Vùng chè xã Yên Lạc, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên.
Phú Lương - Tinh hoa xứ trà
Nằm ở phía Bắc của tỉnh Thái Nguyên với địa hình chủ yếu là đồi núi thấp, mang đặc trưng kiểu khí hậu ôn hòa, thổ nhưỡng với hơn 6.000 ha đất feralit đỏ vàng phù hợp cho cây chè phát triển. Chính vì vậy, cây chè bắt đầu bén rễ trên đất Phú Lương từ năm 1945. Diện tích chè tiếp tục phát triển mạnh, đến năm 1973 toàn huyện có 242 ha, năm 1989 là 1.290 ha, năm 2000 là 2.670 ha. Từ năm 2000 đến nay toàn huyện trồng mới được 1.466 ha, nâng tổng diện tích chè lên trên 4.136 ha. Đây là thời kỳ diện tích chè trồng mới tăng cao nhất so với những năm trở về trước. Sản lượng chè búp tươi đạt trên 45.000 tấn/năm.
Đặc biệt, trong việc sản xuất, thâm canh người dân đã quan tâm hơn đến việc áp dụng theo quy trình VietGAP, hữu cơ; sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học, áp dụng hệ thống tưới tiết kiệm nước, đầu tư thay thế máy móc chế biến đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Hiện toàn huyện đã có hơn 1.100 ha chè được chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP, 20ha được chứng nhận theo tiêu chuẩn hữu và 90 ha đang thực hiện mô hình tiêu chuẩn hữu cơ. Giá bán sản phẩm chè búp khô đã tăng bình quân từ 20 đến 25%/năm. Doanh thu bình quân đạt 250 - 300 triệu đồng/ha góp phần đưa giá trị sản xuất của cây chè chiếm 36% giá trị sản xuất ngành trồng trọt của huyện, đem lại giá trị kinh tế lớn cho người dân.
Việc chuyển đổi cơ cấu từ giống chè trung du già cỗi năng suất thấp sang trồng bằng giống chè mới có năng suất, chất lượng cao được người dân quan tâm chú trọng, trước năm 2000, diện tích chè toàn huyện chủ yếu là giống chè trung du thì nay diện tích chè giống mới chiếm trên 70% với các giống chủ yếu như: LDP1, TRI777, Kim Tuyên, Thuý Ngọc... đây là điều kiện thuận lợi để hình thành các vùng nguyên liệu chế biến chè xanh chất lượng cao theo định hướng của tỉnh.
Nương chè trên địa bàn xã Yên Lạc.
Cùng với nâng cao chất lượng, phẩm chất cây chè, huyện Phú Lương cũng đã luôn tích cực đồng hành với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất và Nhân dân trong việc phát triển sản xuất sản phẩm chè. Hiện nay huyện Phú Lương có 24/72 HTX hoạt động sản xuất, chế biến, kinh doanh sản phẩm chè búp khô. Một số hợp tác xã đã mạnh dạn tiếp cận các công nghệ chế biến sâu tạo ra các sản phẩm đa dạng về chủng loại như: chè đinh, chè tôm nõn, chè ướp sen, bột chè, kẹo chè, trà túi lọc.. Với 11 sản phẩm được chứng nhận OCOP thì có đến 8 sản phẩm chè với nhiều sản phẩm đạt chất lượng 4 sao. Người làm chè Phú Lương đã thành lập các mô hình tập thể, liên kết để kinh doanh quảng bá sản phẩm và áp dụng công nghệ trong chuyển đổi số giới thiệu sản phẩm trà của huyện; Tiếp tục phát triển đề án du lịch nông nghiệp, gắn cây chè với du lịch đồng thời giới thiệu những nét văn hoá truyền thống về đất và người Phú Lương.
Một số thương hiệu sản phẩm chè của huyện Phú Lương.
Một số sản phẩm trà xã Động Đạt, huyện Phú Lương.
Là vùng đất có bề dày về lịch sử văn hóa nơi lưu giữ nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của cộng đồng các dân tộc; địa phương có diện tích chè lớn đứng thứ 2 của tỉnh, chính vì vậy Phú Lương tiếp tục thực hiện cơ cấu lại, phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng “nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh”. Huyện cũng xây dựng các sản phẩm chất lượng cao gắn với văn hoá trà và phát triển du lịch như: Du lịch nông nghiệp, du lịch lịch sử, văn hóa, tâm linh gắn với văn hóa trà… Qua đây nhằm nâng cao giá trị sản phẩm chè, để văn hoá trà trở thành yếu tố cốt lõi, tạo đà cho phát triển sản xuất nông nghiệp để sản phẩm trà không chỉ là một thức uống chủ yếu mà nó trở thành sản phẩm kết tinh giá trị văn hoá độc đáo, đồng thời khẳng định thương hiệu Trà Phú Lương “Hương vị quê hương -Vững vàng hội nhập”.
Hướng phát triển nhiều tiềm năng ở Phú Lương
Với điều kiện tự nhiên thuận lợi, sản phẩm nông nghiệp đa dạng và di sản văn hóa giàu bản sắc, huyện Phú Lương (tỉnh Thái Nguyên) là địa phương có nhiều ưu thế để phát triển du lịch nông nghiệp. Du lịch nông nghiệp là sự kết hợp giữa du lịch và hoạt động nông nghiệp. Loại hình du lịch này hoạt động chủ yếu dựa trên nền tảng sản xuất nông nghiệp sẵn có của người dân, cảnh quan thiên nhiên, văn hóa cộng đồng để tạo ra sản phẩm phục vụ du khách.
Trong khi đó, tại huyện Phú Lương, nông nghiệp lại đang là lĩnh vực chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu kinh tế, với diện tích đất sản xuất nông nghiệp chiếm tới 81% tổng diện tích đất tự nhiên. Đây là điều kiện cần để Phú Lương phát triển du lịch nông nghiệp.
Phát huy thế mạnh này, thời gian qua, bằng các giải pháp đồng bộ, ngành Nông nghiệp huyện đã có sự chuyển biến rõ rệt. Trên địa bàn đã từng bước hình thành các vùng sản xuất chuyên canh tập trung, như: Vùng sản xuất chè ở 4 xã phía Đông, vùng sản xuất lâm nghiệp ở 3 xã phía Bắc, vùng trồng lúa ở các xã phía Tây và Nam.
Không chỉ vậy, một số sản phẩm nông nghiệp chủ lực cũng được xây dựng thương hiệu và đem lại giá trị kinh tế cao, trong đó, điển hình là các sản phẩm từ cây chè.
Hiện nay, toàn huyện có 4.039ha chè với sản lượng trung bình đạt trên 44 nghìn tấn; giá trị sản phẩm thu được bình quân đạt 250-280 triệu đồng/ha.
Trải nghiệm hái chè với người dân sẽ là hoạt động được đưa vào các chuyến tham quan của du khách tại Phú Lương.
Ngoài cây chè, mới đây, sản phẩm gạo nếp Vải, bánh chưng Bờ Đậu, mật ong… của địa phương cũng từng bước được xây dựng thương hiệu. Đến nay, huyện có 11 sản phẩm nông nghiệp đạt chứng nhận OCOP; xây dựng và phát triển được 57 hợp tác xã nông nghiệp; 43 làng nghề sản xuất, chế biến chè…
Bên cạnh tiềm năng về nông nghiệp, Phú Lương còn là mảnh đất giàu truyền thống văn hóa với nhiều di tích lịch sử, địa danh cách mạng nổi tiếng và giá trị văn hóa độc đáo.
Hiện nay, toàn huyện có 21 di tích lịch sử được xếp hạng, trong đó có 5 di tích quốc gia, 16 di tích cấp tỉnh. Ngoài ra, huyện còn có 6 giá trị văn hóa tiêu biểu của đồng bào các dân tộc được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia, như: Lễ hội đền Đuổm; Lễ hội Cầu mùa; múa Tắc xình, hát Sấng Cọ của người Sán Chay…
Khai thác những thế mạnh trên, thời gian qua, huyện đã bước đầu quan tâm, xây dựng Làng văn hóa du lịch cộng đồng xóm Đồng Tâm, xã Tức Tranh; Làng văn hóa xóm Đồng Xiền, Đồng Bòng (xã Yên Lạc). Các địa điểm trên đã thu hút được một số đoàn du khách đến tham quan, trải nhiệm. Bên cạnh các mô hình điểm do chính quyền địa phương hỗ trợ phát triển, hiện nay, trên địa bàn cũng có một số hộ, hợp tác xã mạnh dạn, chủ động đầu tư hạ tầng, cơ sở vật chất để phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với du lịch.
Ông Nguyễn Văn Tỵ, Giám đốc Hợp tác xã Chè an toàn Khe Cốc, cho biết: Hiện nay, Hợp tác xã đang đẩy mạnh phát triển các sản phẩm chè hữu cơ và không ngừng quảng bá, kết nối tiêu thụ sản phẩm trong và ngoài nước. Hợp tác xã vừa ký kết được hợp đồng xuất khẩu chè sang thị trường Cộng hòa Séc. Cùng với việc nâng cao chất lượng sản phẩm chè, chúng tôi cũng đang chú trọng chỉnh trang 4-5 đồi chè đẹp; tiếp tục mở rộng quy mô nhà xưởng lên 1.000m2; xây dựng khu trưng bày, nhà sàn nghỉ dưỡng; chỉnh trang cảnh quan trụ sở Hợp tác xã… để đón du khách đến tham quan, trải nghiệm.
PHI LONG