Doanh nghiệp cần lưu ý tuân thủ nghiêm ngặt Lệnh 248, 249
Với những yêu cầu ngày càng cao, Trung Quốc không còn là thị trường xuất khẩu dễ tính với Việt Nam. Họ đòi hỏi các doanh nghiệp, nhà sản xuất Việt Nam cần phải thay đổi tư duy, cách tiếp cận để có thể giữ vững thị phần xuất khẩu sang thị trường hơn 1,3 tỷ dân này.
Tính đến tháng 10/2021, xuất khẩu nông sản, thủy sản sang Trung Quốc ước đạt 7,5 tỉ USD, chiếm 19,3% thị phần, là thị trường lớn thứ 2 về giá trị của Việt Nam, chỉ sau Mỹ. Những năm trước đây, việc xuất khẩu nông sản, thực phẩm sang Trung Quốc khá dễ dàng, chủ yếu theo nhu cầu thị trường, thuận mua vừa bán, ngoài hoạt động xuất khẩu chính ngạch còn phổ biến buôn bán tiểu ngạch. Thế nhưng, vài năm gần đây, phía Trung Quốc ngày càng nâng cao tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc và siết chặt buôn bán tiểu ngạch.
Đại diện Bộ Công Thương cho biết, Chính phủ Trung Quốc vừa ban hành lệnh 248 về “Quy định về đăng ký và quản lý doanh nghiệp sản xuất thực phẩm nhập khẩu nước ngoài” và lệnh 249 về “Biện pháp quản lý an toàn thực phẩm xuất, nhập khẩu”, có hiệu lực từ ngày 1-1-2022. Theo đó, với lệnh 248, toàn bộ doanh nghiệp nước ngoài sản xuất thực phẩm xuất khẩu sang Trung Quốc đều phải đăng ký với hải quan Trung Quốc. Trong đó, nhóm 1 gồm 18 nhóm mặt hàng phải đăng ký thông qua các cơ quan quản lý nhà nước; nhóm 2 là thực phẩm (ngoài 18 mặt hàng thuộc nhóm 1) đăng ký trực tiếp với hải quan Trung Quốc.
Riêng với lệnh 249 sẽ tập trung thắt chặt công tác kiểm định chất lượng sản phẩm, bao bì hàng hóa. Trong đó, nhấn mạnh đến yếu tố cơ sở sản xuất phải tự chịu trách nhiệm về an toàn thực phẩm với thực phẩm sản xuất. Ngoài ra, lệnh này cũng là lần đầu tiên Trung Quốc chính thức chấp nhận phương án đánh giá trực tuyến.
Với Lệnh 249, doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm về an toàn thực phẩm ngay cả khi sản phẩm đã XK sang Trung Quốc. Do đó, các doanh nghiệp cần lưu ý lựa chọn những đối tác đảm bảo, tin cậy nhằm giúp việc lưu trữ hồ sơ (tối thiểu 6 tháng), bên cạnh các yếu tố như kho bãi, vận chuyển. Một yếu tố nữa mà các doanh nghiệp cần đặc biệt lưu ý là các vấn đề về vệ sinh khi chế biến, đóng gói thực phẩm như: Đi găng tay lúc sản xuất, có quy định rõ ràng với kho, nhà xưởng, chọn các nhà cung cấp nguyên liệu rõ ràng, minh bạch, có thể truy xuất được nguồn gốc.
Bà Đinh Thị Phương Khanh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Long An chia sẻ, do dịch COVID-19 nên phải thực hiện kiểm tra doanh nghiệp trực tuyến về an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, việc kiểm tra trực tuyến cũng còn khó khăn, tồn tại, điển hình như vừa qua khi kiểm tra trực tuyến các doanh nghiệp lớn không đạt yêu cầu thì doanh nghiệp nhỏ sẽ khó khăn hơn nữa. Do đó, các cục chuyên môn cần có hướng dẫn chi tiết hơn để tránh có những sai sót trong kiểm tra trực tuyến.
Với các quy định mới của Trung Quốc, các đơn vị cần kịp thời cung cấp tài liệu, kèm hình ảnh minh họa các quy định để các địa phương làm tư liệu, tuyên truyền, hướng dẫn dễ dàng cho doanh nghiệp; đồng thời tăng cường đào tạo tập huấn cho các địa phương.
Theo bà Đinh Thị Phương Khanh, thông tin thị trường còn chậm, chẳng hạn khi hàng bị cảnh báo mà doanh nghiệp chưa cập nhật kịp sẽ gây tốn kém khi hàng hóa vẫn ra cảng rồi không được thông quan lại phải quay trở về.
Chia sẻ với báo chí về việc triển khai công tác hướng dẫn cho doanh nghiệp để có thể thích ứng tốt các quy định trong Lệnh 248, 249, ông Lê Thanh Hòa, Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) cho biết, Văn phòng SPS Việt Nam sẽ phối hợp chặt chẽ với các đơn vị của Bộ NN&PTNT trong việc hướng dẫn, cung cấp thông tin cho doanh nghiệp để thích ứng với Lệnh 248, 249 của Trung Quốc.
Một trong những nội dung chính của việc hợp tác sẽ là kết hợp Trung tâm Khuyến nông Quốc gia triển khai các mô hình nông nghiệp tốt. Trên cơ sở tiêu chuẩn AseanGAP, các doanh nghiệp sẽ phát triển và xây dựng vùng trồng, vùng nuôi, đáp ứng những tiêu chuẩn mới.
Ngoài ra, Văn phòng SPS Việt Nam sẽ liên kết với Cục Bảo vệ thực vật trong việc triển khai tập huấn về các tiêu chuẩn kỹ thuật, xây dựng hồ sơ để doanh nghiệp đáp ứng với Lệnh 248, 249. Văn phòng SPS Việt Nam cam kết sẽ tổ chức nhiều buổi tập huấn, diễn đàn từ nay đến cuối năm 2021 để các doanh nghiệp chế biến, XK thực phẩm lớn nắm rõ mọi quy cách từ sản xuất, thu hoạch, đóng gói, cho tới vận chuyển, lưu thông.
Phụ trách kỹ thuật của doanh nghiệp cần phải nắm chắc quy định, và tiêu chuẩn kỹ thuật trong việc giám sát chất lượng. Phía Trung Quốc có thể kiểm tra trực tuyến bất cứ lúc nào, theo tinh thần Lệnh 248, 249.
Thông tin trước báo chí, ông Trần Quốc Khánh, thứ trưởng Bộ Công thương cho hay, việc hướng dẫn các quy định của Trung Quốc trong lĩnh vực nhập khẩu nông sản do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì. Bộ Công thương cũng sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để hướng dẫn các doanh nghiệp, những mảng do Bộ Công Thương phụ trách, đồng thời khuyến cáo doanh nghiệp xuất khẩu chính ngạch.
“Chúng ta thấy là những quy định này chủ yếu sẽ ảnh hưởng đến xuất khẩu theo hình thức trao đổi cư dân biên giới (xuất khẩu tiểu ngạch). Từ trước đến nay thì chúng ta có thực tiễn là khu vực biên giới phía Bắc là chủ yếu xuất khẩu không theo hình thức chính ngạch mà xuất khẩu theo hình thức trao đổi cư dân, những hợp đồng bằng miệng, không có hợp đồng chính thức và cũng không tuân theo một quy chuẩn, quy tắc nào cả. Còn những doanh nghiệp xuất khẩu theo hình thức chính ngạch thì dễ đáp ứng các điều kiện mới này của Trung Quốc hơn, bởi vì về cơ bản thì cũng chỉ là đăng ký doanh nghiệp xuất khẩu thôi”, ông Khánh chia sẻ.
Biện pháp mở rộng thị trường xuất khẩu nông sản
Vào cuối tháng 10/2021, Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Hiệu đã tiếp và làm việc với lãnh đạo tỉnh Lai Châu để trao đổi việc thúc đẩy tiêu thụ các sản phẩm nông sản có tiềm năng và thế mạnh của tỉnh.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu Hà Trọng Hải cho biết, Lai Châu có diện tích đất nông nghiệp chiếm trên 58% diện tích tự nhiên nên tỉnh có lợi thế phát triển nhiều sản phẩm nông nghiệp như lúa chất lượng cao, chè, mắc ca, cây ăn quả ôn đới, nhiệt đới, cây dược liệu, rau củ quả, hoa...
Trong những năm qua, Lai Châu đã tập trung chỉ đạo phát triển và hình thành một số vùng sản xuất tập trung các sản phẩm như chè, mắc ca, cao su, thảo quả, chuối..., bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế góp phần giảm nghèo cho người dân.
Đặc biệt, toàn tỉnh hiện có tổng diện tích chè 8.620 ha, trong đó diện tích chè kinh doanh 5.970 ha; tập trung tại các huyện Tam Đường, Tân Uyên, Than Uyên, Sìn Hồ, Phong Thổ và thành phố Lai Châu.
Sản lượng chè búp tươi đạt trên 40.000 tấn/năm. Cơ cấu giống trồng chủ yếu là giống chè Shan, Kim Tuyên, PH8. Hiện có 74 cơ sở chế biến, trong đó có 13 doanh nghiệp, hợp tác xà có quy mô chế biến từ 15 tấn chè búp tươi/ngày trở lên, sản lượng chè khô chế biến năm 2020 đạt 8.837 tấn và dự kiến năm 2021 khoảng gần 10 nghìn tấn.
Trong thời gian qua, các cơ sở chế biến chè đã đầu tư dây chuyền máy móc, thiết bị, tạo ra sản phẩm đáp ứng được yêu cầu của một số thị trường xuất khẩu như Afghanistan, Đài Loan (Trung Quốc), Trung Quốc và một số sản phẩm chế biến sâu phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu ở phân khúc thị trường cao cấp như Đức, Hà Lan.
Thực hiện nhiệm vụ ngoại giao phục vụ phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt là hỗ trợ các địa phương hội nhập, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm, Bộ Ngoại giao nói chung và các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài nói riêng sẽ phối hợp với tỉnh trong đẩy mạnh xuất khẩu nông sản... để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của Lai Châu.
Thứ trưởng Phạm Quang Hiệu đề nghị các đơn vị chức năng và doanh nghiệp xuất khẩu của tỉnh, trong đó đầu mối là Sở Ngoại vụ, phối hợp với các đơn vị đầu mối của Bộ Ngoại giao là Vụ Trung Đông - châu Phi, Vụ Đông Nam Á - Nam Á - Nam Thái Bình Dương, Cục Ngoại vụ và Vụ Tổng hợp Kinh tế trao đổi cụ thể các dự án, đề xuất phương hướng hợp tác với các đối tác… mà tỉnh cần thúc đẩy tại các địa bàn Trung Đông, châu Phi, Trung Quốc và cả khu vực châu Âu, Mỹ.
Trước mắt, đối với các mặt hàng thế mạnh của tỉnh Lai Châu như chè, chuối, cao su…, các đơn vị liên quan hai bên sẽ cùng trao đổi, tìm phương hướng để tháo gỡ khó khăn về thị trường, đối tác…, nhanh chóng tìm đầu ra cho các sản phẩm này.