Tết cổ truyền dân tộc Mông - giữ gìn bảo tồn bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc

Tết cổ truyền người Mông diễn ra sớm hơn, khác biệt với Tết của người Kinh và những đồng bào dân tộc khác. Không biết từ bao giờ, đồng bào Mông đã có cách tính riêng về lịch ăn Tết, chỉ biết rằng Tết truyền thống hằng năm diễn ra trước thời điểm Tết Nguyên Đán và kéo dài gần một tháng. Trải qua bằng ấy thời gian, đây được coi là một trong những nét đẹp văn hoá riêng và vô cùng đặc sắc của người Mông.

Cứ mỗi độ Xuân về, khi những cánh hoa đào, hoa mận nở khắp núi rừng Tây Bắc, khắp các bản làng rộn rã tiếng khèn thì cũng là lúc đồng bào Mông tưng bừng đón Tết cổ truyền. Người Mông ở huyện Mộc Châu, Vân Hồ, Thuận Châu,.. (Sơn La) thường đón Tết sớm hơn 1 tháng (thường vào tháng 12 âm lịch). Phong tục đón Tết của đồng bào Mông nơi đây có nhiều nét độc đáo, nhiều bản sắc văn hóa, nhiều phong tập tập quán hay tốt đẹp cần được gìn giữ và bảo tồn.

Gìn giữ bản sắc văn hóa

Đầu tháng Chạp Âm Lịch, tại các huyện trên địa bàn tỉnh Sơn La, người Mông đã nhộn nhịp không khí đón Xuân. Thường từ ngày 25 tháng 11, các gia đình bắt đầu mổ lợn để làm lễ tạ ơn tổ tiên, trời đất đã phù hộ cho gia đình, dòng họ, dân bản có sức khỏe tốt, mùa màng bội thu và mọi điều may mắn; một phần để dâng cúng, một phần đem thịt sấy treo gác bếp, thịt mỡ ngâm muối làm thực phẩm giữ được lâu, một phần mời anh em họ hàng đến ăn mừng cùng gia đình.   

Các dụng cụ lao động, đồ dùng trong gia đình được dán giấy mới, để nghỉ Tết. Ảnh: Nam Trứ.
Các dụng cụ lao động, đồ dùng trong gia đình được dán giấy mới, để nghỉ Tết. Ảnh: Nam Trứ.

Để chuẩn bị cho một cái tết ấm no, vui vẻ, Người Mông thường chẩn bị cho gia đình những bộ quàn áo mới riêng biệt mang đậm bản sắc văn hóa riêng của từng vùng. Tại huyện Mộc Châu, Vân Hồ… bản sắc văn hóa của từng bộ phận dân tộc Mông cũng khá đa dạng và phong phú. Phân biệt và nhận biết qua trang phục tiếng nói và chia ra gồm có: Mông hoa, Mông lềnh, Mông đu, Mông đơ, Mông si…Nếu như trang phục của người Mông lềnh Mộc Châu được thiêu bằng hoa văn thổ cẩm, màu đỏ là màu đặc trưng trong trang phục váy và áo thì trang phục của người Mông đu tại Vân Hồ lại có đặc trưng màu xanh đen là chủ yếu, váy được vẽ bằng sắt ong, nhuận chàm…dễ dàng phân biệt qua trang phục.

Những năm qua, để bảo tồn và giữ gìn bản sắc văn hóa cũng như những phong tục tập quán tốt đẹp, chính quyền địa phương đã tổ chức nhiều cuộc thi, nhiều Lễ hội để bà con người Mông phát triển thế mạnh cũng như gìn giữ những nét đẹp văn hóa đó như: Ngày Hội văn hóa các dân tộc huyện Mộc Châu, Sắc Màu Vân Hồ, Hội Gầu tào tại Pa Cò huyện Mai Châu (Hòa Bình)… Tại các Lễ hội người Mông được tìm hiểu, tham gia các trò chơi, các tiết mục văn nghệ mang đậm bản sắc văn hóa như: Nhảy tha khèn, chơi tu lu, ném pa pao… thổi các loại nhạc cụ dân tộc, hát dân ca. Nhờ vậy, có nhiều tiết mục hay, điệu nhảy hấp dẫn hằng năm được thăm gia tổ chức tại huyện như: Nhảy Tha khèn Vân Hồ, múa khèn diễu hành đường phố tại huyện Mộc Châu…

Bên cạnh đó, các Homestay cộng đồng còn tích cực tuyên truyền bà con giữ gìn những bản sắc văn hóa, các phong tục hay, gìn giữ những nghề truyền thống riêng của dân tộc góp phần thu hút du khách trải nghiệm. Anh Tráng A Chu (chủ Homestay A Chu tại Vân Hồ) chia sẻ: Để gìn giữ bản sắc văn hóa của dân tộc Mông nói riêng, các dân tộc khác trên địa bàn nói chung tôi đã cùng một số chủ homestay tại bản giữ gìn và phát triển một số bản sắc văn hóa trên địa bàn của bản như: Giữ gìn cảnh quan, trang phục của bà con, gìn giữ một số nghề truyền thống vẽ sắt ong, thiêu thổ cẩm, nghề làm giấy gió… Nhờ vậy, mỗi khi tết đến xuân về du khách thường đến lưu trú tại đây rất đông, trải nghiệm làm giấy, vẽ sắt ong hay tham gia chơi các trò chơi dân gian cùng bà con bản. Mỗi du khách khi được tham gia, thưởng thức Tết cùng đồng bào người Mông đều để lại cho họ những dấu ấm đặc biệt mà không thể nào quên được.

Đồng bào người Mông, làm lại bàn thờ mới chào đón năm mới, vạn sự như ý. Ảnh: Nam Trứ.
Đồng bào người Mông, làm lại bàn thờ mới chào đón năm mới, vạn sự như ý. Ảnh: Nam Trứ.
Người Mông chơi tết ném pa pao giao duyên, thu hút đông đảo bạn trẻ tham gia. Ảnh: Nam Trứ.
Người Mông chơi tết ném pa pao giao duyên, thu hút đông đảo bạn trẻ tham gia. Ảnh: Nam Trứ.

Bà Angelie du khách đến từ nước Pháp đang trải nghiệm vẽ sáp ong vui vẻ chia sẻ: Đây là lần đầu tiên tôi đến đây, tôi rất thích khám phá và trải nghiệm các dịch vụ của bà con nơi đây, tôi thấy con người và cảnh nơi đậy thật tuyệt vời.

Dán giấy cho đồ dùng trong nhà nghỉ Tết

Sau khi hoàn tất công việc đồng áng, họ nghỉ ngơi sau một năm lao động hăng say, vất vả để chuẩn bị sắm sửa, đón ngày Tết về. Người Mông sinh sống lao đông chủ yếu bằng nông nghiệp, những công cụ dụng cụ sản xuất đối với họ vô cùng quan trọng, có ý nghĩa. Vì vậy, sau khi dừng các công việc, họ phong lại tất cả các công cụ sản xuất. Mỗi thứ lại được họ "phong" bằng những hình thức khác nhau, ví dụ các lò rèn phải làm lễ đóng lò, chiếc cối xay ngô thì phải được tháo ra, dán một tờ giấy bản lên rồi làm lễ với gà, bánh ngô và rượu… Cũng như người Mông ở một số xã vùng cao của Sơn La, trước khi ăn Tết, người Mông ở Mộc Châu.. (Sơn La) thường mang công cụ lao động ra rửa sạch sẽ rồi sau đó cắt mẩu giấy dán lên từng nông cụ, đồ dùng, để gọn gàng tại vị trí gần bàn thờ. Theo quan niệm của đồng bào Mông thì mỗi một mảnh giấy đó là thông báo cho dụng cụ đã lao động vất vả trong năm qua được nghỉ ngơi trong những ngày Tết. Đồng thời, họ cũng gửi gắm vào đó mong muốn nông cụ sau những ngày nghỉ Tết sẽ tiếp tục phát huy hiệu quả trong năm mới khi cùng gia chủ tham gia lao động, sản xuất.

Trò chơi tu lu của dân tộc Mông một trong những trò chơi không thể thiếu trong dịp Tết. Ảnh: Nam Trứ.
Trò chơi tu lu của dân tộc Mông một trong những trò chơi không thể thiếu trong dịp Tết. Ảnh: Nam Trứ.
Du khách nước ngoài trải nghiệm vẽ sáp ong trong dịp năm mới tại homestay A Chu. Ảnh: Nam Trứ.
Du khách nước ngoài trải nghiệm vẽ sáp ong trong dịp năm mới tại homestay A Chu. Ảnh: Nam Trứ.

Để hiểu sâu sắc hơn về phong tục này chúng tôi đến tại nhà ông Hàng A Say, tiểu khu Pa Khen, thị trấn Nông trường Mộc Châu. Được biết ông Say là một thầy cúng lâu năm, mỗi dịp gần Tết ông thường đi cũng cho nhiều gia đình, dòng họ quanh bản để chuẩn bị đón năm mới. Nói về phong tục dán giấy cho các đồ dùng trong nhà trong dịp Tết ông Say cho biết: “Mỗi năm khi Tết đến, xuân về, gia chủ phải thay lại bàn thờ mới, nhất là những người thầy cúng như chúng tôi. Bàn thờ cúng phải được làm mới lại để đem lại may mắn mới, những gì cũ kỹ, việc chưa làm được trong năm cũ thì bỏ đi theo năm cũ.. cũng như các nông cụ, đồ dùng của gia đình trong năm qua đều được rửa sạch, để gọn lên một góc nào đó trong nhà và dán giấy thắp hương trong 3 ngày (từ mùng 1 tết đến hết mùng 3). Phong tục này có ý nghĩa quan trọng cho gia chủ, bởi người Mông chúng tôi quan niệm rằng tất cả mọi vật đều có linh hồn, sau một năm vất vả với đồng rẫy, thì mọi vật đều được nghỉ ngơi đón Tết.

Phong tục này, cũng sẽ mang lại phước lành, cầu mong cho gia chủ năm mới gặp nhiều may mắn, có một năm làm ăn thuận lợi, mùa màng bội thu.” Phong tục này đã được duy trì qua bao thế hệ, không chỉ có ở người Mông Mộc Châu hay Vân Hồ… mà gần như nơi nào có người Mông khi tết đến họ đều giữ gìn và làm phong tục này. Cũng duy trì phong tục dán giấy cho các đồ dùng, nông cụ trong gia đinh như các dòng họ khác, ông Lầu A Dia, tại tiểu khu Pa Khen chia sẻ: “Từ xa xưa, người Mông chỉ thích ở trên núi cao. Nơi nào cao nhất, khó khăn nhất thì nơi đó có người Mông sinh sống và lao động sản xuất. Để canh tác được trên địa hình đồi núi dốc, các dụng cụ như cuốc, dao, xẻng... là thứ không thể thiếu. Do vậy, việc duy trì phong tục cha ông để lại là điều đáng làm, và đó cũng là một nét văn hóa độc đáo của đồng bào dân tộc Mông chúng tôi”.

Đặc sản bánh dày- món ăn không thể thiếu trong dịp Tết

Người Mông thường chuẩn bị ngày Tết rất chu đáo. Mỗi người mỗi việc, phụ nữ sẽ hoàn thiện đường thêu, nút chỉ trên bộ váy áo mới để cho người lớn, trẻ con diện Tết. Đàn ông thì đi mua sắm đồ hay mổ lợn, mổ gà cho bữa cơm trong gia đình. Nếu như với dân tộc Kinh, trong mâm cỗ Tết không thể thiếu bánh chưng, bánh tét thì Tết của người Mông phải có bánh dày để cúng tổ tiên và trời đất. Người Mông quan niệm bánh dày tròn tượng trưng cho mặt trăng và mặt trời, đó chính là nguồn gốc sinh ra con người và vạn vật trên mặt đất. Do đó, giã bánh dày là việc làm không thể thiếu trong ngày Tết của dân tộc Mông”. Bánh dày người Mông được làm bằng lúa nếp nương nên thường dẻo, thơm, có thể để được cả tháng trong dịp Tết và đây được coi là món ăn chính để tiếp đón bạn bè khách khi đến chúc Tết gia chủ.

Những bộ trang phục đỏ sặc sỡ của người Mông lềnh Mộc Châu. Ảnh: Nam Trứ.
Những bộ trang phục đỏ sặc sỡ của người Mông lềnh Mộc Châu. Ảnh: Nam Trứ.

Để có món bánh dày ngon như ý, cần chuẩn bị sẵn cối giã bánh, cối giã bánh dày của người Mông được làm bằng thân cây gỗ chắc, thớ mịn, có mùi thơm và khoét rỗng ruột; chày giã bánh cũng được làm bằng cá loại gỗ cứng và nặng; vừng rang sẵn và mấy lòng đỏ trứng gà đã được luộc chín để xoa tay và xoa các dụng cụ nặn bánh không bị dính. Một yếu tố không thể thiếu nữa là phải chọn được gạo nếp thơm và dẻo, tiếp đó ngâm gạo trong vòng một ngày. Trong khi đồ gạo, cần đun nhỏ và đều lửa, thời gian đồ khoảng một tiếng, để xôi được chín kỹ cho thật mềm và dẻo. Tiếp đó cho xôi ra cối để giã, cần giã bánh ngay khi xôi còn đang nóng. Giã càng kỹ thì bánh càng dẻo, ngon và để được lâu. Khi giã xong rồi cần bàn tay khéo léo của người phụ nữ nặn bánh ngay, nếu để nguội thì không nặn được. Lá gói bánh là lá chuối đã hơ qua lửa và lau sạch.

Bánh dày không chỉ để thờ cúng tổ tiên, trong ngày lễ tết mà còn là món ăn đãi khách, làm quà cho khách đến thăm nhà. Khi ăn thường nướng trên than hồng hoặc cắt thành từng miếng bánh nhỏ hình chữ nhật rồi cho lên rán phồng thật thơm và hấp dẫn. Khi khách đến chúc Tết về ngời Mông còn đem theo bánh dày tặng khách mang về làm quà để thể hiện lòng hiếu khách cũng như tình cảm của gia chủ chúc cho một năm mới tốt đẹp.

Dịp Tết đúng dịp hoa đào, hoa mận Mộc Châu nở rộ. Ảnh: Nam Trứ.
Dịp Tết đúng dịp hoa đào, hoa mận Mộc Châu nở rộ. Ảnh: Nam Trứ.

Vậy là, một mùa xuân mới lại về, Tết Giáp Thìn sắp đến, dưới sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, nhiều chính sách phát triển kinh tế xã hội, an sinh xã hôị, chương trình mục tiêu quốc gia gồm xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, xóa đói giảm nghèo bền vững đã phát huy hiệu quả, đời sống của bà con đồng bào dân tộc thiểu số được cải thiện, từng bước thoát nghèo. Người Mông Sơn La nói riêng và Tây Bắc nói chung ngày càng có cái Tết ấm no hơn, đời sống ngày càng tiến bộ hơn./.

Nam Trứ/ Văn phòng Tây Bắc