Bộ phận phân tích của Công ty Cổ phần Chứng khoán Bản Việt (VCSC) đã có báo cáo cập nhật đối với Trái phiếu Tiền tệ.
Theo VCSC, trong tháng 1, tổng lượng TPCP phát hành trên thị trường sơ cấp giảm 46% so với tháng trước (MoM) còn 23,5 nghìn tỷ đồng, tương ứng 23,5% mục tiêu phát hành của quý 1 là 100 nghìn tỷ đồng.
Tổng giá trị giao dịch trên thị trường thứ cấp đạt 303 nghìn tỷ đồng với tỷ trọng giao dịch outright duy trì ổn định ở mức 66,6%. Giá trị giao dịch trung bình hàng ngày (ADTV) của giao dịch outright tiếp tục tăng, lập mức đỉnh mới đạt 10,1 nghìn tỷ đồng (+8,8% MoM và +75% so với cùng kỳ/YoY).
Lợi suất TPCP trên thị trường sơ cấp giảm khoảng 10-15 điểm cơ bản trong tháng 1. Trong khi đó, thanh khoản dồi dào và nguồn cung TPCP thấp trên thị trường sơ cấp tiếp tục làm giảm lợi suất trên thị trường thứ cấp. Tính đến cuối tháng 1, lợi suất TPCP các kỳ hạn 5 năm, 7 năm, 10 năm và 15 năm trên thị trường thứ cấp lần lượt ở mức 1,21% (-5 điểm cơ bản), 1,46% (-11 điểm cơ bản), 2,33% (-25 điểm cơ bản) và 2,54% (-24 điểm cơ bản).
Khối ngoại mua ròng tháng thứ năm liên tiếp trên thị trường thứ cấp, đạt 2,8 nghìn tỷ đồng, gấp bốn lần mức mua ròng trong tháng 1/2020.
VCSC kỳ vọng lợi suất TPCP đi ngang trong tháng 2 khi (1) nguồn cung TPCP lớn (76,5 nghìn tỷ đồng) dự kiến phát hành trong nửa cuối quý 1 có thể tạo áp lực tăng đối với lợi suất trái phiếu trong khi (2) 44,3 nghìn tỷ đồng TPCP đáo hạn vào tháng 2 và tháng 3, bên cạnh kỳ vọng thanh khoản đồng VND phục hồi sau Tết Nguyên đán có thể giúp giảm áp lực tăng đối với lợi suất trái phiếu.
Nhu cầu thanh khoản gia tăng trước Tết đẩy lãi suất liên ngân hàng
Lãi suất liên ngân hàng duy trì ở mức thấp trong 3 tuần đầu tiên của tháng 1, sau đó tăng trong tuần cuối cùng do nhu cầu giao dịch gia tăng trước dịp Tết Nguyên đán. Lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm và 1 tuần lần lượt ở mức 0,15% (+6 điểm cơ bản MoM) và 0,26% (+15 điểm cơ bản MoM), tính đến cuối tháng 1 và tăng mạnh lên 1,83% và 1,97% trong tuần đầu tiên của tháng 2.
VCSC kỳ vọng thanh khoản phục hồi sau dịp Tết Nguyên đán tương tự như các năm trước đây sẽ giúp lãi suất liên ngân hàng giảm trong nửa cuối tháng 2.
Tỷ giá USD/VND tiếp tục giảm nhờ nguồn cung ngoại tệ dồi dào
Tỷ giá USD/VND tiếp tục giảm nhờ nguồn cung ngoại tệ dồi dào. Tỷ giá USD/VND tiếp tục đà giảm trong tháng 1, đóng cửa tháng ở mức 23.049 trên thị trường liên ngân hàng (+0,2% so với USD). Một số yếu tố hỗ trợ tỷ giá bao gồm (1) thặng dư thương mại đạt 1,3 tỷ USD, (2) vốn FDI giải ngân đạt 1,5 tỷ USD, và (3) kiều hối dồi dào trước Tết Nguyên đán.
Tỷ giá USD/VND có thể tiếp tục giảm trong tháng 2 khi nhu cầu giao dịch bằng đồng VND gia tăng trước Tết. VCSC tiếp tục kỳ vọng nguồn cung ngoại tệ dồi dào – đặc biệt từ thặng dư thương mại – và dự trữ ngoại hối dồi dào sẽ giúp hỗ trợ tỷ giá trong năm 2021.
Phí CDS của Việt Nam và khu vực tăng nhẹ trong tháng 1
Phí CDS 5 năm của Việt Nam kết thúc tháng ở mức 103,5 điểm cơ bản (+6,6 điểm cơ bản MoM). Tương tự, phí CDS 5 năm của Indonesia, Philippines và Thái Lan đạt lần lượt 77,3 điểm cơ bản (+3,5 điểm cơ bản MoM), 41,8 (+6,3 điểm cơ bản MoM) và 40,3 (+3,5 điểm cơ bản MoM).
Nhà đầu tư chỉ nên xem những phân tích của các công ty chứng khoán là nguồn thông tin tham khảo. Các công ty chứng khoán đều có khuyến cáo miễn trách nhiệm đối với những nhận định trên. KTDU và tác giả không chịu trách nhiệm về các thiệt hại phát sinh (nếu có) liên quan đến nội dung được đăng tải.
Tạ Thành