Cho đến nay, trồng và sản xuất, chế biến trà là hình thức phát triển kinh tế nổi bật tại vùng đất Thái Nguyên. Trà Thái Nguyên trở thành thứ đặc sản không thể thiếu khi nhắc đến địa danh này.
Năm 2024, diện tích trồng chè toàn tỉnh đạt trên 22.200 ha, sản lượng chè búp tươi đạt trên 272.800 tấn, giá trị sản phẩm trà đạt 13.800 tỷ đồng. Tỉnh Thái Nguyên hiện là địa phương có diện tích, sản lượng, giá trị thu nhập từ cây chè, cũng như giá trị sản phẩm thu được trên 1ha đất trồng chè lớn nhất cả nước.
Công tác chuyển đổi cơ cấu giống chè được các địa phương trong tỉnh quan tâm, tích cực triển khai thực hiện theo định hướng trồng mới, trồng thay thế, cải tạo lại những nương chè già cỗi, năng suất, chất lượng thấp bằng các giống chè có năng suất, chất lượng cao. Từ năm 2021 đến nay, toàn tỉnh đã trồng 1.733,7 ha chè (trong đó: Trồng mới 311,6 ha; trồng thay thế 1.422,1 ha), nâng tỷ lệ diện tích chè trồng bằng giống có năng suất, chất lượng cao chiếm 82,8% tổng diện tích chè hiện có.
Cùng với chuyển đổi cơ cấu giống, các địa phương trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ trong sản xuất, chế biến chè an toàn, hữu cơ giúp nâng cao chất lượng sản phẩm. Diện tích chè áp dụng quy trình sản xuất an toàn tăng nhanh, nhiều tiến bộ khoa học, công nghệ đã được áp dụng như: Sử dụng phân bón hữu cơ, chế phẩm sinh học, công nghệ tưới tiết kiệm nước trong thâm canh chè. Toàn tỉnh có trên 7.000 ha ứng dụng công nghệ (lắp đặt hệ thống tưới nước tự động, bán tự động), chiếm 31,5% diện tích chè toàn tỉnh; 5.920 ha được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn GAP, hữu cơ (trong đó: Chứng nhận VietGAP 5.788 ha, hữu cơ và GAP khác đạt 132 ha), chiếm 26,6% diện tích chè toàn tỉnh. Hiện toàn tỉnh có 62 mã vùng trồng được gắn định vị trên hệ thống toàn cầu GPS để thực hiện theo dõi truy xuất nguồn gốc sản phẩm tạo tiền đề cho việc mở rộng thị trường xuất khẩu chè.
Sản lượng chè qua chế biến trên địa bàn toàn tỉnh đạt trên 54.600 tấn/năm, trong đó: Sản phẩm chè xanh, chè xanh chất lượng cao chiếm gần 80% tổng sản lượng; sản lượng chè đen và các sản phẩm trà khác (hồng trà, matcha, kombucha, trà lắc,...) chiếm khoảng 20% tổng sản lượng. Trên địa bàn tỉnh hiện có có 62 công ty, doanh nghiệp sản xuất, chế biến, kinh doanh chè, 168 HTX, 251 làng nghề truyền thống, trên 91.000 hộ làm chè.
Một số doanh nghiệp, hợp tác xã đã ứng dụng công nghệ chế biến đa dạng sản phẩm có thành phẩm, bao bì, nhãn mác đẹp, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng. Từ năm 2019 đến nay các địa phương đã tập trung phát triển sản phẩm OCOP từ cây chè, đến nay toàn tỉnh có 193 sản phẩm trà được chứng nhận tiêu chuẩn OCOP từ 3 - 5 sao (trong đó có 1 sản phẩm được chứng nhận tiêu chuẩn OCOP 5 sao); 47 cơ sở sản xuất, kinh doanh chè được cấp xác nhận theo chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn.
Đặc biệt, ứng dụng công nghệ số giúp thúc đẩy quảng bá, tiêu thụ sản phẩm chè thời gian qua, để quảng bá thương hiệu, nâng cơ hội tìm kiếm và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm trà Thái Nguyên, địa phương này đã tổ chức nhiều chương trình xúc tiến, quảng bá thương hiệu trà Thái Nguyên như: Festival Trà năm 2011, 2013 và năm 2015; tổ chức hội chợ triển lãm, Festival Nông sản, OCOP, làng nghề gắn kết du lịch - Thái Nguyên, chương trình "Xúc tiến sắc màu nông sản thời kỳ 4.0 - Thái Nguyên, các chương trình xúc tiến, kết nối tiêu thụ sản phẩm nông sản…
HTX chè Hảo Đạt, xã Tân Cương, TP. Thái Nguyên, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ đến với người dân vùng chè.
Từ năm 2021 đến nay, tỉnh Thái Nguyên đã hỗ trợ, giới thiệu tạo điều kiện cho hơn 2.000 lượt đơn vị, doanh nghiệp, HTX trên địa bàn tỉnh kết nối, tham gia 118 chương trình xúc tiến thương mại, trưng bày, quảng bá, giới thiệu sản phẩm do các Bộ, ngành, đơn vị ở trung ương và các tỉnh, thành phố tổ chức.
Những hoạt động này đã tạo hiệu ứng và trở thành ngày hội để người nông dân, doanh nghiệp, hợp tác xã đẩy mạnh quảng bá, truyền thông, xúc tiến, kết nối tiêu thụ sản phẩm tiêu biểu của địa phương góp phần tạo sự lan tỏa, thúc đẩy quá trình sản xuất, tiêu thụ, nâng tầm thương hiệu và tinh hoa sản phẩm nông sản tỉnh Thái Nguyên đến với thị trường các tỉnh, thành phố, định hướng xuất khẩu.
Trong năm 2023, UBND tỉnh Thái Nguyên và tổng Công ty hàng không Việt Nam đã ký kết hợp tác toàn diện giai đoạn 2023 - 2027, mở ra cơ hội hai bên phát triển xúc tiến du lịch, đầu tư thương mại và hàng không. Hiện Công ty TNHH TM và XNK Tân Cương Xanh đã vinh dự được trở thành nhà cung cấp trà Thái Nguyên trên các chuyến bay của Vietnam airline và đã xuất được những lô hàng trà cao cấp sang thị trường Anh.
Cùng với việc mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, tỉnh Thái Nguyên còn đẩy mạnh mở rộng kênh phân phối gắn với quản lý chất lượng chè Thái Nguyên tại các tỉnh thành trong cả nước. Tỉnh đã triển khai, phối hợp với Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam tuyên truyền, quảng bá văn hóa Trà và giới thiệu điểm đến du lịch Thái Nguyên trên tuyến giao thông đường sắt Hà Nội - Thái Nguyên; triển khai giới thiệu, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm trà Thái Nguyên trên các tuyến đường sắt trong cả nước.
Từ đó, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, hợp tác xã chè trong tỉnh tham gia quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP và văn hóa trà Thái Nguyên tại vùng đồng bằng sông Cửu Long (tại tỉnh Cà Mau năm 2023, tỉnh Kiên Giang năm 2024), tham gia các hoạt động quảng bá, kết nối, livetream, xúc tiến thương mại tại sự kiện, gian hàng của tỉnh.
Thông qua các hoạt động đó đã nhận được hơn 10.000 đơn hàng của khách tham quan trực tiếp, đặt hàng qua phiên livestream và 25 đầu mối tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long sẵn sàng và mong muốn ký kết làm đại lý tiêu thụ sản phẩm OCOP, sản phẩm trà của Thái Nguyên. Đây cũng là sự kiện khởi đầu thành công trong công tác phát triển, mở rộng kênh phân phối gắn với quản lý chất lượng chè Thái Nguyên ở các tỉnh thành phía Nam.
Tỉnh Thái Nguyên đặt mục tiêu đến năm 2030 diện tích chè toàn tỉnh đạt khoảng 24.500 ha, sản lượng chè búp tươi đạt trên 300.000 tấn; 70% diện tích chè được chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn GAP, hữu cơ; 70% diện tích chè được cấp mã số vùng trồng; 100% số cơ sở sản xuất chế biến, kinh doanh chè và các sản phẩm từ chè đảm bảo quy định an toàn thực phẩm; 100% doanh nghiệp, hợp tác xã có vùng nguyên liệu chè ứng dụng công nghệ số trong canh tác, quản lý chuỗi, quản lý nông sản từ quá trình sản xuất, thu hoạch, sơ chế, chế biến, bảo quản, vận chuyển, chế biến và tiêu thụ sản phẩm, tạo sự minh bạch thông tin, đảm bảo truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Cho đến nay, có 250 sản phẩm trà (chè sau chế biến) được chứng nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 3 - 5 sao, trong đó có ít nhất 6 sản phẩm trà đạt tiêu chuẩn OCOP 5 sao; 100% sản phẩm trà và sản phẩm từ chè được thương mại điện tử trên các nền tảng số.
Trên cơ sở mục tiêu đó, tỉnh Thái Nguyên đã đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ số, thương mại điện tử trong sản xuất, kinh doanh; xây dựng và triển khai hiệu quả các website thương mại điện tử để thúc đẩy quảng bá, mở rộng, tìm kiếm thị trường, tiêu thụ sản phẩm trà và các sản phẩm từ chè Thái Nguyên.
ĐỨC THỌ