Lịch sử cây trà
Các nghiên cứu chỉ ra rằng trà có nguồn gốc từ châu Á và xuất hiện chủ yếu ở khu vực phía Tây Nam Trung Quốc.
Không có tài liệu rõ ràng về sự ra đời của giống cây này, tuy nhiên người ta vẫn rỉ tai nhau về các truyền thuyết và xem đó và nguồn gốc ra đời thần kỳ của trà
Người Hoa Bắc có một huyền thoại về Thần Nông - Một vị thần thành thạo về y khoa và dạy con người biết đến nông nghiệp, chính vị thần này đã khám phá ra trà. Truyền thuyết kể rằng: Thần Nông uống thử nước có lá trà rơi vào và ông phát hiện mình có một năng lực kỳ diệu. Sau đó ông xếp trà vào danh sách các loại thảo dược của mình.
Một huyền thoại khác của người Hoa Nam kể rằng Đức Đạt Ma Sư Tổ của Thiền phái Thiếu Lâm Tự Trung Hoa tự cắt mí mắt của mình quăng xuống đất vì ngủ quên trong lúc tạo thiền. Nơi ấy mọc lên một thứ cây kỳ lạ, hái lá nấu nước uống khiến cho tâm hồn tỉnh táo, được gọi là Trà. Từ đó trà trở thành thức uống thông dụng của thiền môn.
Trung Quốc là quê hương của trà: trồng trà, chế biến trà, uống trà đều đi đầu thiên hạ. Phát hiện ra trà và sử dụng trà ở Trung Quốc đã có lịch sử bốn năm nghìn năm, từ việc nấu lá trà tươi để lấy nước uống cho tới phơi khô để cất giữ, từ việc uống một loại trà xanh đơn nhất cho tới việc uống năm sáu loại trà cùng lúc. Trà Trung Quốc hưng thịnh vào đời Đường (618 – 907) và Tống (960 – 1279) rồi kéo dài đến ngày nay. Vị trà nhạt, chua, đắng, hay ngọt đều trải qua lịch sử lâu dài. Trà dựa vào sức hấp dẫn đặc biệt, phá vỡ giới hạn về địa lý khu vực và phong tục, truyền bá đến mọi ngóc ngách của thế giới.
Thưởng trà tinh tế
Trà đạo Trung Quốc bên cạnh hương vị thơm ngon tinh tế thì nó còn đề cao chữ “mỹ”. Điều này có nghĩa là tất cả mọi quy trình từ chọn lựa đến pha chế trà đều phải được kiểm soát kỹ lưỡng. Tất cả các nguyên liệu từ ấm, trà, nước cho đến cách pha nhất định phải dung hòa với nhau, hướng đến việc tạo ra một tổng thể thật hoàn mỹ, ấn tượng. Chưa kể, trà đạo Trung Hoa còn nổi tiếng với nghệ thuật pha trà Kungfu thanh cao và thời thượng vô cùng.
Đối với người Trung Quốc, một bộ trà cụ cơ bản cần phải có đủ: bàn trà, ấm trà, chén tống, chén trà, ống ngửi, thông ấm, thẻ múc trà, kẹp chén, gạt trà, phễu và phễu lọc. Bởi đề cao chữ mỹ cũng như hương vị của tách trà nên những yêu cầu dành cho trà cụ thường được đánh giá hết sức khắt khe.
Tương ứng bộ trà cụ nêu trên cách pha trà và thưởng trà của người dân Trung Hoa cũng tương đối phức tạp, bao gồm nhiều bước, nhiều công đoạn khác nhau. Người ta sẽ lấy chén trà úp lên ống ngửi, sau đó nhanh chóng lật ngược lại sao cho nước trà chảy tràn từ ống sang chén, mang theo toàn bộ hương thơm tinh tế sẵn có của trà. Tiếp đến, họ dùng hai tay kẹp giữ chén trà và ống ngửi, đưa chén lên sát mũi rồi từ từ lăn chén để cảm nhận được hương trà khe khẽ.
Những loại trà ngon
Những loại trà ngon được tuyển chọn khắt khe theo từng vùng và mỗi nơi sẽ có một cách thưởng trà khác nhau
Lục trà nhất phẩm: Trà xanh Long Tỉnh ở Hàng Châu, Bích Loa Xuân ở Giang Tô, Lục An Qua Phiến ở An Huy - Hồ Nam hay Mao Tiêm Tín Dương ở Hà Nam
Nói đến Hồng trà có: Trà Kỳ Hồng ở An Huy hay Hồng Trà Điền Hồng ở tỉnh Vân Nam
Trà ô long không thể không nhắc đến Võ Nghi Nham được trồng ở Phúc Kiến hay Trà ô long Thiết quan âm nổi tiếng khắp thế giới
Ngoài ra, trà phổ nhĩ Vân Nam là một trong những dòng trà được biết đến và xem như một loại trà quý của Trung Quốc.
Xuyên suốt hành trình lịch sử của mình, trà gắn bó mật thiết với đời sống tinh thần của người dân nơi đây. Bởi vậy nên Trung Quốc được mệnh danh là cái nền của ngành trà và nghệ thuật thưởng trà.
Thư Trà