Thách thức nguồn cung nhà ở vừa túi tiền

Việc cung cấp nhà ở vừa túi tiền đang trở thành một thách thức lớn tại các đô thị lớn như Hà Nội và TP.HCM. Mặc dù nhu cầu về loại hình nhà ở này luôn ở mức cao, đặc biệt là từ giới thu nhập trung bình và thấp, nguồn cung lại khan hiếm. Điều này đẩy giá nhà ở vượt xa khả năng chi trả của nhiều người dân, gây ra những bất ổn trong quá trình phát triển đô thị và xã hội.

Thách thức nguồn cung nhà ở vừa túi tiền.  
Thách thức nguồn cung nhà ở vừa túi tiền.  

Trong giai đoạn 2019-2023, giá bất động sản tại Hà Nội tăng trung bình 6% mỗi năm, trong khi tại TP. HCM, mức tăng là 3% mỗi năm. Cùng thời điểm, thu nhập cá nhân chỉ tăng 4% ở Hà Nội và 3% ở TP. HCM, tạo nên khoảng cách ngày càng lớn giữa giá nhà và thu nhập, khiến việc sở hữu nhà trở nên ngày càng khó khăn đối với người dân. Thêm vào đó, các rào cản pháp lý, vấn đề của các nhà phát triển và sự chậm trễ trong việc ban hành các chính sách hỗ trợ nhà ở càng làm phức tạp thêm tình hình.

Một thị trường bất động sản bền vững cần có sự đa dạng về phân khúc, đặc biệt là các sản phẩm thuộc hạng B và C. Tuy nhiên, cả Hà Nội và TP. HCM đều đang thiếu hụt nghiêm trọng nguồn cung cho các loại hình nhà ở này. Với nhu cầu khoảng 50.000 căn hộ mỗi năm, chủ yếu từ người dân có thu nhập trung bình và các hộ gia đình trẻ, thị trường vẫn chưa đáp ứng đầy đủ.

VARS cho rằng, cùng với loại hình nhà ở xã hội, nhà ở vừa túi tiền sẽ là xu hướng phát triển chính, mạnh mẽ trên thị trường bất động sản trong giai đoạn sắp tới. Bởi đây là phân khúc xuất phát từ nhu cầu và khả năng thực tế của đại đa số người dân.

Mặc dù khó để phát triển dự án căn hộ với mức giá này, đặc biệt là ở các đô thị có nhu cầu cao, nhưng VARS tin rằng với sự hợp tác và nỗ lực từ hệ thống thị trường và chính sách nhà ở, loại hình nhà ở vừa túi tiền vẫn có thể phát triển.

Theo VARS, Nhà nước cần định nghĩa chính thức "nhà ở vừa túi tiền" và áp dụng chính sách ưu đãi để khuyến khích chủ đầu tư tham gia phát triển nhà ở cho thu nhập trung bình. Cụ thể là các chính sách tín dụng ưu đãi dành riêng để tăng "sức mua" hay tăng mức thuế đối với căn nhà thứ hai, thứ ba để giảm động lực đầu cơ, và tiền thuế có thể được quay vòng về hỗ trợ các đối tượng có nhu cầu thực sự. Hỗ trợ các chủ đầu tư trong việc phát triển, vận hành các dự án hạ tầng xã hội.

Bên cạnh đó tăng cường đầu tư và mở rộng hạ tầng giao thông. Khi khoảng cách không còn là vấn đề lớn cần cân nhắc khi mua nhà thì xu hướng dịch chuyển từ khu vực lõi trung tâm sang ven đô là tất yếu. Học tập kinh nghiệm quốc tế giúp rút ngắn quá trình phát triển và đạt được mục tiêu nhanh chóng.

Thách thức nguồn cung nhà ở vừa túi tiền - Ảnh 1

Theo bà Giang Huỳnh, Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu và S22M tại Savills, TP.HCM và các tỉnh lân cận như Bình Dương, Đồng Nai, Long An đều đang đối mặt với tình trạng thiếu nguồn cung nhà ở. Trong tương lai gần, TP. HCM dự kiến sẽ có sự gia tăng của các dự án cao cấp, trong khi nguồn cung nhà ở giá rẻ vẫn khan hiếm. Ngược lại, Hà Nội sẽ tập trung vào phát triển các dự án hạng B.

"Sự mất cân đối này xuất phát từ nhiều yếu tố như tăng trưởng thu nhập, quỹ đất hạn chế, chi phí đất đai tăng cao, và các thủ tục hành chính phức tạp trong việc cấp phép cho các dự án mới", bà Giang Huỳnh cho hay..

Với mức đầu tư công vào cơ sở hạ tầng chiếm khoảng 6% GDP, Chính phủ đang triển khai hàng loạt dự án lớn như xây dựng đường bộ, cầu, sân bay và cảng biển.

Bà Giang Huỳnh cho biết Luật Đất đai sửa đổi đã tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc triển khai các dự án này. Mục tiêu chính là cải thiện kết nối giao thông giữa các tỉnh thành, rút ngắn khoảng cách và thời gian di chuyển, đặc biệt là giữa các khu vực đô thị trung tâm và vùng ven, từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và thu hút đầu tư.

Để giảm áp lực về quỹ đất và chi phí đô thị, Hà Nội và TP. HCM đang hướng tới việc mở rộng ra các tỉnh lân cận như Bình Dương và Bắc Ninh. Việc đầu tư mạnh vào hạ tầng giao thông đã làm cho các khu vực ngoại thành trở nên hấp dẫn hơn đối với nhà đầu tư và người dân.

Bà Giang Huỳnh cũng kỳ vọng rằng các luật mới như Luật Đất đai 2024, Luật Kinh doanh Bất động sản 2023, và Luật Nhà ở 2023 sẽ tạo ra những thay đổi tích cực cho thị trường bất động sản. Những quy định này hứa hẹn cải thiện hiệu quả sử dụng đất, đơn giản hóa thủ tục hành chính, và hỗ trợ các nhà đầu tư thuận lợi hơn khi tham gia thị trường.

Tiến Hoàng