Thái Nguyên: Nâng tầm giá trị cây chè gắn với phát huy giá trị văn hoá, lịch sử

Từ lâu cây chè và văn hoá trà đã trở thành biểu tượng của người dân Thái Nguyên. Trà Thái Nguyên không chỉ đơn thuần là một thức uống, một sản phẩm nông nghiệp mà còn mang trong mình tinh thần, cốt cách của người Việt nói chung và người Thái Nguyên nói riêng.

Năm 2024, tỉnh Thái Nguyên có diện tích trồng chè trên 22.200 ha, là địa phương dẫn đầu cả nước về sản xuất chè.
Năm 2024, tỉnh Thái Nguyên có diện tích trồng chè trên 22.200 ha, là địa phương dẫn đầu cả nước về sản xuất chè.

Cũng từ nét văn hoá đặc trưng ấy đã ăn sâu, bén rễ trong đời sống kinh tế, văn hóa, tinh thần của người dân địa phương, trở thành bản sắc văn hóa vùng miền, mang giá trị biểu tượng mà bất cứ ai khi nhắc đến mảnh đất Thái Nguyên đều không thể không nhớ.

Cho đến nay, việc thưởng trà không chỉ đơn thuần là một thói quen hay một thú vui tao nhã mà còn mang đậm nét văn hóa trong giao tiếp, đối đãi hàng ngày giữa con người với nhau. Bởi chỉ cần nhìn vào cách pha trà, rót trà là đã đủ biết sự trân trọng của người mời đối với khách thế nào, thế nên pha trà là cả một nghệ thuật.

Nhận thấy được tầm quan trọng của cây chè và giá trị văn hoá mà nó mang lại, ngày 3/2/2025 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên đã ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TU về phát triển ngành chè Thái Nguyên giai đoạn 2025 - 2030.

Theo đó, định hướng của tỉnh Thái Nguyên đến năm 2030 là phát triển ngành chè gắn với mục tiêu cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng bền vững, hiện đại, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng... Tỉnh đẩy mạnh sản xuất an toàn, hữu cơ gắn với chế biến sâu, đa dạng hóa sản phẩm, tăng nhanh tỷ trọng những sản phẩm có chất lượng, giá trị cao; thu hút đầu tư, thúc đẩy sản xuất theo chuỗi, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số trong sản xuất, chế biến, kinh doanh.

Đặc biệt, Thái Nguyên tổ chức bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, lịch sử góp phần nâng cao giá trị, thương hiệu trà Thái Nguyên theo hướng tích hợp đa giá trị của trà; xúc tiến tiêu thụ, xuất khẩu và kết nối bền vững với chuỗi giá trị nông sản toàn cầu. Phấn đấu tổng giá trị sản phẩm thu được từ cây chè đến năm 2030 đạt 25.000 tỷ đồng.

Cây chè Thái Nguyên là cây trồng chủ lực gắn với giá trị văn hoá, lịch sử, làm du lịch.
Cây chè Thái Nguyên là cây trồng chủ lực gắn với giá trị văn hoá, lịch sử, làm du lịch.

Năm 2024, tỉnh Thái Nguyên có diện tích trồng chè trên 22.200 ha, sản lượng chè búp tươi đạt khoảng 272.800 tấn/năm, là địa phương dẫn đầu cả nước về sản xuất chè. Để hoàn thành mục tiêu Nghị quyết số 11 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên như đến năm 2030 diện tích chè toàn tỉnh đạt 24.500 ha, sản lượng đạt trên 300.000 tấn, 70% diện tích chè được chứng nhận tiêu chuẩn GAP, hữu cơ, được cấp mã số vùng trồng… địa phương đã ban hành và triển khai nhiều giải pháp đồng bộ.

Trong đó, tiếp tục nghiên cứu tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ, định kỳ tổ chức Festival Trà Thái Nguyên, các lễ hội trà tại các địa phương nhằm góp phần nâng tầm phát huy giá trị thương hiệu và văn hóa trà Thái Nguyên; tăng cường tổ chức, tham gia các hoạt động quảng bá, giới thiệu, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm trà và văn hóa trà Thái Nguyên tại các tỉnh trong cả nước và nước ngoài.

Tỉnh Thái Nguyên tích cực tổ chức các hoạt động kết nối cung cầu, kết nối giữa người sản xuất, kinh doanh trà trong tỉnh với các đối tác, khách hàng quốc tế.
Tỉnh Thái Nguyên tích cực tổ chức các hoạt động kết nối cung cầu, kết nối giữa người sản xuất, kinh doanh trà trong tỉnh với các đối tác, khách hàng quốc tế.

Cùng với đó, địa phương cũng tích cực tổ chức các hoạt động kết nối cung cầu, kết nối giữa vùng sản xuất chè với hệ thống phân phối, tiêu thụ; kết nối giữa người sản xuất, kinh doanh trà trong tỉnh với các đối tác, khách hàng quốc tế...

Thái Nguyên tăng cường giải pháp nâng cao năng lực hệ thống thông tin sản xuất, dự báo thị trường, cung cấp kịp thời cho doanh nghiệp và người làm chè trong tỉnh. Đồng thời, đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến nâng cao kiến thức về trà, phát triển văn hoá trà và nghệ thuật thưởng trà Thái Nguyên.

Bên cạnh đó, tập trung nghiên cứu, phục dựng, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể của các vùng chè trên địa bàn tinh nói chung, vùng chè Tân Cương nói riêng gắn với nâng cao giá trị cây chè và sản phẩm trà Thái Nguyên.

Xây dựng hệ tri thức về văn minh trà và văn hóa trà Thái Nguyên trên cơ sở phát triển "Tri thức trồng và chế biến chè Tân Cương" đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Quy hoạch, xây dựng Bảo tàng trà, các không gian lễ hội, không gian thưởng trà, không gian thờ tự, tưởng nhớ, tri ân công lao của các vị Tổ nghề chè, quần thể chè cổ thụ... góp phần bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị di sản văn hóa trà Thái Nguyên gắn với phát triển du lịch và lễ hội văn hóa đặc trưng của các địa phương.

Lập hồ sơ trình công nhận cây chè cổ tỉnh Thái Nguyên là "Cây di sản Việt Nam"; đồng thời xây dựng phương án bảo vệ, quản lý, giữ gìn, kéo dài tuổi thọ của các cây chè cổ.

Tăng cường công tác giáo dục truyền thống, văn hóa, đẩy mạnh phát triển du lịch gắn với việc bảo tồn các giá trị sản phẩm trà; hình thành ý thức trân quý và trách nhiệm bảo tồn cây chè và sản phẩm trà trong các tầng lớp nhân dân.

Huy động các nguồn lực đầu tư phát triển ngành chè trong đó chú trọng thực hiện các giải pháp nhằm thu hút đội ngũ chuyên gia tư vấn và nguồn nhân lực chất lượng cao để đáp ứng yêu cầu đầu tư, phát triển cây chè và sản phẩm trà Thái Nguyên.

PHI LONG