bàn phường Cổ Nhuế 1. Đây cũng là một trong những tuyến đường sẽ mở theo quy hoạch ở phường Cổ Nhuế 1 đáng chú ý.
3. Đường nối Khu đô thị Tây Hồ Tây với Trần Cung
Theo quy hoạch, tuyến đường nối Khu đô thị Tây Hồ Tây với Trần Cung dài khoảng 300m. Tuyến bắt đầu từ Khu đô thị đoạn gần nghĩa trang phường Cổ Nhuế 1 và giao với đường Trần Cung đoạn Đài tưởng niệm liệt sĩ.
Thực tế hiện nay, tuyến đường này cũng chưa được thi công. Hơn nữa, theo quan sát của chúng tôi, tuyến đường quy hoạch sẽ cắt qua một phần diện tích của nghĩa trang phường Cổ Nhuế 1 và nhiều diện tích nhà ở khác.
4. Đường từ Phạm Văn Đồng qua sông Cầu Đá
Đường từ Phạm Văn Đồng qua sông Cầu Đá theo qui hoạch ở phường Cổ Nhuế 1 có chiều dài khoảng 500m. Tuyến bắt đầu từ đoạn gần nút giao đường Phạm Văn Đồng Tây Thăng Long, hướng qua sông Cầu Đá đến tuyến đường nối Phạm Văn Đồng với Khu đô thị Tây Hồ Tây (nêu ở mục 1).
Đây là tuyến đường khá đẹp vì theo quy hoạch giáp tuyến đường có một mảnh đất sẽ được đào hồ.
Có ý kiến cho rằng: Thực tế hiện nay, khi Nhà nước đầu tư công trình hạ tầng (thường là mở đường mới hoặc mở rộng đường cũ) thì giá đất hai bên đường tăng lên rất nhiều lần so với trước. Những người bị thu hồi đất để làm đường thường không được hưởng lợi từ việc mở đường này.
Ngược lại, những người không bị giải phóng mặt bằng bỗng dưng được hưởng một món lợi lớn từ việc giá đất tăng mà không phải đóng một khoản thuế, phí nào. Trong khi đó, Nhà nước bỏ tiền ra làm đường, đầu tư hạ tầng nhưng không có cơ chế để thu lại khoảng chênh lệch khổng lồ này.
Tú Thành