Theo số liệu từ ngành chức năng được biết, hiện nay huyện Hải Hà (Quảng Ninh) có hơn 700ha chè, trong đó chủ yếu là giống chè Ngọc Thúy. Trước đây từ năm 1965, cây chè được đưa vào trồng thử nghiệm tại xã Quảng Long (Hải Hà), bởi sự phù hợp với khí hậu và điều kiện đất đai.
Trải qua quá trình phát triển, hiện Quảng Long là xã có diện tích trồng chè lớn nhất của Hải Hà với hơn 400ha, chiếm hơn 40% diện tích toàn huyện. Sản vật quý giá là chè Đường Hoa - một thương hiệu chè đi vào lịch sử, qua quá trình khảo sát, lấy mẫu xác định chè Đường Hoa xã Quảng Long được xếp thứ nhì toàn quốc, chỉ đứng sau chè Tân Cương - Thái Nguyên và sản phẩm chè được phục vụ tại Hội nghị Pari 1973 cùng những hội nghị quan trọng trong cả nước.
Cho đến nay, diện tích trồng chè của xã Quảng Long (Hải Hà, Quảng Ninh) là 426ha, từ giống chè trung du lá nhỏ đã được thay thế dần bằng giống chè có năng suất, chất lượng cao như chè PH10, chè Ngọc Thuý. Hiện trên địa bàn xã Quảng Long thành lập 2 tổ liên kết trồng và chế biến chè để đảm bảo sản phẩm sạch theo tiêu chuẩn VietGAP đáp ứng được thị trường khó tính trong nước và quốc tế.
Là một trong những đơn vị đi đầu trong việc liên kết sản xuất chè theo chuỗi trên địa bàn tỉnh, cơ sở chế biến chè Dũng Nga, xã Quảng Long đã ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho hơn 150ha chè của gần 400 hộ là tổ viên của 4 tổ hợp tác trồng chè tại các xã Quảng Long, Quảng Thành, Quảng Thịnh và Quảng Chính.
Bên cạnh việc kiểm soát chặt chẽ về quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc, hái chè của các hộ tham gia chuỗi liên kết, đơn vị cũng đảm bảo giá thu mua cho các hộ trồng chè theo đúng cam kết ban đầu. Hiện mỗi ngày xưởng chế biến chè Dũng Nga thu mua từ 8 đến 12 tấn chè tươi cho các hộ dân với giá từ 5.000 đến 7.000 đồng/kg chè cành, chè xuân và từ 8.000 đến 10.000 đồng/kg đối với giống chè Ngọc Thúy.
Thông tin trước báo chí, anh Trần Sỹ Dũng, chủ cơ sở chế biến chè Dũng Nga, xã Quảng Long (Hải Hà, Quảng Ninh) chia sẻ: Từ khi triển khai mô hình liên kết này, tất cả các hộ đã liên kết với chúng tôi đều được đảm bảo quyền lợi và không bị ép giá. Chúng tôi tuân thủ đúng việc công khai giá cả và thu mua đúng giá thị trường. Sau 3 năm phát triển mô hình, người dân rất phấn khởi, minh chứng rõ nét nhất là từ 50 hộ dân tham gia đầu tiên đến nay đã tăng gấp 4 lần. Nhờ có mô hình liên kết này đơn vị chế biến chúng tôi cũng có nguồn nguyên liệu ổn định và có cơ hội tham gia vào những thị trường lớn hơn.
Bà Nguyễn Thị Thê, xã Quảng Long, cho biết: Gia đình tôi có khoảng 0,6ha đất trồng chè, 3 năm trở lại đây, khi tham gia chuỗi liên kết trồng, chế biến và thu mua chè an toàn, gia đình tôi cũng như các hộ dân trồng chè được nhiều lợi ích từ khâu trồng, chăm sóc, thu hái và bao tiêu sản phẩm đúng quy trình, kỹ thuật. Hiện toàn bộ lá chè tươi của gia đình đã được ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với cơ sở chế biến chè Dũng Nga nên giá cả ổn định, thu nhập tăng lên. Vì vậy, gia đình tôi và các hộ thành viên trồng chè càng thêm gắn bó với cây chè và quyết tâm cùng nhà sản xuất tạo ra những sản phẩm chè ngon, đảm bảo an toàn thực phẩm mang thương hiệu chè Hải Hà.
Chia sẻ với báo chí, ông Phạm Thanh Hùng, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Hải Hà cho biết: Ngoài duy trì mô hình liên kết sản xuất, chế biến tiêu thụ chè Đường Hoa, chúng tôi vẫn đang tiếp tục vận động tuyên truyền người dân tham gia vào các tổ hợp tác, đặc biệt là vận động thành lập các tổ hợp tác chè chất lượng cao tại các xã có diện tích trồng chè lớn để đảm bảo nâng cao chất lượng cây chè và ổn định đầu ra cho sản phẩm.
Hiện chè Hải Hà là một trong 6 sản phẩm định hướng xây dựng sản phẩm OCOP cấp quốc gia. Để giữ gìn và phát triển thương hiệu chè Hải Hà, tăng tính cạnh tranh trên thị trường, người trồng và chế biến chè ở đây đang từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm, trong đó, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm là một trong những tiêu chí quan trọng nhất. Đặc biệt 2 năm trở lại đây, huyện chuyển nhiều diện tích chè sang sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP để tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng, thương hiệu sản phẩm chè của địa phương.
Theo đó, huyện Hải Hà tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm cây chè từ chất lượng nguồn giống đến sản xuất theo quy trình VietGAP; đầu tư dây chuyền sản xuất ở một số cơ sở để đáp ứng việc chế biến chè chất lượng cao; hỗ trợ máy móc cơ giới hoá cho người nông dân thu hái, trồng chè và hỗ trợ xúc tiến thương mại cho sản phẩm chè. Hiện nay, năng suất bình quân đạt 2,5 tấn chè tươi/ha/tháng. 7 tháng đầu năm nay, sản lượng chế biến chè khô của huyện Hải Hà đạt 673 tấn, doanh thu hơn 70 tỷ đồng.
Trong bối cảnh nhiều sản phẩm nông sản đang gặp khó trong khâu tiêu thụ do ảnh hưởng của dịch Covid-19, việc hàng trăm hộ trồng chè tại Hải Hà vẫn có đầu ra ổn định cho sản phẩm là một tín hiệu đáng mừng. Qua đây cũng cho thấy hiệu quả của mô hình liên kết giữa các tổ hợp tác sản xuất với doanh nghiệp theo một chuỗi kết nối từ sản xuất đến tiêu thụ. Nhờ đó, chất lượng, thương hiệu nông sản địa phương ngày càng được khẳng định và các hộ nông dân cũng tăng thu nhập trên chính đồng đất của mình.
* Bài viết tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.