Thái Nguyên: Huyện Phú Lương đẩy mạnh sản xuất chè theo hướng an toàn, hữu cơ

Với mục tiêu nâng cao giá trị sản phẩm chè, sản phẩm chủ lực của địa phương, thời gian qua huyện Phú Lương (Thái Nguyên) đã tích cực triển khai thực hiện "Đề án phát triển, nâng cao giá trị sản phẩm chè và các sản phẩm thế mạnh huyện Phú Lương giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030".

Sản phẩm nông nghiệp ở huyện Phú Lương sản xuất theo hướng an toàn, ứng dụng công nghệ cao
Đa dạng sản phẩm trà ở huyện Phú Lương sản xuất theo hướng an toàn, ứng dụng công nghệ cao luôn được khách hàng ưa chuộng. Ảnh: Phi Long.

Theo đó, mục tiêu của Đề án là từng bước phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, đảm bảo môi trường sinh thái; hình thành được các vùng sản xuất hàng hoá tập trung với các sản phẩm nông nghiệp thế mạnh của huyện theo hướng an toàn, hữu cơ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; thúc đẩy tăng trưởng ngành nông nghiệp của huyện.

Đối với kế hoạch phát triển cây chè trên địa bàn, năm 2025 huyện Phú Lương đặt ra những mục tiêu cụ thể như: Diện tích chè đạt 4.104,4 ha, sản lượng 47.900 tấn chè búp tươi, sản lượng chè búp khô ước đạt 9.580 tấn; diện tích được chứng nhận đạt tiêu VietGAP đạt 272 ha, trong đó có 35 ha chứng nhận mới, 237 ha chứng nhận lại.

Trong đó, giá trị sản xuất chè đạt 1.480 tỷ đồng, giá trị sản phẩm trên 1 ha đất trồng chè đạt 360 - 365 triệu đồng; Có thêm ít nhất 5 sản phẩm có tem nhãn và truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Vùng nguyên liệu chè của HTX trà an toàn Phú Đô, xã Phú Đô, huyện Phú Lương. Ảnh: Phi Long.
Vùng nguyên liệu chè của HTX trà an toàn Phú Đô, xã Phú Đô, huyện Phú Lương. Ảnh: Phi Long.

Bà Nguyễn Thuý Hằng – Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Lương: Để đạt được những mục tiêu nói trên, huyện Phú Lương đang tập trung vào việc tuyên truyền, tập huấn cho các hộ sản xuất, kinh doanh chè trên địa bàn thâm canh chè kinh doanh theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ; chế biến chè theo hướng sản xuất chè xanh chất lượng cao, gắn với vùng nguyên liệu; ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong chế biến gắn với bảo quản sản phẩm.

Bên cạnh đó, địa phương còn có nhiều chính sách hỗ trợ người dân sản xuất chè như: Hỗ trợ chứng nhận mới, chứng nhận lại VietGAPtrong đó hỗ trợ 100% kinh phí chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP cho các tổ hợp tác sản xuất chè tại các xã Tức Tranh, Vô Tranh, Phú Đô, Yên Lạc với quy mô 272 ha, trong đó 35 ha chứng nhận mới, 237 ha chứng nhận lại.

Thái Nguyên: Huyện Phú Lương đẩy mạnh sản xuất chè theo hướng an toàn, hữu cơ - Ảnh 1
Thái Nguyên: Huyện Phú Lương đẩy mạnh sản xuất chè theo hướng an toàn, hữu cơ - Ảnh 2
Thái Nguyên: Huyện Phú Lương đẩy mạnh sản xuất chè theo hướng an toàn, hữu cơ - Ảnh 3
Thái Nguyên: Huyện Phú Lương đẩy mạnh sản xuất chè theo hướng an toàn, hữu cơ - Ảnh 4
Một số sản phẩm trà đạt OCOP tiêu biểu của huyện Phú Lương. Ảnh: Phi Long.
Một số sản phẩm trà đạt OCOP tiêu biểu của huyện Phú Lương. Ảnh: Phi Long.

Cùng với đó là hỗ trợ phân hữu cơ vi sinh, hỗ trợ cơ giới hóa chế biến chè cho các làng nghề, tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất chè trên địa bàn. Đồng thời, Hỗ trợ xây dựng, quản lý và quảng bá sản phẩm thông qua việc duy trì, phát triển nhãn hiệu chứng nhận chè "Phú Lương"; nhãn hiệu tập thể "chè Tức Tranh", "chè Vô Tranh". Khuyến khích, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa cho sản phẩm chè; Hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, làng nghề tham gia các hội chợ triển lãm, hội chợ thương mại, lễ hội được tổ chức trong và ngoài huyện để quảng bá, giới thiệu sản phẩm.

Đối với các sản phẩm nông nghiệp khác, huyện tập trung phát triển, nâng cao giá trị sản phẩm gạo Nếp vải Phú Lương với kế hoạch mở rộng vùng sản xuất lúa Nếp vải tập trung, diện tích 210 ha, trong đó tập trung tại 5 xã (Ôn Lương 80 ha, Phủ Lý 35 ha, Hợp Thành 40 ha, Yên Đổ 25 ha, Yên Trạch 30 ha).

Phi Long