Tham dự sự kiện có hơn 50 đại biểu là đại diện cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp, tổ chức phi chính phủ, nhà tài trợ, Ban cố vấn, thành viên mạng lưới phóng viên nữ và các cơ quan báo chí.
Dự án “phóng viên nữ hành động giảm thiểu rác thải nhựa và ô nhiễm nhựa” xuất phát từ bối cảnh tại Việt Nam, nhiều phóng viên nữ chưa có cơ hội tham gia bình đẳng trong lĩnh vực điều tra về môi trường. “Thông qua việc thành lập mạng lưới phóng viên nữ và tổ chức các hoạt động liên quan, Quỹ Vì Tầm Vóc Việt mong muốn sẽ trở thành cầu nối giữa các phóng viên với các chuyên gia, nhà hoạt động về môi trường, cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp và các nhóm cộng đồng liên quan để cùng “lên tiếng” thay đổi nhận thức và thực hành của xã hội về rác thải nhựa và ô nhiễm nhựa”. Bà Trần Thị Như Trang – Giám đốc Quỹ Vì Tầm Vóc Việt cho biết.
Mục tiêu chính của dự án nhằm nâng cao năng lực, sự tham gia và lãnh đạo của các phóng viên nữ (đặc biệt là các phóng viên trẻ) trong điều tra, đưa tin về ô nhiễm nhựa và rác thải nhựa; đồng thời tăng cường hợp tác giữa khu vực tư nhân, các nhà nghiên cứu/nhà hoạt động môi trường và các cơ quan báo chí, truyền thông.
Các hoạt động chính của dự án bao gồm: thành lập mạng lưới phóng viên nữ hành động giảm thiểu rác thải nhựa và ô nhiễm nhựa; tập huấn, tọa đàm các kiến thức chung về môi trường và kỹ năng điều tra về nhựa và ô nhiễm nhựa; thực hiện các chuyến thực địa tìm hiểu về mô hình phát triển bền vững của các doanh nghiệp cho mạng lưới phóng viên nữ; triển khai gói tài trợ kinh phí và hỗ trợ kỹ thuật cho phóng viên nữ để thực hiện các báo cáo về môi trường; tổ chức diễn đàn đối thoại về giảm thiểu rác thải nhựa và ô nhiễm nhựa; thực hiện chiến dịch truyền thông thay đổi hành vi về giảm thiểu rác thải nhựa và ô nhiễm nhựa; giải thưởng vinh danh “Phóng viên nữ tiên phong vì môi trường 2022”.
Nhân dịp này, VSF cũng chính thức ra mắt mạng lưới “phóng viên nữ hành động giảm thiểu rác thải nhựa và ô nhiễm nhựa” với sự tham gia của hơn 30 phóng viên đang làm việc tại các cơ quan báo chí, truyền hình tại Hà Nội. Trước đó vào ngày 29/4, VSF đã tổ chức buổi gặp mặt giữa các thành viên mạng lưới với ban cố vấn và đại diện VSF. Tại buổi gặp mặt, các bên đã cùng nhau thống nhất về quy chế hoạt động và kế hoạch phát triển của mạng lưới.
VSF cũng tổ chức phiên tọa đàm với chủ đề “hợp tác giữa phóng viên và các bên liên quan trong truyền thông về môi trường” để cùng nhau thảo luận về cách thức phối hợp giữa nhà báo và các bên liên quan trong thực hiện các bài báo phản ánh về vấn đề môi trường.
VSF là đại diện duy nhất của Việt Nam nhận tài trợ của EJN, bên cạnh 8 sáng kiến khác đến từ Indonesia, Philippines, Ấn Độ, Mông Cổ, Thái Lan, Bangladesh và Nepal. Năm 2022, tổng cộng có hơn 80 đề xuất được nộp từ 8 quốc gia khu vực Châu Á - Thái Bình Dương cho EJN với mục tiêu nâng cao nhận thức của cộng đồng và thúc đẩy các hành động ứng phó với khủng hoảng môi trường. Đây cũng là lần thứ 2 VSF được nhận tài trợ từ EJN cho dự án về môi trường.
Bên cạnh sự hỗ trợ về tài chính và kỹ thuật của EJN, VSF còn nhận được sự đồng hành và tài trợ của Công ty Cổ phần Tetra Pak Việt Nam hoạt động về các giải pháp chế biến và đóng gói thực phẩm, đồng thời cũng là đơn vị đi đầu trong thu gom, tái chế bao bì tại Việt Nam.
Ngoài ra, dự án còn nhận được sự đồng hành và phối hợp triển khai của Viện Chiến lược Chính sách và Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường (ISPONRE), Liên minh Doanh nghiệp vì Môi trường Việt Nam (VB4E), Mạng lưới Đối tác hành động về nhựa và sức khỏe (PHA).
Hoàng Nhung