Bên cạnh những khó khăn chung của nền kinh tế thế giới cùng với nhiều yếu tố bất lợi trong nước đã tác động tiêu cực tới sự phát triển của kinh tế và thương mại Việt Nam, đặc biệt là những tháng cuối năm 2022 và kéo dài sang năm 2023. Tuy nhiên, VECOM ước tính, thương mại điện tử Việt Nam vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng trên 25% và đạt quy mô trên 20 tỷ USD.
Theo đó, dấu ấn quan trọng nhất của thương mại điện tử có thể kể đến là số người tiêu dùng trực tuyến mới tiếp tục tăng lên cả về số lượng và chất lượng. Người tiêu dùng mua nhiều hơn, giá trị mua hàng càng ngày càng cao lên; đông đảo người mua đã trở thành người tiêu dùng thông minh, thành thạo kỹ năng mua sắm trực tuyến hơn.
Các doanh nghiệp thương mại điện tử cũng đã tích cực chuyển đổi số để thích nghi với đại dịch COVID-19 cũng như chuẩn bị cho hoạt động kinh doanh trong trạng thái “bình thường mới”. Tuy nhiên, song song với tốc độ phát triển nhanh như hiện nay, cần định hướng để thương mại điện tử có thể phát triển một cách bền vững hơn. Từ đó, giúp thúc đẩy lĩnh vực này tăng trưởng vững chắc, dài hạn trong thời gian tới.
Về lĩnh vực xuất nhập khẩu, đây được đánh giá là một trong những trụ cột quan trọng của nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, do tác động hậu COVID-19 và những hệ lụy kéo theo, lĩnh vực xuất nhập khẩu những năm qua cũng chịu nhiều tác động lớn, đặc biệt khi việc di chuyển kết nối giao thương bị hạn chế càng tác động tiêu cực hơn tới quy mô và tốc độ tăng trưởng của Ngành.
Trước bối cảnh đó, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu đã năng động ứng dụng các giải pháp kinh doanh online thông qua thương mại điện tử, mở rộng kênh tiếp cận với khách hàng trong và ngoài nước với mức chi phí thấp và hiệu quả cao. Lĩnh vực xuất khẩu trực tuyến cũng đang dần trở thành một xu hướng thu hút sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp trong ngành thời gian vừa qua.
Bên cạnh đó, Sự phát triển của TMĐT cũng thúc đẩy hành vi tiêu dùng của người mua thay đổi từ mua sắm trực tiếp sang mua sắm qua các kênh TMĐT. Sự gia tăng khối lượng giao dịch TMĐT khiến nhu cầu vận tải, logistics và giao hàng tăng cao, điều này vừa là cơ hội, vừa là thách thức trong những năm vừa qua cho dịch vụ logistics trong TMĐT.
Trong thương mại điện tử, người mua có thể mua sắm không giới hạn khu vực địa lý, có thể đặt mua một sản phẩm hàng hoá bất kỳ tại quốc gia khác hay vùng miền khác qua website, thông tin đơn hàng sẽ được truyền đi và chấp nhận với tốc độ gần như tức thời. Nhưng ngược lại, việc vận chuyển hàng hóa không thể đến tay người dùng ngay, mà sẽ vẫn cần vượt qua khoảng cách địa lý nhất định. Điều này được thực hiện bởi hệ thống logistics. Bởi vậy, dù các giao dịch được thực hiện trên môi trường internet nhưng dịch vụ logistics lại là mắt xích không thể thiếu để hoàn thành các đơn hàng và giao dịch.
Các chuyên gia cho rằng, thương mại điện tử còn nhiều tiềm năng, xu hướng của người tiêu dùng có ảnh hưởng tới nền kinh tế số, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu sẽ là cơ hội cho thương mại điện tử bởi mua sắm online là một trong những biện pháp giúp người tiêu dùng cắt giảm chi tiêu trong thời kì suy thoái kinh tế.
Do đó, doanh nghiệp cần tận dụng cơ hội này. Các doanh nghiệp cần đa dạng hóa và xây dựng chiến lược nền tảng đúng đắn. Theo đó, các nhà bán lẻ thương mại điện tử, ứng dụng giao đồ ăn và bán hàng qua mạng xã hội là những nền tảng có tỉ lệ chuyển đổi mua hàng cao nhất.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần đầu tư vào ứng dụng công nghệ thông tin và thương mại điện tử. Theo khảo sát, 21% doanh nghiệp cho biết việc đầu tư vào hạ tầng công nghệ thông tin và thương mại điện tử đem lại hiệu quả thực tế ở mức rất cao.
Doanh nghiệp cũng cần lựa chọn nền tảng thương mại điện tử thích hợp để xây dựng trang web kinh doanh. Trong đó, cần xác định rõ 5 yếu tố trước khi xây dựng một trang web thương mại điện tử riêng: Quy mô, ngân sách, yêu cầu, có thể làm gì với nền tảng, các tính năng của nền tảng.
Để thiết lập một nền tảng thương mại điện tử thích hợp, doanh nghiệp cần đảm bảo nhà cung cấp hiểu hoạt động kinh doanh trực tuyến và nắm bắt được các kịch bản kinh doanh. Từ đó, tạo ra các trải nghiệm thú vị trong cửa hàng trực tuyến như có thể làm trong cửa hàng truyền thông. Đồng thời, cần xem xét liệu hành trình của khách hàng có được thực hiện hay không và cần xác định doanh thu lớn không phải là mục tiêu; tập trung nhiều hơn vào việc nhận thức và vận hành.
Tiến Hoàng