Thực phẩm Sao Ta (FMC): Triển vọng dài hạn tươi sáng

Theo KBSV, sự hỗ trợ từ các cổ đông chiến lược Tập đoàn PAN và C.P Việt Nam giúp Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta (FMC) mở rộng chiến lược kinh doanh và tận dụng thế mạnh của mỗi bên để tương trợ nhau.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Trong báo cáo phân tích mới được cập nhật đối với CTCP Thực phẩm Sao Ta (FMC), Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cho biết, ngành tôm nói chung vẫn có nhiều dư địa phát triển trong dài hạn nhờ nhu cầu tiêu thụ sản phẩm thuỷ sản ngày càng tăng mạnh trên thế giới; các sản phẩm tôm chế biến sâu của Việt Nam đang chiếm vị thế số 1 toàn cầu; các hiệp định thương mại quốc tế giúp xuất khẩu tôm Việt Nam có lợi thế hơn.

Trong giai đoạn 2022-2025, 2 nhà máy mới đi vào hoạt động dự kiến giúp FMC tăng năng suất sản xuất từ khoảng 21.000 tấn/năm ở hiện tại lên 41.000 tấn/năm, mở rộng vùng nuôi từ 332 ha lên 520 ha giúp FMC nâng khả năng tự chủ tôm đầu vào lên 40%.

Báo cáo phân tích của KBSV cũng cho biết, sự hỗ trợ từ các cổ đông chiến lược Tập đoàn PAN và C.P Việt Nam giúp công ty mở rộng chiến lược kinh doanh và tận dụng thế mạnh của mỗi bên để tương trợ nhau. PAN Group có thể hỗ trợ về quản lý và chiến lược cũng như mở rộng thị trường, tìm kiếm khách hàng mới; trong khi C.P Việt Nam sẽ hỗ trợ quy trình chăn nuôi đầu vào, tiết kiệm chi phí nuôi tôm cho FMC.

Theo KBSV, gần đây, công ty có xu hướng duy trì chính sách cổ tức tiền mặt tương đối ổn định, thường 20-25%. Dựa trên KQKD hiện tại và dự phóng, KBSV đánh giá FMC có khả năng tiếp tục duy trì tỷ lệ chi trả cổ tức ở mức này trong giai đoạn tới.

KBSV dự phóng năm 2023/2024, doanh thu thuần của FMC có thể đạt 5.875 tỷ đồng (tăng 3% so với năm trước)/ 6.406 tỷ đồng (tăng trưởng 9,5%); lợi nhuận sau thuế đạt 360 (tăng trưởng 4%)/439 tỷ đồng (tăng trưởng 22%). KBSV khuyến nghị mua đối với cổ phiếu FMC, giá mục tiêu là 46.800 đồng/CP.