Ngày 24/4, thông tin từ Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) đã ban hành văn bản khẩn gửi sở y tế các tỉnh, thành phố và các cơ sở sản xuất kinh doanh mỹ phẩm, yêu cầu tập trung thanh tra, kiểm tra hoạt động kinh doanh mỹ phẩm trực tuyến. Quyết định này được đưa ra sau khi cơ quan chức năng phát hiện nhiều cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm pháp luật trong sản xuất, kinh doanh và quảng cáo mỹ phẩm.
Thị trường mỹ phẩm online trước "bão" kiểm tra từ Bộ Y tế. Ảnh: minh họa - IT
Theo Cục Quản lý Dược, qua công tác theo dõi và phản ánh từ báo chí, tình trạng kinh doanh mỹ phẩm không rõ nguồn gốc, hàng xách tay không được kiểm định, hàng giả mạo nhãn mác, chưa được cấp phép lưu hành diễn ra khá phổ biến trên các nền tảng như Facebook, TikTok, Zalo, YouTube và các sàn thương mại điện tử. Điều đáng lo ngại là nhiều sản phẩm có dấu hiệu nhập lậu và trốn thuế, gây thất thu cho ngân sách nhà nước và tiềm ẩn nguy cơ gây hại cho sức khỏe người tiêu dùng.
Không chỉ dừng lại ở nguồn gốc và chất lượng sản phẩm, vấn đề quảng cáo mỹ phẩm sai lệch cũng khiến dư luận bức xúc. Nhiều đối tượng đã lợi dụng sự tin tưởng của người dùng mạng xã hội để quảng bá sản phẩm một cách thổi phồng, không đúng với bản chất, công dụng thực tế đã được công bố. Thậm chí, có trường hợp quảng cáo mỹ phẩm gây hiểu lầm là thuốc chữa bệnh, sử dụng hình ảnh, danh tiếng của các cơ sở y tế, bác sĩ, dược sĩ để tăng độ tin cậy ảo.
Trước thực trạng đáng báo động này, Cục Quản lý Dược đã yêu cầu sở y tế các địa phương chủ động phối hợp với Ban chỉ đạo 389 (chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả), chi cục quản lý thị trường và các ngành chức năng liên quan để tăng cường thanh tra, kiểm tra mỹ phẩm lưu thông trên thị trường, đặc biệt là trên các kênh trực tuyến.
Trọng tâm kiểm tra sẽ tập trung vào các hành vi, cụ thể: Kinh doanh mỹ phẩm trái phép, mỹ phẩm nghi ngờ giả mạo; mỹ phẩm chưa được cấp số tiếp nhận phiếu công bố sản phẩm; mỹ phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ; quảng cáo mỹ phẩm có tính năng, công dụng vượt quá bản chất sản phẩm đã công bố hoặc gây hiểu lầm là thuốc.
Cục Quản lý Dược nhấn mạnh rằng các tổ chức, cá nhân vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, bao gồm cả việc thu hồi, tiêu hủy toàn bộ sản phẩm vi phạm và chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để xử lý hình sự nếu có dấu hiệu tội phạm.
Bộ Y tế cũng tái khẳng định yêu cầu các tổ chức, cá nhân chỉ được phép sản xuất, gia công mỹ phẩm tại các cơ sở đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện và chỉ được đưa sản phẩm ra lưu thông khi đã được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp phép, đồng thời phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về tính an toàn, chất lượng và hiệu quả của sản phẩm.
Động thái quyết liệt này của Bộ Y tế được kỳ vọng sẽ góp phần chấn chỉnh thị trường mỹ phẩm trực tuyến, bảo vệ người tiêu dùng khỏi nguy cơ mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng và những quảng cáo sai sự thật, đồng thời tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, cạnh tranh công bằng cho các doanh nghiệp chân chính. Người tiêu dùng cũng cần nâng cao cảnh giác, tìm hiểu kỹ thông tin sản phẩm và người bán trước khi quyết định mua hàng trực tuyến.
Bùi Quốc Dũng