Chị N.T.H (28 tuổi, Hà Nội) chia sẻ về trường hợp của con trai mình, “Con trai tôi 5 tuổi, được chẩn đoản rối loạn phổ tự kỷ và được can thiệp tâm lý từ lúc 2 tuổi. Cháu đã có nhiều thay đổi trong quá trình can thiệp tại trung tâm. Cháu có khả năng hiểu các mệnh lệnh của bố mẹ và cô giáo, cháu biết tự xúc ăn, tự mặc quần áo và chuẩn bị đồ dùng khi đi học. Khi cháu được 4 tuổi cháu biết nói một số nhu cầu cơ bản với mẹ như “ăn cơm”, uống sữa, đi chơi…”.
Gia đình tôi rất mừng, tuy nhiên do thời gian giãn cách xã hội kéo dài, cháu không được đến trung tâm để can thiệp cá nhân nên có dấu hiệu thụt lùi, cháu lười nói và hay mè nheo. Đặc biệt là thời gian gần đây cháu thường xuyên la hét, ném đồ đạc và đánh người khi không vừa ý.
Những biểu hiện về việc nghỉ can thiệp dài ngày, khiến trẻ tự kỷ gặp các vấn đề về thoái lui và dần mất đi các kỹ năng đã được rèn luyện trước đó. Cô Hồng Thái, giáo viên can thiệp cho trẻ tự kỷ trên địa bàn thành phố Hà Tĩnh chia sẻ: “Đối với trẻ tự kỷ, việc hình thành các kỹ năng cho con như khả năng phát âm, hạn chế các hành vi định hình cũng như rèn luyện các khả năng nghe hiểu, hình thành vốn từ vựng cho trẻ mất rất nhiều thời gian. Nhưng nếu không được duy trì thường xuyên thì trẻ dễ mất đi. Cho nên khi nghỉ dài ngày, và quay trở lại can thiệp, tôi phải bắt đầu lại từ đầu và rất nhiều kỹ năng con đã quên đi dù trước đó con thực hiện rất tốt. Cho nên mỗi lần nghỉ dài ngày, các thầy cô dạy trẻ tự kỷ như tôi cảm thấy rất lo lắng cho các con”.
Cùng những lo lắng trên, ông Hoàng Văn Quyết, Giám đốc Trung tâm giáo dục trẻ em Ngày Mới chia sẻ, hiện nay, Trung tâm Ngày Mới đang thực hiện các hoạt động can thiệp trị liệu cho các trẻ tự kỷ, trẻ chậm nói tại Hà Nội, Nghệ An và Hà Tĩnh. Trong đó, tại Hà Nội, Trung tâm đã nghỉ phòng dịch từ tháng 5 đến nay. Đối với các trẻ cần can thiệp trị liệu, việc nghỉ dài ngày ảnh hưởng đến hiệu quả can thiệp, nhiều trẻ bị thoái lui, do không được rèn luyện nên dần mất đi các kỹ năng đã được học trước đó.
Để hạn chế nguy cơ về các triệu chứng của trẻ tự kỷ có thể trở nặng, việc gia đình phải dành thời gian can thiệp cho con ở nhà là điều rất cần thiết. Phụ huynh cần chủ động dạy con các nội dung, kỹ năng đã được rèn luyện trước đó. Ngoài ra, ở nhà phụ huynh có thể dạy con mọi lúc, mọi nơi, từ các kỹ năng tự phục vụ đến các kỹ năng nhận thức, ngôn ngữ; Dành nhiều thời gian để trò chuyện có chủ đích với con. Theo dõi khả năng phát triển của con hàng tuần, hàng tháng. Và cần có sự tư vấn của các chuyên gia để hỗ trợ hiệu quả cho trẻ.
“Việc nghỉ can thiệp dài ngày, chúng tôi cũng đã nghiên cứu nhiều chương trình khác nhau như xây dựng các nhóm bài tập, giáo án cho phụ huynh can thiệp tại nhà, xây dựng các bài trị liệu đặc biệt cho những bé gặp các triệu chứng nặng. Và các buổi đào tạo, hướng dẫn phụ huynh can thiệp tại nhà cho con.
Với trẻ tự kỷ thì rất khó để can thiệp online và thời gian nghỉ dịch có thể kéo dài. Nên việc chủ động của phụ huynh rất quan trọng. Có sự khác biệt rất lớn giữa các bé cùng nghỉ một thời gian nhưng có bé rất tiến bộ và phát triển ổn định còn có những bé bị thoái lui rất nhiều, hầu như mất hết kỹ năng, lại phụ thuộc nhiều vào điện thoại, tivi… Điều này cũng một phần rất lớn là sự nỗ lực như thế nào của phụ huynh”, ông Hoàng Văn Quyết chia sẻ.
Ngoài ra, nhằm hỗ trợ và chia sẻ và tư vấn hiệu quả đến phụ huynh những khó khăn trong quá trình can thiệp, trị liệu cho trẻ tại gia đình. Hiện Trung tâm giáo dục Ngày Mới cùng với nhóm các chuyên gia tâm lý thành lập dự án “Tư vấn tâm lý cộng đồng vượt qua đại dịch” để hỗ trợ tư vấn miễn phí cho phụ huynh các hình thức can thiệp, trị liệu hiệu quả cho các trẻ tự kỷ tại gia đình.
Phụ huynh có thể đăng ký và nhận được những tư vấn hiệu quả từ các chuyên gia của dự án.
Link đăng ký: https://tinyurl.com/3yym7dxr
Điện thoại: 0985 86 3488
Email: tamlyvacuocsonghiendai@gmail.com