Chế độ ăn uống bao gồm các thực phẩm, chất bổ sung có thể tăng cường khả năng giảm cholesterol cho cơ thể. Trong đó, trà xanh được xem như một thức uống có thể bổ sung hợp chất giúp giảm cholesterol trong máu.
Chiết xuất catechin trong trà xanh góp phần giúp giảm cholesterol xấu (LDL), tăng cholesterol tốt (HDL) trong cơ thể.. Một phân tích tổng hợp từ Tạp chí Dinh dưỡng Lâm sàng Hoa Kỳ cho thấy rằng trà xanh làm giảm đáng kể tổng lượng cholesterol, bao gồm cả LDL hoặc cholesterol “xấu”, trong máu xuống 2,19 mg / dL. Tuy nhiên, trà xanh không ảnh hưởng đến HDL.
Theo Rebecca Yellin, chuyên gia dinh dưỡng của Hệ thống Y tế Montefiore, New York (Mỹ), trong trà xanh chứa loại chất chống oxy hóa có thể làm giảm cholesterol xấu và triglyceride (được lưu trữ trong các tế bào mỡ). Lá trà xanh sấy khô và đun nóng để giảm thiểu quá trình lên men, ít trải qua quá trình chế biến. Nhờ đó, trà xanh bảo tồn được nhiều chất chống oxy hóa catechin. Hoạt động chống oxy hóa của catechin góp phần ngăn ngừa ung thư, tăng cường sức khỏe răng miệng, giảm cholesterol.
Theo Very Well Health (Mỹ) hầu hết các nghiên cứu liên quan đến tác dụng giảm cholesterol của trà xanh đều nhận thấy rõ vai trò của chiết xuất catechin. Trà xanh giúp cân bằng cholesterol bằng cách tăng hoạt động của các thụ thể LDL trong gan, ngăn chặn sự hấp thụ cholesterol ở ruột, giảm LDL cholesterol, tăng HDL cholesterol, giảm cholesterol.
Tháng 9/2020, trên Tạp chí Dinh dưỡng, các nhà nghiên cứu Mỹ công bố một đánh giá dựa trên 31 nghiên cứu với hơn 3.000 đối tượng để xem xét tác động của trà xanh đối với mức cholesterol. Họ nhận thấy, trà xanh có thể làm giảm cholesterol toàn phần và LDL (xấu) làm tăng khả năng chống oxy hóa của máu, bảo vệ các phần tử LDL khỏi quá trình oxy hóa. Các nghiên cứu cho rằng, những người uống trà xanh có nguy cơ mắc bệnh tim mạch thấp hơn, giảm 31% nguy cơ tử vong do bệnh tim mạch.
Các nghiên cứu khác về trà xanh và cholesterol cũng chứng minh các triển vọng tương tự. Cụ thể, nghiên cứu đăng trên Tạp chí của Hiệp hội Tim mạch Mỹ kiểm tra tác động của việc tiêu thụ trà đối với mức cholesterol tốt HDL ở hơn 80.000 người lớn Trung Quốc trong 6 năm. Nghiên cứu kết luận những người uống trà xanh có tốc độ giảm cholesterol tốt chậm hơn những người ít uống trà, dù họ ở cùng độ tuổi.
Các chuyên gia khuyên bạn nên kiên trì tiêu thụ trà xanh mỗi ngày, trung bình 3-5 cốc vì những lợi ích cho sức khỏe tim mạch. Tùy vào cơ địa mỗi người mà mức độ cải thiện cholesterol trong máu khác nhau. Tuy nhiên, bạn không chỉ nên uống trà để thay thế việc luyện tập thể dục hay bỏ chế độ ăn uống lành mạnh mà cần kết hợp nhiều yếu tố làm giảm cholesterol để đạt hiệu quả tốt nhất.
Ngoài trà xanh, nhiều nghiên cứu cũng cho thấy rằng trà thảo mộc có thể điều trị một số tình trạng y tế, bao gồm cả cholesterol. Trà thảo mộc không chính xác là trà vì chúng không được làm từ Camellia sinensis. Chúng được làm từ các bộ phận của cây ăn được, bao gồm: rễ, lá, chồi non, hoa,... Trà thảo mộc không chứa caffeine trừ khi bản thân cây trồng có chứa caffeine tự nhiên.
Theo đó, trà Rooibos có thể giúp cải thiện mức lipid hoặc mức cholesterol trong máu. Trong một nghiên cứu từ Tạp chí Ethnopharmacology, những người tham gia uống sáu cốc trà rooibos lên men mỗi ngày trong sáu tuần cho thấy giảm LDL khoảng 0,7 mmol / L và tăng HDL khoảng 0,3 mmol / L. Trà gừng cũng được cho là có công dụng làm dịu dạ dày, đồng thời cũng có thể giúp giảm cholesterol.
Dựa trên các nghiên cứu trên động vật, trà bồ công anh cũng được chứng minh có thể làm giảm cholesterol. Trà mướp đắng có thể cải thiện lượng cholesterol và giảm nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến cholesterol. Một nghiên cứu khác cho thấy trà bạc hà có thể làm giảm cholesterol bằng cách giúp cơ thể sản xuất mật. Mật có chứa cholesterol, vì vậy việc sản xuất mật có thể làm cho cholesterol của bạn được sử dụng tốt hơn.
Bảo An (t/h)