Vụ Đông Xuân 2019-2020, toàn huyện Triệu Phong gieo cấy gần 6000 ha lúa. Những năm trước đây, bà con chủ yếu sử dụng các giống dài ngày như HC95, P6… sử dụng phân bón chưa cân đối, còn lạm dụng phân đạm nên dễ nhiễm sâu bệnh, gia tăng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Đặc biệt sau thu hoạch đốt rơm rạ gây ô nhiễm môi trường.
Qua 3 vụ sản xuất đến nay, diện tích áp dụng trên toàn huyện được 798 ha. Hiện nay, các mô hình này được thực hiện tại xã Triệu Độ (gồm các hợp tác xã (HTX): An Dạ, An Lợi, Trung Yên, Gia Độ, Giáo Liêm, Thanh Liêm), xã Triệu Trung (gồm các HTX Ngô Xá Đông, Ngô Xá Tây, Tam Hữu, Đạo Đầu, Thanh Lê), xã Triệu Thuận, xã Triệu Hòa (gồm các HTX Hà My, An Lộng, Vân Hòa), xã Triệu Đông (HTX Bích La) và xã Triệu Long (HTX Phương Ngạn).
Thông qua mô hình, các giải pháp CSA (canh tác nông nghiệp thông minh thích ứng biến đổi khí hậu) được chuyển giao cho nông dân thông qua tập huấn kỹ thuật và theo dõi, giám sát chỉ đạo kỹ thuật. Nông dân tham gia mô hình đã ứng dụng đồng bộ các tiến bộ khoa học kỹ thuật như sử dụng cùng giống mới, ngắn ngày, chất lượng cao trên một mô hình như giống HN6, Bắc Thơm 7, NA2…, sử dụng công cụ sạ hàng để tiết kiệm giống và đảm bảo mật độ, sử dụng phân đạm vàng chậm tan để giảm phát thải đạm ra môi trường và tăng khả năng hấp thu của cây lúa, sử dụng chế phẩm vi sinh Trychoderma tăng khả năng phân giải gốc rạ và khả năng kháng bệnh cho cây lúa, tưới nước tiết kiệm theo phương thức ướt khô xen kẽ (nông- lộ - phơi), quản lý sâu bệnh hại theo IPM (quản lý dịch hại tổng hợp).
Kết quả tổng hợp qua 3 vụ áp dụng kỹ thuật CSA sản xuất tác nông nghiệp thông minh thích ứng biến đổi khí hậu, các mô hình đều cho năng suất cao vượt trội. Đối với vụ Đông Xuân 2019-2020, năng suất đạt từ 64 đến 65 tạ/ha đối với giống Bắc Thơm7 và từ 65 đến 68 tạ/ha đối với giống lúa HN6, có hộ đạt năng suất 75 tạ/ha, cao hơn đại trà từ 4 tạ đến 8 tạ/ha, hiệu quả kinh tế cao hơn từ 1.600.000 đồng đến 4.500.000 đồng/ha.
Theo ông Nguyễn Quang Chánh - Giám đốc HTX Ngô Xá Tây: “Vụ này là vụ thứ 2 HTX sản xuất theo CSA. Người dân tham gia đã thực hiện đúng theo quy trình kỹ thuật được tập huấn nên cây lúa sinh trưởng phát triển khỏe, năng suất cao hơn sản xuất đại trà, ít nhiễm sâu bệnh nên giảm việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, ít bị lốp đổ so với sản xuất đại trà. Trong vụ Hè Thu 2019, có nhiều đoàn từ các huyện Gio Linh, Vĩnh Linh, Hải Lăng và thành phố Đông Hà đến tham quan học tập mô hình. Vụ Đông Xuân năm nay tiếp tục được mùa. Hiện nay, người dân của HTX rất tin tưởng và rất hào hứng áp dụng đầy đủ quy trình kỹ thuật canh tác nông nghiệp thông minh thích ứng biến đổi khí hậu”.
Qua khảo sát ý kiến từ người dân tham gia mô hình và các HTX tham gia mô hình đều cho biết sẽ tiếp tục áp dụng quy trình kỹ thuật CSA (canh tác nông nghiệp thông minh thích ứng biến đổi khí hậu) thâm canh cây lúa trong các vụ tới để đạt năng suất hiệu quả kinh tế cao, bảo vệ sức khỏe người sản xuất và góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong sản xuất nông nghiệp.
Để nhân rộng mô hình cho nhiều HTX trên toàn huyện, trong thời gian tới, Trạm tiếp tục công tác tập huấn, tuyên truyền cho người nông dân nắm vững các gải pháp kỹ thuật CSA và áp dụng hiệu quả nhằm góp phần phát triển kinh tế cho người dân và sản xuất nông nghiệp ngày càng bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu.
Quốc Dũng - Kim Tuyến