Thái Nguyên: Huyện Phú Lương chú trọng phát triển thương hiệu trà gắn với văn hóa trà

Huyện Phú Lương nằm ở phía bắc của tỉnh Thái Nguyên với địa hình chủ yếu là đồi núi thấp, mang đặc trưng kiểu khí hậu ôn hòa, thổ nhưỡng với hơn 6.000 ha đất feralit đỏ vàng phù hợp cho cây chè phát triển.

huyện Phú Lương có trên 4.130 ha chè là địa phương có diện tích trồng chè lớn thứ hai của tỉnh Thái Nguyên.
Huyện Phú Lương có trên 4.130 ha chè là địa phương có diện tích trồng chè lớn thứ hai của tỉnh Thái Nguyên.

Cây chè bắt đầu bén rễ trên đất Phú Lương từ năm 1945. Diện tích chè tiếp tục phát triển mạnh, đến năm 1973 toàn huyện có 242 ha, năm 1989 là 1.290 ha, năm 2000 là 2.670 ha. Từ năm 2000 đến năm 2023 toàn huyện trồng mới được 1.466 ha, nâng tổng diện tích chè lên trên 4.136 ha. Sản lượng chè búp tươi năm 2024 đạt 47.406 tấn, tăng trên 3.000 tấn so với năm 2020, giá trị trên 1ha đất trồng chè đạt từ 350-360 triệu đồng/năm. Địa phương hiện có 16 sản phẩm chè được công nhận OCOP. Hiện nay, toàn huyện có 45 làng nghề, HTX, nông hộ trồng, chế biến chè truyền thống, tập trung chủ yếu ở 4 xã: Tức Tranh, Vô Tranh, Phú Đô và Yên Lạc.

Trong những năm qua, huyện Phú Lương luôn quan tâm đến việc nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm chè, góp phần từng bước khẳng định, nâng cao uy tín thương hiệu chè. Cây chè được huyện xác định là loại cây trồng chủ lực đem lại hiệu quả kinh tế cao và bền vững, là cây xóa đói giảm giảm nghèo và làm giàu của nông dân. 

Toàn huyện có 44 làng nghề, làng nghề truyền thống, 25 hợp tác xã, 26 tổ hợp tác sản xuất, chế biến chè.
Toàn huyện có 44 làng nghề, làng nghề truyền thống, 25 hợp tác xã, 26 tổ hợp tác sản xuất, chế biến chè.

Là vùng đất có bề dày về lịch sử văn hóa nơi lưu giữ nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của cộng đồng các dân tộc, địa phương có diện tích chè lớn đứng thứ 2 của tỉnh, chính vì vậy Phú Lương tiếp tục thực hiện cơ cấu lại, phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng “nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh”. Huyện cũng xây dựng các sản phẩm chất lượng cao gắn với văn hoá trà và phát triển du lịch như: Du lịch nông nghiệp, du lịch lịch sử, văn hóa, tâm linh gắn với văn hóa trà… Qua đây nhằm nâng cao giá trị sản phẩm chè, để văn hoá trà trở thành yếu tố cốt lõi, tạo đà cho phát triển sản xuất nông nghiệp để sản phẩm trà không chỉ là một thức uống chủ yếu mà nó trở thành sản phẩm kết tinh giá trị văn hoá độc đáo, đồng thời khẳng định thương hiệu Trà Phú Lương “Hương vị quê hương - Vững vàng hội nhập”.

Với việc hưởng trọn nguồn nước mát từ thượng nguồn sông Cầu, được chắt lọc tự nhiên qua dòng chảy tích lũy nhiều khoáng chất và chất hữu cơ, nên dù có chế biến bằng phương pháp nào thì chè Phú Lương vẫn “tỏa hương” riêng, có vị phù sa màu mỡ của sông Cầu, thoảng hương vị cốm non lúa nếp vải thuần khiết, rất đậm vị trà nhưng chát ngọt hài hòa mà tinh tế.

Đất và người Phú Lương gắn bó với cây chè đã bao đời nay, cây chè không chỉ là cây kinh tế chủ lực của huyện mà còn là cây trồng gắn bó với nhiều nét văn hoá truyền thống của người dân Phú Lương. Dưới tán rừng, nương chè, sau những ngày nông nhàn người làm chè Phú Lương lại ngân lên điệu Sấng Cọ, âm vang trong núi rừng, nương chè là điệu múa tắc xình với ước mong mang lại những mùa màng no ấm, bội thu, mưa thuận gió hoà.

Vùng chè của HTX Trà an toàn Phú Đô (xã Phú Đô, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên).
Vùng chè của HTX Trà an toàn Phú Đô (xã Phú Đô, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên).

Huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên là vùng chè nổi tiếng có diện tích chè lớn và được thiên nhiên ưu đãi để tạo nên trà thơm ngon, riêng có. Cây chè ở Phú Lương, Thái Nguyên có từ lâu, gắn bó mật thiết với cuộc sống của người dân nơi đây qua các thế hệ. Huyện Phú Lương chú trọng phát triển thương hiệu trà gắn với văn hóa trà qua đó từng bước đem lại giá trị kinh tế to lớn và tiềm năng phát triển du lịch cho người dân địa phương.

Hoàng Tuấn - Lê Nhung