Biến tiềm năng thành hiện thực
Quảng Trị sở hữu lợi thế tự nhiên lý tưởng để phát triển các nguồn năng lượng tái tạo. Khu vực đồng bằng có mức bức xạ mặt trời cao, trong khi vùng đồi núi phía Tây ghi nhận tốc độ gió trung bình trên 7 m/s – những điều kiện tối ưu để triển khai các dự án điện mặt trời và điện gió.
Tính đến nay, tỉnh đã đưa vào vận hành thương mại 20 dự án điện gió với tổng công suất 742,2 MW, 3 dự án điện mặt trời với công suất 119,6 MW, 11 dự án thủy điện nhỏ tổng công suất 167,5 MW và gần 91 MW điện mặt trời mái nhà. Ngoài ra, nhiều dự án khác đã được phê duyệt và đang triển khai thi công, trong đó có 10 dự án điện gió và 7 thủy điện nhỏ.
Song song với năng lượng tái tạo, Quảng Trị còn đẩy mạnh đầu tư vào các dự án điện khí quy mô lớn. Tiêu biểu là Nhà máy điện tua-bin khí chu trình hỗn hợp công suất 340 MW tại Khu kinh tế Đông Nam, được giao cho Công ty Gazprom EP International B.V. – một đơn vị thuộc Tập đoàn Gazprom của Nga – triển khai, sử dụng khí tự nhiên từ mỏ Báo Vàng.
Các cánh đồng điện gió đang dần thay đổi mảnh đất Quảng Trị
Ngoài ra, Trung tâm Điện khí LNG Hải Lăng (giai đoạn I công suất 1.500 MW) cũng là một dự án trọng điểm đang được thúc đẩy, dự kiến hoàn thành và vận hành vào giai đoạn 2027-2028.
Định hướng chiến lược trong Quy hoạch điện VIII cũng cho thấy rõ tiềm năng của tỉnh: 62 dự án điện gió trên bờ (tổng công suất gần 4.750 MW), 3 dự án điện gió ngoài khơi (2.600 MW), cùng nhiều dự án đang trong giai đoạn nghiên cứu và khảo sát. Điện mặt trời cũng tiếp tục được mở rộng với 23 dự án mới nằm trong danh mục quy hoạch.
Bên cạnh đóng góp ngân sách, các dự án năng lượng đã giúp xây dựng hơn 100 km hạ tầng giao thông, tạo việc làm cho khoảng 600 lao động địa phương, góp phần cải thiện sinh kế và phát triển cộng đồng. Tất cả các dự án đều tuân thủ nghiêm ngặt yêu cầu về đánh giá tác động môi trường, đảm bảo cân bằng giữa phát triển kinh tế và bảo vệ hệ sinh thái.
Thu hút đầu tư – tạo đà bứt phá
Xác định năng lượng là nền tảng phát triển, Quảng Trị đã cụ thể hóa Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị và chương trình hành động của tỉnh, với mục tiêu phát triển khoảng 3.000 MW điện đến năm 2025 và từ 8.000 đến 10.000 MW vào năm 2030.
Tỉnh cam kết cải thiện môi trường đầu tư theo hướng minh bạch, pháp lý rõ ràng và thân thiện với doanh nghiệp. Các nhà đầu tư lớn, sử dụng công nghệ cao, tiết kiệm tài nguyên và tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng sẽ được ưu tiên lựa chọn.
Bên cạnh chính sách ưu đãi từ Trung ương, Quảng Trị còn có các hỗ trợ riêng như: miễn giảm tiền thuê đất, hỗ trợ phát triển hạ tầng, kỹ thuật, đào tạo nguồn nhân lực, xúc tiến thị trường… Chính quyền địa phương cũng chủ động tháo gỡ vướng mắc, đồng hành cùng doanh nghiệp trong quá trình triển khai dự án.
Phát triển công nghiệp năng lượng hiện được xem là một trong những trụ cột để Quảng Trị tăng cường liên kết vùng, thu hút đầu tư và hình thành hệ sinh thái công nghiệp hiện đại. Nhiều dự án lớn đang được ưu tiên tại Khu kinh tế Đông Nam như Cảng nước sâu Mỹ Thủy, Khu công nghiệp VSIP, khu công nghiệp đa ngành và logistics – các mắt xích quan trọng trong chiến lược công nghiệp hóa của tỉnh.
Với hàng loạt dự án năng lượng sạch đang và sắp đi vào hoạt động, Quảng Trị đang dần hình thành diện mạo mới: một trung tâm năng lượng quy mô, kết nối hạ tầng đồng bộ và dịch vụ phát triển. Từ vùng đất từng chịu nhiều đau thương chiến tranh, nơi đây đang hồi sinh mạnh mẽ, trở thành “thủ phủ năng lượng sạch” của miền Trung.
Ngành công nghiệp năng lượng không chỉ là động lực phát triển kinh tế, mà còn là biểu tượng cho khát vọng vươn lên, khẳng định vị thế của Quảng Trị trên hành trình chinh phục tương lai – từ "miền đất lửa" trở thành "miền đất lành".
Diễm Phước