Tinh túy trà Thái Nguyên

Trà Thái Nguyên giống như một nhân chứng về lịch sử, nét văn hoá truyền thống của người dân vùng chè từ việc trồng, chăm sóc đến thu hoạch và chế biến chè. Hay ngay cả trong cách thưởng trà cũng tạo nên nét tinh túy tao nhã khác biệt.

Trà Thái Nguyên tinh tế từ khâu pha đến khâu thưởng trà
Trà Thái Nguyên tinh tế từ khâu pha đến khâu thưởng trà

Đặc biệt từ cách pha trà

Văn hóa trà Thái Nguyên của người Việt rất khác so với trà đạo của các nước Nhật, Trung... và nó vẫn mang nét đặc trưng riêng biệt. Bởi trong từng cách pha, cách dâng trà và cách thưởng thức trà Thái Nguyên đã nói lên điều đó.

Văn hóa trà Thái Nguyên ngầm được hiểu như là người nhỏ pha trà để mời người lớn, khách đến nhà chơi cũng đun ấm trà ngon mời khách. Mỗi buổi sớm tinh mơ, người ta pha một ấm trà để đón ánh bình minh hay bắt đầu những ngày mới làm việc bộn bề… Việc uống trà là để cho tinh thần sảng khoái, để hòa hợp với thiên nhiên và để suy ngẫm lại những chuỗi ngày đã qua hay làm việc vất vả.

“Nhất thủy, nhì trà, tam pha, tứ ấm” đó là một nghệ thuật được nói lên trong cách pha của văn hóa trà Thái Nguyên, từ cách chọn nước “nhất thủy” để pha trà phải là thứ nước sạch, nước đầu nguồn. “Nhì trà” - đến cách chọn trà cũng phải chọn trà Thái Nguyên ngon từ màu sắc đến hương vị tự nhiên đúng chuẩn đặc sản vùng Tân Cương, La Bằng, Trại Cài...

“Tam pha” cũng là một phần rất quan trọng để tạo nên hương vị của chén trà, từ việc tráng ấm trà, tráng nước sơ qua trà rồi pha nước cho đến cách thức rót trà, dâng trà đều phải thật sự tỉ mỉ và cẩn thận để làm nên nghệ thuật trong cách pha trà Thái Nguyên. Để có được một ấm trà ngon, các chân trà nhân Thái Nguyên xưa và nay vẫn rất chú ý đến việc dùng nhiều loại trà cụ cần thiết, để làm sao cho người uống cũng có thể cảm nhận và thể nghiệm về trà giống như các thiền sư. 

Khi pha trà, các nghệ nhân trà Thái thường cho trà vào ấm được gọi là “Ngọc diệp hồi cung”. Ðể có được chén trà ngon thì bình trà và tách uống trà phải được làm ấm lên bằng nước sôi. Ðiều này có dụng ý là giữ cho nước trong bình pha luôn luôn có độ nóng cao nhất. Cuối cùng “Tứ ấm”, để làm cho nước trà ngon càng thêm ngon thì nhiều nghệ nhân vùng đất Thái Nguyên đều nói rằng, dùng ấm bằng gốm hoặc ấm tử sa. Bởi vì loại ấm này có thể giúp giữ nhiệt lâu hơn và hơn nửa mùi vị của trà cũng sẽ được giữ nguyên khi dùng loại ấm này.

Nghệ thuật thưởng trà tinh tế

Văn hóa Trà Thái Nguyên còn thể hiện trong cách thưởng trà, uống trà cứ ngỡ như là một chuyện rất đơn giản nhưng uống thế nào để cảm nhận được cái hương thơm tinh túy của trà. Người thưởng thức trà Thái sẽ cảm nhận được vị chát chát dịu nhẹ ở đầu lưỡi lúc ban đầu và thấm đậm vị ngọt dịu ở cổ họng sau khi uống cùng hương vị thuần khiết của thiên nhiên mà trà Thái Nguyên mang lại.

Người uống trà Thái ý tứ trong từng cử chỉ và dáng điệu, từ nghệ thuật pha trà, tráng ấm, cho trà vào ấm, rót trà mời khách tri kỷ, rồi đến cách cầm chén trà, cách uống trà, điệu bộ khi uống cũng phải tươi tắn, thoái mái để có thể cảm nhận được hết cái hương vị ngọt ngào, thơm mát của chén trà.

Trà Thái ngon là sau khi hãm, được rót ra chén, nghe tiếng rót trà như tiếng suối chảy từ xa vọng lại. Khi dùng trà, phải rót sao cho các chén trà đều có nồng độ như nhau bằng cách kê khít các miệng chén lại và đưa vòi ấm quay vòng đều các chén. Cách phổ biến trong truyền thống là rót ra chén Tướng (chén tống) rồi chia đều ra các chén quân. Cách này ngày nay ít dùng vì phần làm nguội trà, phần hơi mất thời gian.

Dâng chén trà theo đúng cách là ngón giữa phải đỡ lấy đáy chén, ngón trỏ và ngón cái đỡ miệng chén gọi là “Tam long giá ngọc”, người dâng trà và người nhận trà đều phải cung kính cúi đầu. Trước khi uống đưa chén sang tay trái, mắt nhìn theo, sau đó đưa sang phải. Cầm chén uống trà phải quay lòng bàn tay vào trong, dâng chén lên sát mũi để thưởng thức hương trà trước, sau đó tay che miệng hớp một hớp nhỏ.

Người uống cũng phải chậm rãi mím miệng nuốt khẽ cho hương trà thoát ra đằng mũi và đồng thời đọng trong cổ họng, nuốt nước bọt tiếp lần một, lần hai, lần ba để cảm nhận. Đó là những nét độc đáo trong nghệ thuật uống trà của người Thái Nguyên. Nét văn hóa đặc trưng ấy đã làm nên một bản sắc bản sắc văn hóa rất riêng và khác biệt cho những con người nơi đây. Đồng thời, nó cũng là thước đo cho sự phát triển của một nền văn hóa của một dân tộc, một quốc gia hay một khu vực. 

Ngoài ra, các nghệ nhân trà Thái cũng chỉ ra những điều kiêng kị khi uống Trà như: Tránh đun trà hoặc hãm trà trong phích nước nóng; Không nên nhai nuốt lá chè; Không nên uống trà đặc quá; Không nên uống trà lúc đói; Không nên uống nước trà pha để lâu...

Uống chén trà Thái Nguyên đúng điệu trong sương sớm là cái thú của người dậy sớm, tận hưởng vẻ đẹp rực rỡ của một buổi bình minh, đem lại sự thư giãn, minh mẫn cho tâm hồn. Uống trà cũng như uống rượu, ít khi người ta chịu uống một mình. Mà dẫu có độc ẩm thì cũng tìm bạn nơi chính mình, với vầng trăng tình tứ hay bình minh ửng hồng. Từ đó, tận hưởng những tác dụng tuyệt vời của trà xanh đối với sức khỏe...

H.An