Thức trắng đêm cứu chè giữa chảo lửa miền Trung

Gần 2 tháng nay hàng trăm hộ dân trồng chè ở huyện miền núi Hương Sơn, Hà Tĩnh đang mất ăn, mất ngủ cố gắng tìm mọi cách để cứu sống cây chè, nơi mà nguồn thu nhập chính của người dân đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Một diện tích lớn chè bị khô héo phải trồng lại
Một diện tích lớn chè bị khô héo phải trồng lại

Đợt nắng nóng lịch sử này kéo dài gần 2 tháng nay, có nơi nhiệt độ lên đến 40 -41C, cùng với nắng là những trận gió Lào khô nóng đang làm cho những đồi chè nơi đây trở nên khô héo, dù đang là mùa thu hoạch. Để chống hạn cho những đồi chè nơi đây người dân cũng như xí nghiệp chè đã phải dùng nhiều biện pháp khác nhau để cứu lấy đồi chè.

Chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là những đồi chè của người dân, doanh nghiệp thuộc các xã Sơn Tây, Sơn Lĩnh, Sơn Kim 2. Tìm đến các địa phương này, đâu cũng thấy những gốc chè héo, chết khô, người trồng phải nhổ bỏ.

Việc thu hoạch chè cũng được diễn ra vào ban đêm để tránh nắng
Việc thu hoạch chè cũng được diễn ra vào ban đêm để tránh nắng

Thức trắng đêm để cứu lấy vườn chè của gia đình mình ông Cường (xóm Hà Chua, Sơn Tây, Hương Sơn, Hà Tĩnh) cho biết, cứ 4 giờ chiều hai vợ chồng ông lại lỉnh khỉnh vòi bơm, đèn pin, máy móc để ra đồng tưới chè, người phụ trách lắp máy, người phụ trách đưa vòi từ sông lên cánh đồng chè.

Để có nguồn nước, ông Cường ngoài hệ thống máy bơm mượn của xí nghiệp chè, như gia đình ông đã phải đầu tư thêm vòi bơm với công suất lớn, cùng hệ thống tưới phun mưa với chi phí hàng chục triệu đồng hút nước từ sông Ngàn Phố cách cánh đồng chè khoảng 300-400m. Tuy nhiên, việc hút nước từ sông cũng gặp nhiều khó khăn do khoảng cách xa, thường xuyên bị tắc vòi dẫn.

“Gia đình tôi trồng hơn 1 héc ta chè, đêm nào cũng vậy chúng tôi phải thức trắng từ 4h chiều hôm nay đến 9h sáng hôm sau mới tưới xong diện tích trên. Nhiều lúc rất mệt nhưng cũng phải cố ra đồng, chỉ cần vài ngày không đủ nước tưới thì chè sẽ héo khô” – ông Cường nói.

Những chiếc vòi bơm lớn được tận dụng hết công suất
Những chiếc vòi bơm lớn được tận dụng hết công suất

Để có nước tưới cho chè, ngoài việc lấy nước ở con sông Ngàn Phố thì những hộ gân ở đây phải bỏ cả chục triệu đồng thuê người đào giếng để có nước. Những chiếc vòi bơm công suất lớn được hoạt động hết công suất.

Gia đình chị Lê Thị Hằng (trú xã Sơn Kim 2) có 6 sào chè ở cách xa sông nên phải bỏ gần 20 triệu đồng thuê người đào giếng và sắm máy bơm ngay tại nương chè để phục vụ cho việc cứu hạn.

“Diện tích chè của gia đình tôi mới trồng được 2 năm, do đợt nóng năm nay kéo dài, lo sợ chưa được thu hoạch chè đã chết hết nên chúng tôi phải vay mượn tiền để sắm máy móc, đào giếng để có nước tưới” – chị Hằng nói.

Cũng theo chị Hằng , công việc tưới nước vào buổi đêm rất vất vả, nhiều lúc mệt quá mọi người thay nhau nghỉ ngơi ngay tại chiếc võng mắc tạm bợ trong túp lều giữa nương chè ít phút rồi lại tiếp tục công việc.

“Nhiều đêm thức trắng cứu hạn cho chè ai nấy đều phờ phạc, nhưng vì nguồn kinh tế chủ lực của cả gia đình nên phải cố gắng hết sức. Chỉ cần thiếu nước một vài ngày là chè chết đi rất nhiều, không nói hết được vất vả chú à” – chị Hằng nói thêm.

Chị Nguyễn Thị Lý (xã Sơn Tây) chia sẻ, “chúng tôi phải sắm những chiếc vòi bơm công suất lớn, với vòi bơm vừa to vừa nặng mới có thể kịp tưới hết diện tích chè của mình, tuy nhiên để di chuyển nó đi khắp ruộng chè của mình là một điều không đơn giản. Hôm nào đi tưới chè về hai cánh tay đều rã rời tưởng chừng như muốn rơi ra khỏi cơ thể, vì miếng cơm manh áo nên đành phải cố gắng thôi”.

Không những tưới nước cứu hạn, những người trồng chè ở đây còn tận dụng thời gian buổi đêm để thu hoạch những búp chè tươi, vớt vát lại công sức ròng rã hàng năm trời.

“Những năm trước, giá chè búp 68.000 đồng/yến nhưng năm nay do ảnh hưởng của dịch Covid-19 mức giá chỉ còn 64.000 đồng/ yến. Giá thấp cộng thêm nắng nóng năng suất giảm mạnh thu hoạch mùa này không bù đủ cho việc phục vụ tưới tiêu” – bà Nguyễn Thị Hợi một hộ trồng chè khác cho biết.

Đối với bà con trồng chè nơi đây lúc màm đêm buông xuống cũng là lúc họ ý ới gọi nhau ra đồng. Những chiếc đèn pin đội đầu, hay những chiếc bóng đèn tích điện phát sáng ra từ cánh đồng chè nhìn từ xa giống nhưng những con đom đóm khổng lồ chiếu sáng cả một vùng trời.

Ông Nguyễn Văn Sơn - Giám đốc Xí nghiệp chè Tây Sơn cho hay, cứ chuẩn bị đến dịp nắng nóng đơn vị lại cử cán bộ xuống từng địa bàn để hướng dẫn bà con cách chống hạn cho chè, cách đào giếng để lấy nguồn nước, hướng dẫn bà con cách chống hạn cho cây chè cũng tùy vào từng độ tuổi để có lượng nước cho phù hợp.

Theo ông Sơn giải pháp bơm tưới bằng máy bơm truyền thống chỉ là giải pháp tình thế tạm thời, tốn công sức và rất lãng phí nước. Về lâu dài, cần đầu tư hệ thống tưới bằng béc phun sương tự động, vừa đảm bảo không tốn công lao động, tưới được đều, đặc biệt là tiết kiệm nước.

Với tình trạng nắng nóng đang diễn ra phức tạp như hiện nay, người dân trồng chè ở huyện Hương Sơn mong muốn được có đường điện kéo dài suốt cánh đồng chè để người nông dân chủ động và dễ dàng hơn giải pháp chống hạn kịp thời, nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại. Bên cạnh đó họ cũng cần có sự đồng hành của các xí nghiệp chè trên địa bàn.

Diễm Phước

Từ khóa: