Thái Nguyên: Thạc sĩ 9x bỏ thành phố về quê say mê với trà hữu cơ

Năm 26 tuổi, cầm trên tay tấm bằng thạc sĩ chuyên ngành Quản lý Tài nguyên và Môi trường, Đại học Khoa học - Đại học Thái Nguyên, anh Hoàng Văn Tuấn quyết định rời phố thị về vùng chè quê hương khởi nghiệp và say mê với trà hữu cơ sạch.

Hoàng Văn Tuấn sinh năm 1993 ở làng nghề chè thuộc xóm Phú Thọ, xã Phú Đô, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên. Vùng chè đặc sản Phú Lương Thái Nguyên này đã nuôi sống biết bao người dân ở đây và cũng là nguồn thu nhập chính của gia đình anh. Mặc dù đó là nghề truyền thống, gắn bó từ nhiều đời, nhưng bố mẹ Tuấn lại không muốn con trai nối nghiệp gia đình mà hy vọng con được ra ngoài, làm một công việc nhàn hạ hơn.

Anh Tuấn bên vườn chè hữu cơ của gia đình
Anh Tuấn bên vườn chè hữu cơ của gia đình

Chàng trai trẻ chia sẻ, ngay từ đầu đã có nguyện vọng được ở nhà theo nghề truyền thống nhưng bố mẹ nhất quyết không đồng ý. Anh chàng đành phải đi xin việc cho bố mẹ vui lòng. Không dừng lại ở đó, Tuấn kiên nhẫn thuyết phục bố mẹ, sau nhiều cố gắng, chàng trai thạc sĩ cũng có được cái gật đầu để được sống với niềm đam mê của một người nông dân.

Được biết, năm 16 tuổi Tuấn với hoài bão căng tràn nhựa sống với khát khao cháy bỏng làm một điều gì đó có ý nghĩa với nơi quê hương mình đã chôn rau cắt rốn. Thửa đó quê Tuấn nghèo lắm, những người nông dân trồng trà hăng say lao động trên nương trà, cái nắng đi qua những mùa hè khiến người nông dân rất vất vả với thời tiết khắc nghiệt…nhưng đánh đổi lại thu nhập giá trị kinh tế cũng không được nhiều.

Với quyết tâm và ước mơ sẽ làm ra những sản phẩm mang thương hiệu trà hữu cơ sạch Thái Nguyên. Tuấn đã học theo chỉ  dạy của bố mẹ và những kiến thức trên sách vở về cách làm trà, kỹ thuật chăm sóc…mà không cần dùng tới phân bón hóa học, hay thuốc trừ sâu như ngày nay.

Tuấn chăm chỉ, ham học hỏi và làm trà bằng cả trái tim đam mê. Bí quyết để chè ngon và mang hương vị đặc biệt theo Tuấn nằm ở trong chính cái tâm làm nghề của mình. "Làm chè là làm thức quà tinh hoa của trời đất ban tặng, nên người làm trà chân chính cần tỉ mỉ trong tất cả các khâu, không vội vàng, không lo lắng, vô lo vô nghĩ" hiện tại sản phẩm trà của Tuấn đã được đăng ký mã số, mã vạch (GS1 Viet Nam) và tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Trà hữu cơ mang lại nguồn thu nhập ổn định cho anh Tuấn
Trà hữu cơ mang lại nguồn thu nhập ổn định cho anh Tuấn

Khởi nghiệp không một chút lo lắng, đắn đo dù gặp nhiều khó khăn về nguồn vốn đầu tư và đầu ra sản phẩm, vì không phải ai cũng hiểu giá trị của trà hữu cơ, nhưng Tuấn vẫn "dấn thân". Chàng trai trẻ thời gian đầu khắc phục khó khăn bằng cách đi học hỏi thêm kinh nghiệm thực tế, tự tìm các giải pháp để nâng cao giá trị của trà cũng như nuôi dưỡng đất. Hiện tại mọi hoạt động đã đi vào ổn định, đồi trà đã cho thu nhập ổn định thu trung bình 450kg/năm doanh thu 90 triệu/năm, lãi 3,5 triệu/ tháng sau khi trừ hết chi phí.

Khi được hỏi có tiếc những tháng ngày học đại học và cao học của mình không, chàng trai trẻ trả lời chẳng coi đó là những tháng ngày phí hoài vì đó là quãng thời gian ý nghĩa vì mình đã học chuyên ngành tài nguyên và môi trường, ngành địa lý tự nhiên cũng có nhiều kiến thức áp dụng được vào trong lĩnh vực làm trà hữu cơ sạch…

Ngoài ra, anh muốn quy hoạch lại các khu thành một hệ thống để có thể chăm sóc một cách dễ dàng hơn. Một ước mơ xa hơn nữa là mở cửa vườn chè để mọi người có thể đến trải nghiệm các công đoạn làm chè để thấu hiểu được sự vất vả của người làm trà.

Hiện nay đã có rất nhiều sản phẩm trà được nhiều khách hàng ưa chuộng
Hiện nay đã có rất nhiều sản phẩm trà được nhiều khách hàng ưa chuộng

Tuấn - chàng thạc sĩ chuyên ngành quản lý tài nguyên và môi trường năm nào đã không lựa chọn một công việc nhàn hạ hơn như bố mẹ kỳ vọng. Nhưng với chàng trai này, được sống, làm việc đúng với đam mê của mình dù vất vả nhưng lúc nào cũng vui và mãn nguyện. “Hôm nay tôi chưa thành công, có lẽ vậy, nhưng tôi thật hạnh phúc vì tôi đang đi đúng hướng, làm đúng việc mà con người, đang cần “ làm việc sạch, ăn uống sạch” – Tuấn tâm sự.

Sơn Thủy