Trên địa bàn huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La hiện có trên 7.010 ha nhãn, trong đó diện tích cho thu hoạch trên 4.400 ha, sản lượng ước đạt trên 43.000 tấn được trồng tại 19 xã, thị trấn. Dự kiến xuất khẩu 4.400 tấn sang thị trường các nước Trung quốc và một số nước Châu Âu.
Tuy nhiên, trước những tác động của dịch bệnh COVID-19 đến hoạt động sản xuất, tiêu thụ, UBND huyện đã xây dựng kế hoạch sản xuất, tiêu thụ và xuất khẩu sản phẩm nông sản phù hợp với các thời điểm khác nhau, đảm bảo đáp ứng nhu cầu thị trường, phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.
Ngoài ra, huyện Sông Mã đã chỉ đạo các cơ quan đơn vị tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra giám sát các hợp tác xã và người sản xuất thực hiện tốt quy trình sản xuất, đặc biệt tại các hợp tác xã đã được cấp Mã số vùng trồng phục vụ cho xuất khẩu sang thị trường các nước và đơn vị được công nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, Globalgap và các tiêu chuẩn tương đương để chủ động sản xuất ra những sản phẩm hàng hóa có quy mô lớn chất lượng và đảm bảo tiêu chuẩn phục vụ cho tiêu thụ và xuất khẩu của huyện Sông Mã trong năm 2020. Đồng thời, huyện đã có điều chỉnh xuất khẩu trong nước và nước ngoài.
Ông Nguyễn Văn Phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La cho biết: “Chúng tôi sẽ phối hợp cùng với các Sở, ngành của tỉnh tiếp tục tổ chức các Hội nghị trực tuyến hoặc thông tin bằng hình thức thư điện tử để trao đổi và cung cấp thêm các thông tin để mời và làm việc với các doanh nghiệp, các đơn vị có chức năng thu mua, xuất khẩu và tiêu thụ các sản phẩm quả tươi và long nhãn đến người tiêu dùng để họ nắm được. Trên cơ sở đó, chỉ đạo các HTX và các hộ sản xuất nhãn, điều chỉnh kế hoạch sản xuất để đảm bảo phù hợp với diễn biến của dịch Covid, điều chỉnh giảm kế hoạch xuất khẩu và tiêu thụ thị trường trong nước. Bên cạnh đó, tăng thêm việc chế biến sản phẩm nhãn quả tươi tại chỗ bằng long nhãn.”
Để nâng cao chất lượng sản phẩm nhãn, huyện Sông Mã đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, mở các lớp tập huấn, cử cán bộ chuyên môn thường xuyên xuống cơ sở tập huấn, hướng dẫn bà con kỹ thuật canh tác, áp dụng các tiến bộ của khoa học vào sản xuất, giúp nâng cao hơn nữa chất lượng quả nhãn, tăng khả năng cạnh tranh và đem lại doanh thu cao. Đặc biệt để hình thành những vùng chuyên sản xuất nhãn xuất khẩu với diện tích lớn, chất lượng đảm bảo từ năm 2016 đến nay, huyện đã vận động nhân dân trên địa bàn thành lập các HTX.
Trong đó, các HTX phải đảm bảo chăm sóc nhãn theo quy trình VietGAP, GlobalGAP và Oganic. Kết quả đến nay, toàn huyện có 19 HTX sản xuất nông nghiệp, trong đó có 17 HTX đã được cấp giấy chứng nhận VietGAP, với diện tích 440,5 ha, sản lượng khoảng 4.400 tấn; 9 HTX được cấp mã vùng trồng để xuất khẩu sang các thị trường các nước phát triển với diện tích 65,35 ha với sản lượng 650 tấn.
Anh Lò Lan Phương, Bí thư Huyện đoàn huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La cho biết: "Từ khi thành lập HTX, các thành viên trong HTX luôn chú trọng tập trung sản xuất theo hướng hàng hóa với sản phẩm chính là cây nhãn, xoài, bưởi. Mục tiêu của HTX là sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, chúng tôi đang dần dần đưa việc sản xuất theo hướng ruộng phân hữu cơ và chế phẩm sinh học vào sản xuất để thân thiện môi trường, đảm bảo sức khỏe cho chính người sản xuất và người tiêu dùng."
Thành lập năm 2016, với 18 thành viên HTX Toàn Thắng bản Tây Hồ, xã Nà Nghịu, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La có diện tích 35 ha, sản lượng đạt 150 tấn nhãn/ vụ. Ngay từ khi thành lập các thanh viên HTX thực hiện ứng dụng các kỹ thuật mới trong sản xuất, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đáp ứng các nhu cầu của thị trường. Vụ nhãn năm 2020 này HTX Toàn thắng tiếp tục đăng ký xuất khẩu 150 tấn nhãn quả tươi.
Ông Dương Tự Thanh – Giám đốc HTX Toàn Thắng – bản Tây Hồ xã Nà Nghịu – huyện Sông Mã cho biết: "Trước đây chưa thành lập HTX, chúng tôi sản xuất nhãn hoàn toàn bằng phương pháp tự phát, lạm dụng phân vô cơ và sử dụng các loại phân bón hóa học làm ảnh hưởng đến chất lượng quả nhãn, ảnh hướng đến sức khỏe của người sản xuất lẫn người tiêu dùng. Từ sau khi chúng tôi tham gia vào HTX, chúng tôi đã được tập huấn rất nhiều về quy trình, kỹ thuật sản xuất, cách chăm bón, chuyển đổi từ phân vô cơ sang phân hữu cơ và từ hóa học sang sinh học. Qua quá trình tham gia, chúng tôi thấy rằng đã cải tạo được vườn sản xuất đảm bảo cho cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt và mẫu mã đẹp.”
Với diện tích 1,5 ha cây ăn quả, trong đó có 8000 m2 nhãn. Từ khi gia nhập HTX Toàn Thắng ông Nguyễn Văn Hanh đã thay đổi hẳn thói quen chăm sóc cũ sang sản xuất theo quy trình sạch, tuân thủ các quy trình chăm sóc nhãn theo tiêu chuẩn VietGap, an toàn để năng xuất chất lượng quả nhãn đạt cao hơn.
Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động mà đến nay không chỉ các HTX biết và áp dụng sản xuất theo quy trình sạch mà nhiều hộ dân có diện tích nhãn từ 1 ha trở lên cũng đã tự chủ động tham gia các lớp tập huấn, đi học tập kinh nghiệm tại các nhà vườn lớn và tìm hiểu trên sách báo để chủ động sản xuất ra những quả nhãn sạch, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.
Cùng với việc tập trung triển khai xây dựng các vùng sản xuất áp dụng hệ thống quản lý chất lượng VietGAP, GlobalGAP và Oganic... huyện Sông Mã đang tích cực triển khai kế hoạch xúc giới thiệu, quảng bá sản phẩm nhãn đến các công ty, tập đoàn trong và ngoài nước giúp các HTX, các hộ sản xuất trên địa bàn tìm kiếm đối tác, cơ hội mua bán và cung ứng dịch vụ đến thị trường trong và ngoài nước đảm bảo việc sản xuất và tiêu thụ sản phẩm an toàn bền vững ứng phó kịp thời với những khó khăn thách thức trong điều kiện dịch bệnh Covid – 19 diễn biến phức tạp.
Tạ Thành